Thể thao cũng như kinh doanh, luôn có thua có thắng. Điều quan trọng là biết làm lại, trưởng thành sau mỗi thất bại, giữ được phong cách của đội bóng và giữ được chiến thắng.
|
Vòng chung kết World Cup 2014 đã khép lại sau hơn 4 tuần tranh tài quyết liệt. Cả 32 đội đều ra quân và thi đấu hết mình, đem đến cho khán giả nhiều trận cầu mãn nhãn. Có những đội làm người xem thất vọng như Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Anh, Ý…Có đội để lại ấn tượng xấu như Cameroon, Nigeria, Ghana (cả 3 đều đại diện châu Phi) vì đá banh thì kém mà nội bộ còn lục đục. Cầu thủ Cameroon suýt choảng nhau trên sân. Còn cầu thủ Nigeria và Ghana thì dọa đình công đòi tiền thưởng.
Nhật Bản, lần thứ 5 tham dự World Cup, vẫn chưa để lại dấu ấn nào đậm nét, bị loại sau 3 trận với vỏn vẹn 1 điểm, xếp cuối bảng. Nhưng người Nhật, cả đội bóng và cổ động viên đã “ghi bàn” về cách hành xử, giành “chiến thắng” văn hóa trước cả thế giới.
Tôi không phải là tín đồ cuồng nhiệt của túc cầu nhưng vẫn thường theo dõi các trận đấu đỉnh cao bởi học được từ đó nhiều bài học quí giá. Cũng như kinh doanh, bóng đá là cuộc chơi của tập thể, ghi dấu ấn của CEO hoặc huấn luyện viên. Dù có chiến lược đúng đắn nhưng chiến thuật sai lầm vẫn thất bại. Cả bóng đá và kinh doanh, muốn chiến thắng phải biết người biết ta. Tùy đối thủ hay thị phần mà có chiến thuật phù hợp. Dĩ nhiên, cũng cần một chút may mắn và sự tỏa sáng kịp thời của những ngôi sao nhưng quyết định vẫn là tinh thần đồng đội.
Khi các cầu thủ Nigeria và Ghana đòi tiền thưởng, họ có lý do riêng nhưng cái chết đã được báo trước. Dù yêu sách được đáp ứng, Ghana thất bại 1-2 trước Bồ Đào Nha và Niegeria thua 0-2 trước Pháp. Dù thua Costa Rica ở loạt sút phạt 11 m, nhưng Hy Lạp đã giành “huy chương vàng” trong lòng khán giả quê nhà và người hâm mộ. Trước đó, 21 cầu thủ đã ký tên vào tâm thư gửi Thủ tướng Antonis Samaras đề nghị dùng toàn bộ tiền thưởng của đội tuyển đầu tư cho thể thao nước nhà. Họ thi đấu hết mình vì tổ quốc, vì màu cờ sắc áo của quê hương chứ không phải vì tiền thưởng.
|
Các cổ động viên Nhật Bản càng tuyệt vời hơn. Họ cổ động hết mình và vô tư không chỉ cho đội nhà. Chưa bao giờ thấy cổ động viên Nhật Bản bỏ về nửa chừng, dù đội nhà thua hay thắng. Chẳng bù cho Việt Nam, cứ đội nhà thua là lục tục rời sân. Họ luôn ở lại sau cùng và chung tay dọn dẹp vệ sinh khu vực, dù đó là nhiệm vụ của ban quản lý sân bóng chứ không phải của họ. Cách ứng xử “made in Japan” trong các trận bóng đã ghi điểm son với bạn bè thế giới.
Từ một đất nước kiệt quệ sau 2 thế chiến, chỉ cần vài thập niên, Nhật Bản đã vươn lên thành cường quốc kinh tế của thế giới. Bóng đá Nhật Bản cũng vậy, từng ví mình “là những người tí hon trước các bạn khổng lồ” (lời trưởng đoàn bóng đá Nhật Bản phát biểu trước trận đấu giao hữu với Việt Nam Cộng Hòa năm 1959). Chỉ mấy thập niên, những cầu thủ bóng đá tí hon năm nào vươn vai thành khổng lồ, vô địch châu lục. Họ đã hoán đổi ngoạn mục vị trí cho Việt Nam, vô địch Sea Games lần thứ 1 (1959) đến giờ, hơn nửa thế kỷ thụt lùi, chưa bao giờ giành lại ngôi đầu bóng đá khu vực, dù là vùng trũng của thế giới.
Chính ý chí, tinh thần Nhật Bản đã làm nên nhiều chuyện thần kỳ và văn hóa là vũ khí vô địch. Dù các đội bóng như Hy Lạp, Nhật Bản phải rời cuộc chơi sớm nhưng tinh thần và văn hóa của đất nước họ vẫn ở lại với giải, đậm nét trong lòng bạn bè, xứng đáng được mọi người mến mộ.
Thể thao không chỉ là giải trí mà còn là ngoại giao và World Cup là nơi PR hình ảnh đất nước hiệu quả nhất. Văn hóa các dân tộc thể hiện đậm nét trong phong cách của cổ động viên và cầu thủ. Thể thao cũng như kinh doanh, luôn có thua có thắng. Điều quan trọng là biết làm lại, trưởng thành sau mỗi thất bại, giữ được phong cách của đội bóng và giữ được chiến thắng. Khi anh chạy chậm hơn, thiên hạ sẽ qua mặt. Bóng đá và kinh doanh, suy cho cùng là “cuộc đua marathon suốt đời”. Ai biết rèn thể lực và ý chí, phân phối sức và bứt phá đúng thời điểm thì sẽ dẫn đầu.
Các cựu vô địch như Tây Ban Nha, Ý bị loại ngay vòng đầu vì không giữ được phong độ. Còn Brazil thì thay đổi xấu xí. Đá vật vờ nhưng vẫn vào đến tứ kết. Nếu Brazil thất bại từ vòng loại là thảm họa cho World Cup 2014 nhưng nếu Brazil vô địch sẽ là thảm họa cho bóng đá thế giới.
Tôi thích cách vô địch của bóng đá Đức. Từ kỳ công rèn quân đến việc chuẩn bị chu đáo cho cầu thủ thích nghi với khí hậu. Từ tinh thần đồng đội và thần kinh thép của các cầu thủ trong mọi tình huống. Cả thái độ bình tĩnh đến kinh ngạc của Joachim Loew. Không la hét hay bực dọc cau có. Ngay cả khi Đức dẫn bàn vào cuối hiệp phụ thứ 2. Chỉ khi còi chung cuộc, ông mới cười mãn nguyện và chừng mực. Người Đức xứng đáng vô địch và buộc các đối thủ tâm phục khẩu phục.
Cám ơn World Cup và những bài học quí báu cho các doanh nhân.
Nguyễn Văn Mỹ (*)
(*) Bài viết thể hiện văn phong và góc nhìn của tác giả, một doanh nhân tại TP.HCM
>> Khóc, cười cùng World Cup
>> Cuồng nhiệt cùng World Cup
Bình luận (0)