Trường nghề không tuyển được học sinh
Hằng năm, cứ đến mùa tuyển sinh, các trường nghề, trường trung cấp chuyên nghiệp và trường cao đẳng có tổ chức đào tạo nghề đều "chạy đôn chạy đáo" để tìm kiếm thí sinh. Rất nhiều chính sách ưu đãi về chế độ học tập, học phí cùng những thông điệp rất thân thiện như: ra trường có việc làm ngay, đào tạo tay nghề cao theo yêu cầu của thị trường... nhưng học viên vào đăng ký nhập học vẫn rất ít. Chính vì vậy mà rất nhiều ngành nghề mở ra, đào tạo theo yêu cầu, thậm chí theo đơn đặt hàng của thị trường, nhưng các trường đành phải đóng cửa nhiều ngành học vì không tuyển được học viên. Trường trung cấp Kinh tế- kỹ thuật miền Trung ngậm ngùi ngừng đào tạo nghề hai ngành cơ khí và xây dựng bởi không có thí sinh đăng ký vào học, dù trước đó, để mở 2 ngành học này, nhà trường đã tốn không ít công sức nghiên cứu để đáp ứng nhu cầu lao động khan hiếm của thị trường.
|
Trường CĐ Công nghệ Đà Nẵng từ nhiều năm về trước là một trong những trường uy tín về hệ đào tạo CĐ, TCCN, sơ cấp, trung cấp nghề với những khối ngành kỹ thuật, nhưng những năm tuyển sinh vừa qua, cũng rất khó khăn trong công tác tuyển sinh nghề và vài năm gần đây đã tạm dừng tuyển sinh sơ cấp, trung cấp nghề tại trường. Trường CĐ Giao thông vận tải 2 dù trước đó có hệ đào tạo nghề, nhưng năm nay vẫn chưa có kế hoạch mở các lớp đào tạo nghề bởi quá khó tuyển sinh. Và rất nhiều trường lâm vào cảnh đìu hiu khi tuyển sinh học viên nghề.
Vì sao học nghề không được quan tâm?
Rất nhiều bạn trẻ khi được hỏi, vì sao không chọn học nghề để kiếm một nghề nghiệp cho tương lai, thì hầu hết đều trả lời rất chung "Học nghề thì suốt đời chỉ đi làm thuê cho người khác mà thôi!". Với lý luận tương tự như vậy, nên dù đã rớt 2 năm, nhưng Nguyễn Văn Long (trú quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng) vẫn quyết tâm thi đại học, cao đẳng để kiếm mảnh bằng. Dù gia đình và thầy cô khuyên nhủ, em nên chọn một nghề để học, bởi số điểm thi của Long chưa bao giờ vượt lên được 6-7 điểm cho 3 môn thi. "Tui thì thích con học một nghề, sau này đi làm lo cho bản thân, chứ rớt 2 năm rồi, nó suốt ngày theo bạn bè đi chơi có ôn thi gì đâu mà đòi học. Còn nói mở cái này cái kia để cho con làm thì nhà lại không có vốn, làm bữa nào hết bữa nấy lấy đâu ra?" cha của Long chia sẻ. Đó là băn khoăn của phụ huynh, nhưng với một số bạn trẻ, tư tưởng hưởng thụ đã làm các bạn quên mất trách nhiệm lao động của mình. Vì vậy, đã có tình trạng, nhiều học viên đăng ký học nghề, nhưng chỉ vài tháng thì nghỉ ngang vì thấy... cực quá.
Không chỉ quan niệm không thích lao động tay chân, thích hưởng thụ, mà một phần còn do quan niệm xã hội, và thậm chí cả việc phân luồng học sinh từ bậc học phổ thông, nên hầu hết đều không nhìn nhận việc lao động nghề như một nghề nghiệp chân chính. Trước thực tế này, Sở Lao động, thương binh và xã hội TP.Đà Nẵng đã có sự phối hợp với Sở GD&ĐT Đà Nẵng tổ chức làm công tác phân luồng học sinh, tư vấn cho các em một cách cụ thể, có chiều sâu, định hướng sớm cho các em ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
Bảo Nguyên
>> Nhập nhèm chương trình đào tạo nước ngoài - Kỳ 3: Rắc rối liên kết đào tạo ở trường nghề
>> Trường nghề “né” tuyển học sinh cấp II
>> Trường nghề “tự bơi”
>> Thiết bị thực hành trường nghề quá đát
Bình luận (0)