Những bài học lớn cho U.22 Việt Nam

02/05/2023 07:40 GMT+7

U.22 Việt Nam thắng U.22 Lào với tỷ số 2-0 trong trận mở màn chiến dịch SEA Games 32 - một bước tiến quan trọng của thầy trò HLV Troussier nhưng xét về chuyên môn, đây lại là một trận thắng với rất nhiều tiếng thở dài.


NHỮNG NỖI LO

Sơ đồ 3-4-3 được yêu thích trên toàn thế giới. Ở thời điểm hiện tại, rất nhiều đội bóng hàng đầu như Man.City, PSG hay Bayern Munich vẫn đang chơi với sơ đồ 3 trung vệ và đạt được những kết quả tuyệt vời. Ngay cả thầy Park Hang-seo thời kỳ thành công nhất cùng với bóng đá Việt Nam cũng đã sử dụng sơ đồ này. Nhưng đó cũng là một trong những cách vận hành chiến thuật khó và yêu cầu rất cao cho từng vị trí cụ thể trên sân.

Những bài học lớn cho U.22 Việt Nam - Ảnh 1.

Hàng công của U.22 Việt Nam (9) sẽ hiệu quả hơn nếu sơ đồ 3-4-3 được vận hành trơn tru

NGỌC DƯƠNG

Sơ đồ 3-4-3 đòi hỏi thủ môn và 3 trung vệ phải có kỹ năng kiểm soát bóng và phát động tấn công hoàn hảo. Nhưng ở U.22 Việt Nam, ngoài Văn Chuẩn và Tuấn Tài có khả năng khống chế và chuyền bóng tạm ổn thì những nhân tố còn lại đều chưa đạt yêu cầu. Các trung vệ giữa như Duy Cương, Quang Thịnh xoay xở chậm, khả năng luân chuyển, xoay đổi hướng không nhanh và linh hoạt, chất lượng đường chuyền ở mức trung bình thấp. Trung vệ lệch phải Tiến Long đỡ bước một chưa tốt khiến khả năng kiểm soát bóng và phát động tấn công cánh phải thường bị chậm và lệch nhịp. Điều này khiến nhịp triển khai tấn công của U.22 Việt Nam bị chậm và dễ bắt bài. Các cầu thủ tiền vệ cũng không được nhận bóng ở vị trí, tư thế và thời điểm thuận lợi nhất.

U.22 Việt Nam - U.22 Lào: Những pha bỏ lỡ mười mươi | Bóng đá nam SEA Games 32

Những bài học lớn cho U.22 Việt Nam - Ảnh 3.

Quốc Việt (áo đỏ) sẽ phát huy được nhiều ở những trận sau

NGỌC DƯƠNG

Thứ hai, trong sơ đồ này, phạm vi hoạt động, kỹ năng kiểm soát bóng, khả năng công thủ toàn diện của 2 tiền vệ trung tâm cũng cực kỳ quan trọng. Nhưng cả 4 nhân tố được HLV Troussier lựa chọn đều không hoàn thành được tiêu chí này. Thái Sơn - Đức Phú lọt thỏm ở khu vực giữa sân, Công Đến - Xuân Tiến thì hụt hơi, không bắt nhịp được trận đấu. Nhiều thời điểm, U.22 Việt Nam có tới 5 người trong những tình huống phát động tấn công ở phần sân nhà, trong khi đó lại quá thiếu người trong những tình huống đưa bóng được sang phần sân đối phương.

PHẢI KỊP CHỈNH SỬA KẺO MUỘN

U.22 Việt Nam trong suốt quá trình chuẩn bị cho SEA Games chỉ tập duy nhất sơ đồ 3-4-3. Cho dù các trận đấu giao hữu không thành công và HLV Troussier đã nhận ra được những điểm yếu cố hữu của học trò, nhưng ông vẫn không thay đổi. Điều đó đang làm hạn chế sự tự tin, tính sáng tạo và sự năng động của các cầu thủ.

Highlights | U.22 Việt Nam - U.22 Lào: Thở phào phút cuối | Bóng đá nam SEA Games 32

Minh chứng là 3 trung vệ chỉ hoạt động an toàn ở phần sân nhà, không ai dám tràn sang phần sân đối phương để tăng cường sự kết nối đội hình, dám nhận bóng và chuyền những đường chuyền mang tính chiến thuật cao. Hai tiền vệ trung tâm chỉ hoạt động ở khu vực giữa sân, không dám nhô cao để khoét vào nách trung lộ hay là nhận bóng trước khu vực cấm địa của đối phương để sút xa hoặc thực hiện những đường chọc khe có tính đột biến. Ba tiền đạo thì chốt chặt ở 3 vị trí như 3 mũi đinh ba cố định, không hoán đổi vị trí, không di chuyển tạo khoảng trống và cũng không ai đột biến chiếm khoảng trống. Kết quả, U.22 Việt Nam chỉ có một miếng đánh duy nhất là tấn công biên một cách khá đơn điệu.

Những bài học lớn cho U.22 Việt Nam - Ảnh 5.

Chặng đường phía trước của U.22 Việt Nam còn rất gian truân

NGỌC DƯƠNG

HLV Troussier luôn nói rằng thất bại sẽ cho U.22 nhiều bài học bổ ích. Nhưng có vẻ như trận thắng 2-0 trước U.22 Lào cũng sẽ cho chúng ta nhiều bài học bổ ích không kém. Bài học về lựa chọn con người cho đội hình xuất phát, bài học về cách vận hành hệ thống chiến thuật và những yêu cầu cụ thể, chính xác cho từng cá nhân, bài học về sử dụng nhân sự và những thay đổi, tính toán cho từng thời điểm quan trọng của trận đấu. Ai cũng biết hành trình của U.22 Việt Nam tại SEA Games lần này là vừa đá, vừa học hỏi, vừa hoàn thiện. Nhưng nếu như U.22 Việt Nam không học chuẩn, không học nhanh thì chưa chắc họ đã có thể góp mặt ở bài học cuối cùng là trận chung kết. Chúng ta hy vọng, những điểm yếu của U.22 Việt Nam sẽ kịp thời được khắc phục, để trước mắt phải thắng được U.22 Singapore vào ngày 3.5.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.