Những bài hát thiếu nhi đã qua 'tuổi' 50

25/06/2017 12:21 GMT+7

Trong chương trình Giai điệu tự hào tối 24.6, các nhạc sĩ đã chia sẻ những kỷ niệm xúc động về hoàn cảnh ra đời các bài hát thiếu nhi đã trường tồn trên 50 năm qua.

Giai điệu tự hào tháng 6 với chủ đề Khúc hát mùa hè là những câu chuyện nối tiếp về những bài hát thiếu nhi đã được sáng tác, được hát rất lâu. Thậm chí trong đó có bài hát đã được sáng tác và hát 70 năm như bài Reo vang bình minh của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước. GS nhạc sĩ Vĩnh Cát nay đã 83 tuổi, người đầu tiên hát bài hát đó cũng có mặt trong chương trình và cùng hát với tốp thiếu nhi. Cũng ít ai ngờ đó là một bài hát trong vở ca kịch tuyên truyền chống Pháp hồi năm 1947. “Khi đó 3 anh em tôi đều ở Đoàn nhạc kịch tuyên truyền thiếu nhi kháng chiến. Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước muốn dùng nhạc kịch để tuyên truyền, ông viết kịch hát Diệt sói lang. Một bẩy thỏ non tơ, ngây thơ đang chơi trong dừng thì 2 con chó sói là sói xám và nâu xông lên bắt đúng con thỏ non nhất. Em trai tôi diễn vai chú thỏ bị bắt, tôi cũng là thỏ. Anh trai tôi vai sói. Khi đó chúng ta chỉ có súng thô sơ, Pháp có tàu bay… Chúng ta ví như thỏ, nhưng do thông minh gan dạ vẫn thắng, giết được sói”, nhạc sĩ Vĩnh Cát nhớ lại.
Nhiều bài hát thiếu nhi trong chương trình tối 24.6 đều đã qua "tuổi" 50 Ảnh: chụp màn hình
Nhà nghiên cứu Thụy Kha cho rằng, bài hát Reo vang bình minh đã mở ra những chân trời mới cho bài hát thiếu nhi sau này. Sau đó, ông Lưu Hữu Phước còn có bài hát Thiếu nhi thế giới liên hoan cũng rất hay. Cả hai bài Reo vang bình binh, Thiếu nhi thế giới liên hoan về sau đã lọt vào danh sách 50 bài hát thiếu nhi hay nhất. của thế kỷ 20.
Cũng có cả câu chuyện của những cô bé cậu bé ngày nào được hát những bài hát thiếu nhi có tuổi đời hàng chục năm. Diva Hồng Nhung nhớ lại: “Bạn Hồng Nhung lúc đó người rất nhỏ, bạn bè thường trêu là con mực khô nhưng giọng hát thì lanh lảnh khác thường”. Giọng lanh lảnh là thế mà Hồng Nhung cũng có lúc run sợ không hát được những nốt cao. Một lần như thế là khi Hồng Nhung biểu diễn bài Em đi giữa biển vàng. “Bài hát có câu ở giữa có nốt rất cao. Hương lúa chín thoang thoảng bay. Hồng Nhung cứ nghĩ sao nhạc sĩ không viết lúa mới chín thôi đừng cao thế. Rồi khi lên sân khấu thì tôi quên mất lời. Cô giáo lúc đó phải nhắc. Cũng nhờ cô nhắc nên quên mất sợ và hát được câu đó”, Hồng Nhung chia sẻ.
Một bài hát nữa cũng được nhiều thế hệ thiếu nhi hát là Hè về của nhạc sĩ Hùng Lân. Nếu như Reo vang bình minh thú vị khi dàn dựng vì sự có mặt của nhạc sĩ Vĩnh Cát thì Hè về lại có giọng trong trẻo của Hoàng Yến Chibi. Đặc biệt, bản phối này còn có một đoạn rap rất thú vị. Cảnh trí sân khấu lúc đó được dàn dựng vui nhộn, nhóm múa phụ họa mặc áo nâu và những động tác múa cũng có âm hưởng dân gian. “Bài hát là một hơi thở rất mới cho tân nhạc Việt Nam. Đây cũng là lần đầu tiên nhạc sĩ Hùng Lân có bài hát trong Giai điệu tự hào. Đó là một tác giả trước Cách mạng tháng tám. Ông còn là nhạc sĩ thánh ca. Bài hát này thú vị ở chỗ có hơi thở của thánh ca, và cũng có phần dân ca trong đó mà hôm nay khi dàn dựng chúng ta khai thác được”, ông Thụy Kha nói. Ông Hùng Lân cũng là thầy giáo dạy nhạc đã phát hiện ra tài năng của NSND Quý Dương và NSND Trần Hiếu sau này.
Hoàng Yến Chibi vừa là khách mời vừa là ca sĩ trong chương trình Giai điệu tự hào tối 24.6 Ảnh: chụp màn hình
 
Bài hát Bụi phấn cũng có câu chuyện thú vị đằng sau. “Hồi 1982, ở TP.HCM các nhạc sĩ trẻ quy tụ trong nhóm sáng tác Thành đoàn. Thầy Trương Quang Lục đến dạy học. Khi thầy viết những đoạn nhạc trên bảng, rồi đàn, thì tóc dính đầy phấn. Mình lấy giấy mình viết liền. Nhạc sĩ Trương Quang Lục đánh đàn xong thì tôi giơ tay lên. Thầy hỏi em thắc mắc gì. Tôi nói em không thắc mắc gì hết nhưng em nhìn thầy thì em có viết được mấy câu hát. Ông nói tôi hát ông đệm”, nhạc sĩ Lê Văn Lộc, đồng tác giả của Bụi phấn chia sẻ. Sau đó, ông Lộc cùng ông Vũ Hoàng cũng bỏ thêm công sức làm hành bài hát như bây giờ.
Hoàng Yến Chibi là giọng ca xuyên suốt chương trình khi cô hát nhiều bài. Trong số đó, Hè về đã được số phiếu bình chọn áp đảo của Hội đồng bình luận.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.