'Những bằng đại học vô dụng nhất': Đâu mới là những ngành học đang 'chết dần'?

16/03/2023 15:04 GMT+7

Tiến sĩ Hà Thanh Vân, Viện Khoa học Văn hóa và giáo dục - Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam đã có những chia sẻ với Thanh Niên về câu chuyện "những bằng đại học vô dụng nhất". Bà là giảng viên thỉnh giảng tại nhiều Trường đại học ở TP.HCM như: Hùng Vương, Khoa học xã hội và nhân văn, Văn hóa, Kiến trúc, Hồng Bàng...

"Chương trình học chưa đáp ứng nhu cầu của xã hội, nhiều ngành học đã ở mức bão hòa so với nhu cầu tuyển dụng"

Có nhiều nhận định rằng hiện nay có những ngành học là vô dụng. Cụ thể là: quản trị kinh doanh, marketing, bất động sản, ngôn ngữ Anh. Quan điểm của bà như thế nào về nhận định ấy?

Hiện nay đang có một khuynh hướng là nhiều bạn trẻ lên tiếng nhận xét ngành học này, ngành học kia vô dụng trên các mạng xã hội. Nhưng tôi cho rằng nói như vậy là không chính xác. Có lẽ phải nói chính xác rằng không có ngành học nào là vô dụng cả, chỉ là có chương trình học chưa đáp ứng nhu cầu của xã hội và nhiều ngành học đã ở mức bão hòa so với nhu cầu tuyển dụng.

Đồng thời, người trẻ cũng cần phải tự vấn lại bản thân rằng ngành học vô dụng hay là mình áp dụng những kiến thức của ngành đó một cách vô dụng. Đó là nhiều vấn đề của việc đào tạo đại học, cao đẳng cũng như trung cấp hiện nay, chứ không đơn thuần chỉ là những nhận xét mang tính chất cảm tính.

Muốn đưa ra một kết luận về ngành học nào đó, phải có điều tra, khảo sát xã hội học đối với người lao động, với nơi tuyển dụng, nhà tuyển dụng, nơi đào tạo… chứ không đơn thuần chỉ là những ý kiến kiểu "hot trend" trên mạng xã hội như thế này.

Cũng có nhận định cho rằng nguyên nhân chính dẫn đến việc các ngành học bị cho là "vô dụng cũng như dễ thất nghiệp nhất Việt Nam" là vì chất lượng đào tạo ở một số trường giậm chân tại chỗ, giáo trình cũ kỹ... nên chỉ dạy được những thứ không mới mẻ, không theo kịp hơi thở cuộc sống. Với tư cách là giảng viên ở nhiều trường ĐH, bà có thấy vậy không?

Tôi cũng đồng ý với ý kiến này. Thường người ta chỉ nhìn vào thực trạng của vấn đề để lên tiếng. Mà thực tế từ nhiều năm nay, giáo trình nhiều môn học cũ kỹ đến kinh hoàng. Các môn học thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn thì có thể kiến thức mang tính cơ bản, hàn lâm, ít thay đổi và cũng dễ cập nhật, bổ sung. Nhưng trong lĩnh vực khoa học và công nghệ hay kinh tế, tài chính thì rất nhiều sinh viên các ngành phải học những kiến thức cũ.

Vấn nạn này đã kéo dài qua nhiều năm và thật ra trách nhiệm đầu tiên là thuộc về nơi đào tạo, các giảng viên. Bản thân người dạy không chịu cập nhật, làm mới kiến thức của bản thân mình, viết những giáo trình hiện đại hơn, thực tế hơn với cuộc sống, thì chắc đã bớt đi nhiều những lời đánh giá theo kiểu "ngành học đó vô dụng".

Tuy vậy, tôi bổ sung thêm là ở cấp độ từ đại học, cao đẳng trở lên, việc tự học, tự đào tạo cũng rất quan trọng. Do vậy chính người học cũng phải tự bổ sung, cập nhật kiến thức để ngành học của mình không còn là vô dụng, đáp ứng với nhu cầu tuyển dụng, thay vì ngồi đó kêu ca hay trông chờ.

'Những bằng đại học vô dụng nhất': Đây mới là những ngành học đang 'chết dần'... - Ảnh 1.

Tiến sĩ Hà Thanh Vân

PHONG LINH

Những ngành học có hiện tượng đang trở thành... chết dần

Theo bà, có hay không việc hiện nay, một số ngành học đang "chết dần"? Nếu có, thì cụ thể đó là những ngành nghề nào?

Trái với những gì mà các bạn trẻ đang nói về những ngành học vô dụng, tôi lại nghĩ rằng những ngành đang "chết dần" hay bị coi là "vô dụng" trong con mắt của nhiều người thì không phải là các ngành như quản trị kinh doanh, ngôn ngữ Anh, marketing và quản lý nhân sự như nhiều bạn trẻ nhận định trong nhiều clip trên mạng xã hội, mà lại chính là nhiều ngành thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn. Ngoài việc số lượng thí sinh đăng ký ngành học thấp, còn có một thực tế đáng báo động nữa là ra trường khó xin việc làm, chẳng hạn như các ngành: Lịch sử, Triết học, Thông tin – Thư viện, Tôn giáo học… do nhu cầu của xã hội không cao. Ngoài ra một số ngành thuộc khoa học tự nhiên như Toán học, Vật lý… đều có hiện tượng đang trở thành "chết dần".

Bà có thể dự đoán, đâu là những ngành có thể "mất dạng" trong tương lai?

Tôi cho rằng trong tương lai không có ngành nào "mất dạng" cả, ít nhất là trong tương lai gần. Chỉ có thể là một số ngành sẽ thu hẹp lại, không còn tiếng vang như trước nữa, do nhu cầu tuyển dụng của xã hội cũng thu hẹp và do đào tao quá nhiều nhân lực.

Chúng ta cũng phải nhìn thẳng vào thực tế là rất nhiều lời kêu về những ngành học đang "mất dạng", "khó tuyển sinh" vang lên hàng năm nhưng thực tế chưa có ngành nào bị biến mất cả. Ngược lại, chỉ càng có thêm nhiều ngành nghề mới được đưa vào giảng dạy. Hơn nữa, xã hội ngày càng phát triển, thì các ngành nghề cũng sẽ có nhiều cơ hội phát triển và nếu nói là "mất dạng" thì cũng khó mà mất dạng thật sự. Những ngành mất đi đáng nói lại không nằm trong hệ thống đào tạo, mà có thể đó là những ngành nghề thủ công truyền thống, mang tính dân gian.

'Những bằng đại học vô dụng nhất': Đây mới là những ngành học đang 'chết dần'... - Ảnh 2.

Các TikToker chia sẻ về 4 bằng đại học vô dụng tại Việt Nam

CHỤP MÀN HÌNH

Cần thay đổi!

Trở lại với chuyện "những bằng đại học vô dụng nhất". Theo bà, để những bằng đại học không còn "vô dụng" nữa, các trường ĐH cần có giải pháp gì?

Giải pháp cụ thể từ các trường sẽ tùy thuộc vào tính chất các ngành học của trường đấy. Ở đây tôi chỉ nêu ra những giải pháp chung.

Nhà trường dù đào tạo ngành nào cũng vậy, cũng rất cần những liên hệ, trao đổi, lắng nghe những nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp, cơ quan để điều chỉnh nội dung đào tạo cho phù hợp với thực tiễn xã hội hiện nay. Có thể tổ chức một hình thức thiết thực là những hội chợ giới thiệu việc làm cho sinh viên, cũng là một giải pháp có tính khả thi.

Các trường đại học cũng cần cấu trúc lại tổ chức nhân sự từ người lãnh đạo đến các giảng viên, cơ sở vật chất, nội dung, chương trình học… nhằm đạt hiệu quả tốt nhất, thiết thực nhất cho chất lượng đào tạo, giảm bớt gánh nặng chi phí. Hằng năm nhà trường cần tổ chức những hội nghị lấy ý kiến rộng rãi để nâng cao chất lượng đào tạo, thực hiện việc lấy phiếu khảo sát đánh giá mức độ hài lòng của doanh nghiệp, cơ quan đối với chất lượng đào tạo sinh viên của nhà trường khi đi làm việc để điều chỉnh chương trình đào tạo cho phù hợp, đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp, cơ quan nhà nước… Việc lấy chỉ tiêu tuyển sinh phù hợp, không đào tạo ào ạt, gây bão hòa thị trường tuyển dụng cũng là một giải pháp cần thiết.

Với những sinh viên đã và đang học những ngành học bị đánh giá là sở hữu những tấm bằng đại học "vô dụng", bà muốn nhắn nhủ gì với họ? Họ nên làm gì và liệu họ có cần thay đổi ngành học hay không?

Câu nhắn nhủ của tôi là "cần thay đổi". Thay đổi theo nhiều nghĩa. Thay đổi chính cách học của bản thân để ngành học không còn vô dụng, cập nhật thêm những gì mà kiến thức nhà trường chưa dạy đủ, để sau này còn vận dụng khi làm việc. Thay đổi quan niệm về chính ngành học của mình như tôi nói ở trên: Không có ngành học vô dụng, chỉ có người học vô dụng.

Và nếu đã đi làm thì cũng phải thay đổi cách làm việc để đạt kết quả tốt nhất trong khả năng của mình, để mọi người không nói rằng những gì bản thân mình học đều là vô dụng.

Bà có thể dự đoán, đâu là những ngành học có thể "hot" trong thời gian tới?

Tôi nghĩ rằng xã hội Việt Nam đang là một xã hội trên đà phát triển. Chính vì đang phát triển nên rất nhiều ngành nghề được coi trọng nếu mang ích lợi trước mắt đến cho đất nước cũng như cá nhân. Do vậy những ngành học về lĩnh vực khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin hay kinh tế, tài chính vẫn sẽ được chú trọng đặc biệt.

Ngoài ra một số ngành khoa học xã hội và nhân văn cũng có ưu thế như các ngành xã hội học, tâm lý học. Bởi lẽ khi xã hội ngày càng phát triển, con người lại ngày càng phải đối mặt với những vấn đề cá nhân càng nhiều trên bình diện xã hội hay tâm lý. Và con người cần quan tâm không chỉ đến đời sống vật chất mà còn cần quan tâm đến đời sống tinh thần.

'Những bằng đại học vô dụng nhất': Đây mới là những ngành học đang 'chết dần'... - Ảnh 3.

Theo bà Vân, cả trường ĐH lẫn người trẻ cần thay đổi để được trụ lại trong cuộc sống đầy những biến thiên về ngành nghề như hiện nay

PHONG LINH

7 điều cần thiết

Để có chỗ đứng vững chắc, được trụ lại trong cuộc sống đầy những biến thiên về ngành nghề như hiện nay, theo bà, người trẻ cần có cho mình những kỹ năng nào?

Trong nhiều cuộc khảo sát về chất lượng lao động, nhiều doanh nghiệp, cơ quan cũng hay "than rằng" người trẻ đi làm hiện nay không chỉ thiếu kiến thức chuyên môn mà còn thiếu kỹ năng làm việc nữa.

Nhiều nhà tuyển dụng có chung nhận định rằng: nhiều người trẻ quan niệm chỉ cần giỏi ngoại ngữ, tin học làm kiến thức bổ trợ, mà không chú trọng những kỹ năng theo yêu cầu của nhiều doanh nghiệp, cơ quan như kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng xử lý những vấn đề phát sinh bất ngờ, kỹ năng lập dự án, phân bổ thời gian làm việc hợp lý, thích ứng với văn hóa công ty… Cho nên tôi nghĩ rằng người trẻ cần có những kỹ năng sau:

Thứ nhất là cần phải có định hướng nghề nghiệp trước khi học, cụ thể là định hướng ngành nghề để không có tấm bằng "vô dụng". Sự định hướng nghề nghiệp này dựa trên các yếu tố: khả năng (năng lực, điểm số khi ứng tuyển vào đại học) và sở thích của bản thân để quyết định xem chọn nghề gì là phù hợp với mình. Học một nghề mà bản thân mình có sự say mê, có khả năng học tốt thì sẽ là ưu thế cho mình khi ra trường, đặc biệt là với tấm bằng đại học loại khá, giỏi. Ngoài ra còn phải xem thử trường đại học và ngành mình học nữa. Trường dạy như thế nào, có uy tín, có chất lượng không, ngành học của mình có phải là ngành mà xã hội đang có nhu cầu cao không thì sẽ dễ xin việc hơn.

Thứ hai là không chỉ trông chờ vào kiến thức của giảng viên dạy mà người trẻ phải chủ động tự tìm hiểu, học hỏi thêm kiến thức của bản thân, nhất là đối với những ngành học cần cập nhật, đổi mới liên tục.

Thứ ba, trong quá trình học, người trẻ không chỉ là học tốt kiến thức trong nhà trường mà phải học thêm nhiều kỹ bổ trợ cho công việc như ngoại ngữ, tin học, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng lập dự án, phân bổ thời gian làm việc, tham gia các sinh hoạt mang tính xã hội, tập thể để tăng cường năng lực giao tiếp với cộng đồng… để sau này ra trường khỏi bỡ ngỡ.

Thứ tư, nên tận dụng tối đa quãng thời gian đi thực tập, thực tế ở các công ty, doanh nghiệp, cơ quan… trước khi ra trường để thu thập kinh nghiệm làm việc, tạo dựng các mối quan hệ nhằm thuận lợi cho công việc sau này.

Thứ năm, trong quá trình đi học, nên cố gắng đi tìm việc làm thêm, có thể là những việc thời vụ hay việc bán thời gian để học hỏi thêm kiến thức, làm quen với môi trường làm việc thực tế và thậm chí sau này khi ra trường có thể trở thành nhân viên chính thức ở nơi đấy. Đồng thời đi làm thêm ngay từ thời sinh viên cũng là để có thêm thu nhập trang trải cho học phí và làm cho lý lịch xin việc sau này thêm dày dặn, chất lượng, thì có thể có mức lương cao ngay từ khi mới ra trường.

Thứ sáu, khi đã đi làm thì cần sự chăm chỉ, chuyên cần, hòa nhập được với môi trường làm việc, khẳng định được năng lực bản thân và đáp ứng được nhu cầu công việc, đồng thời không ngừng cập nhật, bổ sung kiến thức chuyên môn cho công việc.

Thứ bảy, trong quá trình làm việc người trẻ cũng cần có thái độ chuyên nghiệp, khi cảm thấy công việc không thích hợp với mình, không thể cố gắng thêm thì nên nhanh chóng từ bỏ để còn kịp chuyển sang một công việc mới, hay một lĩnh vực chuyên môn mới.

Cảm ơn tiến sĩ Hà Thanh Vân về những chia sẻ xoay quanh nhận định những bằng đại học "vô dụng" nhất!

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.