Những biểu hiện đáng sợ của người chăm chú... bấm điện thoại

Thảo Phương
Thảo Phương
11/03/2023 12:20 GMT+7

Điện thoại di động đã trở thành vật bất ly thân của nhiều người bởi những tiện ích mà nó mang lại. Tuy nhiên, điện thoại cũng giống như “con dao hai lưỡi”, nếu không biết cách kiểm soát, người dùng sẽ ngày càng bị phụ thuộc, đâm đầu vào nó như một… “con nghiện”.

'Nghiện' điện thoại có phải là 'căn bệnh' nhiều người mắc phải? - Ảnh 1.

"Nghiện" điện thoại có phải là "căn bệnh" mà hầu hết giới trẻ đang mắc phải?

THẢO PHƯƠNG

Bấm điện thoại mọi lúc mọi nơi

‏Trong đời sống, hình ảnh nhiều người, đặc biệt là giới trẻ chúi mũi vào điện thoại đã không còn xa lạ. Đang ăn cũng cắm cúi bấm điện thoại, dừng đèn đỏ vài giây cũng móc điện thoại ra xem, trong cuộc họp hay ở lớp học cũng lén dùng điện thoại, đang chạy xe cũng bấm điện thoại, một hai giờ sáng cũng dán mắt vào màn hình điện thoại, thậm chí lúc đi vệ sinh cũng cầm điện thoại theo… Dường như giới trẻ ngày nay không thể sống nếu thiếu điện thoại.

'Nghiện' điện thoại có phải là 'căn bệnh' nhiều người mắc phải? - Ảnh 2.

Hẹn đi cà phê nhưng ai cũng chăm chú bấm điện thoại

THẢO PHƯƠNG

‏Mỗi ngày dùng điện thoại hơn 10 tiếng đồng hồ, Nguyễn Thảo Vi (22 tuổi), ngụ tại chung cư Bcons Suối Tiên, TP.Thủ Đức (TP.HCM) cho biết việc sử dụng điện thoại đã trở thành thói quen. "Sáng dậy việc đầu tiên mình làm là mở điện thoại lên lướt Facebook. Mỗi khi điện thoại có thông báo lại cầm lên kiểm tra rồi bị cuốn vào những tin tức, "clip hot" trên Facebook nên cứ ngồi chạm điện thoại liên tục. Khi giật mình nhận ra thì đã mấy tiếng đồng hồ trôi qua. Chỉ trừ thời gian ngủ là mình toàn tâm toàn ý không động đến điện thoại", Vi nói.

Không chỉ Vi mà với nhiều bạn trẻ khác, điện thoại di động đã trở thành vật bất ly thân đối với họ. Võ Thị Diễm My, sinh viên Trường ĐH Nguyễn Tất Thành kể: "Lúc nào điện thoại cũng kè kè bên cạnh mình, kể cả lúc đi vệ sinh cũng tranh thủ bấm điện thoại, có hôm ngồi trong nhà vệ sinh cả tiếng đồng hồ".

'Nghiện' điện thoại có phải là 'căn bệnh' nhiều người mắc phải? - Ảnh 3.

Dừng đèn đỏ vài giây cũng tranh thủ dùng điện thoại

THẢO PHƯƠNG

‏Với nhiều người, thế giới ảo trong điện thoại là cuộc sống của họ nên không thể rời xa thiết bị điện tử này. Sở hữu trang Facebook cá nhân gần 5.000 lượt theo dõi và kênh TikTok 100.000 lượt thích nên P.T.H.L, sinh viên một trường ĐH tại TP.HCM dành hầu hết thời gian để "ôm" điện thoại chỉnh ảnh, quay clip và… đếm like (lượt thích). "Một ngày mình đăng 3-4 cái tin trên story, tuần nào cũng phải đăng ảnh lên Facebook, Instagram và đăng clip trên TikTok, nếu không thường xuyên đăng tải thì lượt theo dõi và tương tác sẽ tụt. Sau mỗi lần đăng cái gì đó lên mạng xã hội mình rất thích được nhiều người quan tâm nên cứ ngồi đếm like và phản hồi bình luận", H.L cho biết.‏

Những tác hại không ngờ…

‏Nhiều người tốn thời gian vô bổ vì mải mê đắm chìm vào điện thoại di động mà quên chăm sóc bản thân. Mỗi ngày sử dụng điện thoại hơn 8 tiếng đồng hồ, Võ Phan Hoài Sơn, sinh viên Trường ĐH Bách Khoa TP.HCM cho hay: "Thời gian rảnh thay vì tập thể dục để nâng cao sức khỏe hay đọc sách thì mình lại chúi mũi vào điện thoại. Việc ngồi một chỗ bấm điện thoại thường xuyên khiến mình ngày càng ù lì, lười vận động, mắt kém, cơ thể lừ đừ, mệt mỏi".‏

‏Không ít người vì "nghiện" điện thoại mà không toàn tâm toàn ý với các mối quan hệ ngoài đời thực, là nguyên do dẫn đến những buổi gặp mặt bạn bè nhàm chán vì ai cũng chăm chăm vào điện thoại, không còn sự tương tác giữa những người ngồi cùng bàn. Hay nhiều cặp đôi đang yêu, thậm chí là những cặp vợ chồng đã cưới vẫn thường xuyên cãi vã vì đối phương cứ mãi "ôm" điện thoại. ‏

‏"Lúc nào đi chơi người yêu mình cũng cầm khư khư điện thoại, hết chụp ảnh rồi chỉnh ảnh, ghép clip đăng lên mạng. Mình nhắc bỏ điện thoại xuống thì cô ấy mặt nặng mặt nhẹ, đó là lý do khiến tụi mình cãi nhau như cơm bữa", Lê Gia Bảo (23 tuổi), nhân viên tại một quán cà phê trên đường Lương Định Của, P.Đông Hòa, TX.Dĩ An (tỉnh Bình Dương) bất mãn nói.

'Nghiện' điện thoại có phải là 'căn bệnh' nhiều người mắc phải? - Ảnh 4.

Điện thoại thông minh đã trở thành vật bất ly thân của người trẻ

THẢO PHƯƠNG

‏Hay có trường hợp học sinh bị mời ra khỏi lớp vì dùng điện thoại trong giờ học, nhiều sinh viên rớt môn vì thầy giảng phần thầy, trò ngồi dưới thì chăm chú… bấm điện thoại. "Ngay kỳ học đầu tiên của năm thứ nhất mình đã học lại 2 môn đại cương vì thói quen bấm điện thoại trong giờ học. Có hôm thay vì ngủ trưa mình lại nằm bấm điện thoại dẫn đến ca học buổi chiều ngáp ngắn ngáp dài rồi ngủ gục trên bàn. Hậu quả là học lại, vừa mất tiền vừa tốn thời gian và công sức", Đ.A.N, sinh viên Trường ĐH Công nghệ TP.HCM không khỏi hối hận.‏

‏Cũng có người vì xem điện thoại là cả thế giới nên họ thờ ơ với cuộc sống đời thực, thiếu kỹ năng và ngại giao tiếp. Lưu Thanh Trúc (23 tuổi), trọ ở đường Võ Duy Ninh, P.22, Q.Bình Thạnh, TP.HCM tâm sự: "Có thời gian mình cảm thấy việc ra ngoài gặp gỡ mọi người không thích thú bằng ở nhà bấm điện thoại. Dần mình rất ngại giao tiếp, ít gọi điện về cho ba mẹ, có nhiều lúc mẹ gọi nhưng vì không muốn gián đoạn clip đang xem dở nên mình tắt máy".‏

‏Có vô số những tác hại do "nghiện" điện thoại di động gây ra, đó là chưa kể tới nhiều vụ việc thương tâm xảy ra khi vừa sạc pin vừa sử dụng điện thoại.‏

"Cai nghiện" điện thoại bằng cách nào?

‏Thực tế điện thoại di động không hề xấu, cốt lõi là chúng ta có biết cách khai thác lợi ích của nó một cách khôn ngoan hay không. Vậy làm thế nào để thoát ra khỏi những ảnh hưởng tiêu cực mà điện thoại thông minh mang lại?‏

‏Từng bị lệ thuộc vào điện thoại di động nhưng hiện tại, Phan Thị Đoan Hậu (23 tuổi), đang làm việc tại Công ty Wanee Vietnam TP.HCM chỉ dành khoảng 2,5 giờ đồng hồ cho việc sử dụng thiết bị điện tử này. Hậu kể: "Mình luôn làm cho bản thân bận rộn để không nghĩ tới việc dùng điện thoại bằng cách: chơi thể thao, các trò tương tác với nhiều người. Thay vì bấm điện thoại mình sẽ dành thời gian cho các sở thích, năng khiếu: đàn hát, vẽ vời, nấu ăn, thậm chí dọn dẹp nhà cửa, giặt giũ cũng là cách giúp mình tránh xa điện thoại".‏

‏Từ khi không còn đắm chìm vào điện thoại thông minh, cuộc sống của cô nàng gen Z đã thay đổi rất tích cực. "Bây giờ mình chỉ dùng điện thoại để nghe nhạc, nghe podcast, học tiếng Anh và thỉnh thoảng xem tin tức của bạn bè. Việc hạn chế sử dụng điện thoại giúp cơ thể mình khỏe khoắn, kết nối sâu hơn với mọi người xung quanh, các "tài lẻ" của mình cũng khá hơn. Quan trọng nhất là tập trung hoàn toàn vào những công việc mình làm nên kết quả tốt hơn nhiều", Hậu nói.‏

‏Hậu cũng chia sẻ rằng, nhiều người thường chơi game hay lướt mạng xã hội một cách vô thức để trốn tránh suy nghĩ của mình. Tuy nhiên, kết quả là không giải quyết được vấn đề và họ ngày càng lún sâu vào điện thoại. "Khi có chuyện gì đó cần suy nghĩ mình không trốn tránh mà nghĩ sâu hơn bằng cách viết lách, làm thơ, viết nhạc. Mỗi một lần viết là một lần tự đối thoại với chính mình hoặc trò chuyện với bạn bè. Điều này không chỉ giúp mình giải quyết được vấn đề mà còn tương tác được với mọi người, có thể trau dồi thêm kỹ năng", Hậu cho biết. ‏

‏Cuối cùng, cô nàng gen Z vẫn không phủ nhận những lợi ích và giá trị mà điện thoại thông minh mang lại, tuy nhiên, người dùng nên sử dụng một cách có chủ đích và biết "đủ". ‏

‏Nhiều bạn trẻ còn hạn chế việc sử dụng điện thoại bằng cách đặt ra nội quy trong các buổi đi ăn, cà phê gặp mặt bạn bè. "Tụi mình đặt ra quy định ai sử dụng điện thoại trong lúc mọi người ăn uống hay nói chuyện thì sẽ bị phạt 100.000 đồng, số tiền này sẽ bỏ vô quỹ chung sử dụng cho những lần gặp mặt tiếp theo. Nhờ vậy, mọi người đã tương tác nói chuyện với nhau nhiều hơn thay vì chăm chú bấm điện thoại", Nguyễn Tường Huy, sinh viên Trường ĐH Duy Tân (TP. Đà Nẵng) kể.‏

'Nghiện' điện thoại có phải là 'căn bệnh' nhiều người mắc phải? - Ảnh 5.

Ông Nguyễn Quang Kiên, Giám đốc Công ty cai nghiện công nghệ Free Life

NVCC

Chia sẻ về một số cách để cai nghiện điện thoại, ông Nguyễn Quang Kiên, Giám đốc Công ty cai nghiện công nghệ Free Life cho biết: "‏‏Điện thoại hiện đang là ‘ma túy’ công nghệ. Nếu không can thiệp sớm thói quen xấu này sẽ trở thành căn bệnh mãn tính suốt cuộc đời. Để cai nghiện điện thoại, cần ‏‏viết ra những tác hại của điện thoại đang ảnh hưởng đến bản thân; Dán mục tiêu và ước mơ cần hoàn thành trong nhà hoặc nơi làm việc để nhắc bản thân tập trung vào nhiệm vụ cần hoàn thành; Dùng các phần mềm trên điện thoại để đo lường và kiểm soát thời gian (Trên iOS có Screen Time còn Android là Digetox); Đặt ra mục tiêu giảm thời lượng mỗi ngày chỉ dùng bao nhiêu phút?; Dùng To Do List để có kế hoạch làm việc một ngày, không làm xong thì không chơi điện thoại; Luyện bỏ thói quen xấu dùng điện thoại khi ăn uống, trò chuyện, trong giờ làm việc, trong nhà vệ sinh, trước khi đi ngủ và sau khi thức dậy 60 phút, tham gia giao thông…; Lên kế hoạch cho thời gian rảnh như chơi thể thao, đọc sách hoặc luyện một kỹ năng mới phục vụ công việc; Cuối cùng, nếu bản thân không có khả năng làm chủ hành vi thì nên tìm đến các trung tâm chuyên môn để được hỗ trợ. Hiện nay, vẫn có những phương pháp cai nghiện điện thoại từ 1 đến 3 tháng, giúp kiểm soát thói quen này".



Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.