Vừa ăn vừa xem điện thoại coi chừng... tăng cân mất kiểm soát

11/01/2023 16:55 GMT+7

Thói quen xem điện thoại, tivi trong lúc ăn tưởng chừng như để giải trí nhưng tiềm ẩn đằng sau đó là những hậu quả khó lường đối với sức khỏe.

Nhiều người có thói quen vừa ăn vừa xem điện thoại

THẢO PHƯƠNG

Ăn cơm cùng… điện thoại, máy tính xách tay

Ngày nay, hình ảnh người trẻ vừa ăn vừa dán mắt vào màn hình điện thoại, laptop đã trở nên quá quen thuộc. Dường như việc vừa ăn vừa xem một cái gì đó đã trở thành thói quen của nhiều người.

Mỗi bữa ăn kéo dài từ 1-2 tiếng đồng hồ vì vừa ăn vừa xem phim, lướt TikTok, Huỳnh Thị Thanh Cúc, sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM chia sẻ: “Mình có thói quen vừa ăn vừa xem phim lâu rồi, lúc nhỏ thì xem tivi tới khi nào hết chương trình, hết bộ phim đó thì thôi. Còn lớn thì xem YouTube, TikTok trên điện thoại, laptop. Cả ngày chỉ mong tới giờ ăn để được vừa ăn vừa xem phim”.

Thanh Cúc có thói quen vừa ăn vừa xem phim, lướt TikTok

THẢO PHƯƠNG

Cúc kể, sở dĩ có thói quen vừa ăn vừa xem vì điều này giúp cô nàng cảm giác ăn ngon miệng hơn, đây cũng là một hình thức giải trí, giảm bớt căng thẳng. “Nếu ăn mà không có cái gì để xem thì sẽ rất chán, ăn không thấy ngon nữa. Dù bài vở có nhiều mình cũng thà chọn thức khuya thêm tí để làm chứ không muốn ăn xong nhanh để làm bài”, Cúc nói.

Vừa ăn vừa xem điện thoại cũng là thói quen của Nguyễn Thị Thùy Trang (22 tuổi), làm việc tại Công ty TNHH Nhựa Jinn Hung (tỉnh Bình Dương): “Ăn một mình mà không có cái gì để xem cứ thấy thiếu thiếu. Hơn nữa, bình thường không có thời gian, tranh thủ lúc ăn để xem các chương trình giải trí mà mình yêu thích, cảm giác thật sự rất thoải mái”.

Không chỉ tìm đến điện thoại hay máy tính xách tay trong bữa ăn để giải trí mà còn tranh thủ vừa ăn vừa làm bài tập mỗi khi tới mùa thi. Đó là chia sẻ của Võ Phan Hoài Sơn, sinh viên Trường ĐH Bách khoa TP.HCM.

Sơn cho biết: “Mấy tuần trước thi bài vở nhiều nên bữa nào cũng vừa ăn vừa làm bài. Còn những ngày bình thường thì hay xem phim hoặc lướt Facebook, TikTok vì mình đi học xa nhà, ở ký túc xá mà ngồi ăn một mình rất buồn, chiếc điện thoại như người bạn đồng hành của mình vậy”.

Những hậu quả về sức khỏe và nguy cơ tăng cân mất kiểm soát

Việc vừa ăn vừa xem điện thoại tưởng chừng như là một sở thích đơn giản, tuy nhiên, ít ai biết được đằng sau đó là những hệ lụy về sức khỏe.

Duy trì thói quen vừa ăn vừa xem từ nhỏ đến giờ Thanh Cúc chia sẻ: “Vì cảm giác ăn ngon miệng nên mình ăn được nhiều hơn dẫn đến tăng cân, nhất là mỡ bụng ngày càng nhiều”, Cúc cho biết.

Theo thạc sĩ, bác sĩ CKII Nguyễn Văn Xứng, Trưởng khoa Nội tiêu hóa và gan mật, bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng, thói quen sử dụng điện thoại trong bữa ăn có thể gây ra một số tác hại đối với sức khỏe.

Bác sĩ Xứng cho biết: “Vừa ăn vừa sử dụng điện thoại sẽ khiến một phần lớn máu được đưa về não nên không thể hỗ trợ dạ dày tiêu hóa tốt thức ăn. Lúc này, thức ăn lâu tiêu hóa và tồn đọng sẽ là môi trường cho các loại vi khuẩn sinh sôi và gây bệnh cho dạ dày và ruột như viêm dạ dày, viêm ruột”.

Cũng theo bác sĩ Xứng, việc sử dụng điện thoại trong khi ăn lâu ngày sẽ gây ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa, thậm chí có thể gây rối loạn tiêu hóa nghiêm trọng. “Việc dùng điện thoại khi ăn làm mờ nhạt các tín hiệu từ não truyền đến dạ dày, khiến cho dạ dày không tiết đủ dịch vị và men tiêu hóa, vì vậy thức ăn không được tiêu hóa kỹ càng và cơ thể cũng khó hấp thu chất dinh dưỡng hơn”, bác sĩ Xứng nói.

Không chỉ ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa, thói quen vừa ăn vừa xem điện thoại còn làm gia tăng nguy cơ béo phì. Bác sĩ Xứng cho hay: “Khi tập trung vào điện thoại, não bộ sẽ nhận được “tín hiệu báo no” chậm hơn, vì vậy sẽ có xu hướng ăn nhiều hơn so với nhu cầu, dẫn đến tăng cân mất kiểm soát. Ngoài ra, vừa ăn vừa xem điện thoại sẽ làm chúng ta có xu hướng ăn vặt ngoài những bữa ăn chính”.

Đồng thời, bác sĩ Xứng đưa ra lời khuyên: "Cần tập trung vào bữa ăn, ăn chậm, nhai kỹ giúp thức ăn được nghiền nhuyễn, các enzyme tiêu hóa được kích thích tiết ra nhiều hơn, điều này làm giảm nguy cơ đau dạ dày do ăn nhanh, nuốt vội. Ngoài ra, cần có nhiều thời gian và tâm trí thưởng thức món ăn bằng thị giác, khứu giác trước khi chạm đến vị giác. Khi ăn chậm, nhai kỹ, thức ăn được nghiền nhỏ, đến dạ dày sẽ cùng với dịch tiêu hóa, acid clohydric và sự co bóp của dạ dày sẽ giúp quá trình tiêu hóa tốt hơn, từ đó sẽ giảm nguy cơ mắc các bệnh lý như viêm loét dạ dày".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.