Những bài học vỡ lòng ngày xưa còn nhớ, kể lại nhiều trẻ con bây giờ thấy xa lạ

09/02/2020 19:02 GMT+7

Những bài học rất bình thường được dạy thời xưa, giờ đôi khi kể lại nhiều trẻ con bây giờ thấy xa lạ.

Giở nón tiễn đưa

Sáng chủ nhật đầu năm, tôi dẫn thằng cháu đang học lớp ba ra tiệm phở để “bổ sung dưỡng chất”. Trên đường đi đến quán phở quen bất chợt gặp một đám tang đi ngang qua. Tôi bảo thằng bé ngừng lại, đợi đám tang đi ngang rồi tôi giở cái nón trên đầu xuống. Tôi bảo với thằng cháu: “Con giở nón xuống”. Thằng bé không hiểu tại sao, nhưng tự động giở cái nón ra khỏi đầu.
Khi đám tang đã đi qua, tôi đội nón lên đầu, thằng cháu hỏi: “Tại sao mình phải giở nón ra khỏi đầu vậy ông?”. Một câu hỏi hay mà tôi rất đang muốn nó hỏi. “Ậy, là để tỏ lòng kính trọng người đã chết cũng như chia buồn với tang gia”. “Ba ông nội dạy ông nội hả?”.
“Cô giáo ông nội dạy hồi ông nội nhỏ bằng con”. “Ủa, sao cô giáo con không dạy cho tụi con giống như cô giáo ông nội vậy?”.
Đến đây thì tôi giả vờ không nghe do đến tiệm phở rồi.
Không chỉ riêng thằng bé lớp ba, rất nhiều người trong thời buổi hiện đại này đã rất ngạc nhiên về điều đó. Khi tôi viết quyển Chú chiếu bóng, Nhà ảo thuật, Tay đánh bài và tụi con nít xóm nghèo năm ấy có đoạn:“Chú Hai Ngon chở thằng Minh đến tiệm nước chú Quẩy bằng cách để nó ngồi lên bình xăng phía trước. Chạy một đoạn trên đường Phạm Văn Chí, ngay gần nhà bảo sanh cô Mụ Mười, chú Hai Ngon phải ngừng xe cho một đám tang đi qua. Thằng Minh bớp chớp:
- Gặp đám ma chắc ngày nay hên rồi chú hả?
Chú Hai Ngon không trả lời nó vì đang bận giở nón chờ cho đám ma đi qua chú mới đội nón lên. Chú hỏi hết sức cắc cớ:
- Bộ cô giáo mày không dạy là gặp đám ma thì phải giở nón để tỏ lòng tôn trọng người chết sao mậy?
- Có chứ. Học hồi lớp ba lận. Môn công dân giáo dục. Nhưng con đâu có đội nón mà giở. Tại chú đội nón thì chú phải giở nón chứ...”.
Sau khi đọc sách, nhiều độc giả gửi thư hoặc điện hỏi tôi chi tiết giở nón chào đám tang này có thật không. Tôi xác quyết, cũng như tôi vừa trả lời thằng cháu “đó là những điều tôi được cô giáo dạy hồi học những lớp tiểu học, đâu vào khoảng đầu những năm 1960”.

Những bài học cuộc sống

Có những lúc, những thằng bạn già, ngồi khề khà bên chai bia nhắc lại thời đi học ngày xưa. Tha hồ mà nhớ lại, mà tranh nhau kể nào là: “Cô dạy ra công viên, không được đi trên cỏ, không được khạc nhổ trên đường phố, chốn đông người. Không được hái hoa trong công viên, khi đến sau là phải sắp hàng, không được nói chuyện to tiếng chốn công cộng như rạp hát, quán ăn...”
Một thằng bạn già chép miệng: “Rất là nhiều cái không mình phải nhớ và ứng dụng khi đi du ngoạn chung với lớp... Sau khi đi du ngoạn về, thi nhau kể tội thằng này, thằng kia không làm đúng theo lời cô giáo ỏm tỏi như kiểm điểm, phê bình cuối năm trong cơ quan vậy. Nhờ vậy mà nhớ đời. He...he...”.
Trong sách giáo khoa, mỗi bài học được minh họa bằng một tranh vẽ sinh động. Đến lớp nhứt (lớp năm bây giờ), chúng tôi được dạy một số đức tính khá trừu tượng cho tuổi nhỏ. Nhưng bài giảng trong sách đã trở nên rõ ràng và dễ hiểu hơn nhờ những câu hỏi gợi ý như bài học về “Tính liêm khiết”. Xin được trích đoạn dưới đây:
“Em hãy nhận xét và suy nghĩ. Em học sinh lượm được cây viết của bạn, đem giao cho liên toán trưởng để trả lại cho chủ cây viết là em học sinh ngay thẳng, liêm khiết. Người thợ không ăn cắp vật liệu, không làm phí thời giờ của chủ là người thợ liêm khiết.
Người buôn bán liêm khiết không tráo cân, đong thiếu, không giấu hàng để bán mắc. Trái lại gian thương tráo hàng, cân thiếu đầu cơ tích trữ, lũng đoạn thị trường, gián tiếp ăn cắp mồ hôi nước mắt của người khác, gây xáo trộn cho nền kinh tế quốc gia. Người công chức liêm khiết không lợi dụng quyền thế, lúc nào cũng chăm lo những việc ích nước, lợi dân, dân chúng được nhờ, quốc gia thịnh vượng...”.
Ngoài sách giáo khoa, học sinh chúng tôi còn được cô, thầy khuyến khích đọc quyển Dưới mái học đường của Cao Văn Thái - phỏng theo quyển sách của tác giả A.d.Amicis. Trong quyển sách này lắm chuyện hay, được tác giả viết lại rất phù hợp với trình độ học sinh.
Tôi nhớ có đoạn như: “Mỗi lần gặp người già cả, kẻ nghèo khó, người mẹ bồng con, người què chống nạng, người khuân vác nặng nề, gia đình đám tang, các con phải nhường bước... Gặp đám tang chớ nên cười đùa, trước những điệu kèn não nuột, tiếng khóc bi ai, ta phải nghiêm chỉnh ngả mũ chào, để chia buồn với tang gia, để vĩnh biệt một linh hồn đã rời xa cõi thế mà còn để lại đau thương cho bao người còn sống...”.
Hồi đó, thi thoảng trường có tổ chức cuộc thi đọc và kể chuyện theo quyển sách này. Vẫn nhớ mãi trang đầu sách có câu ngắn ngủn của V.Hugo mà nói được bao điều: “Mỗi trẻ nhỏ được dạy dỗ là một con người được thành thân”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.