Tôi gặp nhạc sĩ Bảo Thu vào một sáng trung tuần tháng 10.2011 ở hành lang Bích Câu trong Cung văn hóa Lao động (TP.HCM). Lúc này, anh đang “cuốn gói” sau thời gian trưng bày gian hàng bán dụng cụ ảo thuật từ một hội chợ diễn ra ở đây.
>> Kỳ 7: Tiếng cười và nỗi đau trong Quê hương
Vậy là anh gắn bó với “nghiệp” ảo thuật đến gần 60 năm rồi. Bảo Thu kể năm 16 tuổi (1960), anh nổi tiếng trong làng ảo thuật với nghệ danh Nguyễn Khuyến (anh tên thật là Nguyễn Trung Khuyến). Chơi chung với anh là Tùng Phương - một nghệ sĩ đàn guitar, dạo mới 11 tuổi đã nổi tiếng là “thần đồng độc tấu Tây ban cầm”. Những lúc ngồi đợi đến lượt diễn, anh thường “nghịch ngợm” với đám nhạc cụ (trống, guitar…). Tiếng là nghịch nhưng thực ra anh đã chơi được mandolin và học nhạc lý căn bản từ hồi 8 tuổi, lại “học lóm” của Tùng Phương vài chiêu nên cũng không quá khó để xử lý mấy món “đồ chơi” này. Thấy Khuyến có năng khiếu, nhạc sĩ Lâm Tuyền tỏ ý muốn dạy nhạc miễn phí cho cậu. Khuyến muốn học nhưng lại không có đàn, vậy là ông thầy bao luôn cây đàn cho học trò. Chẳng mấy chốc, Khuyến trở thành một nhạc công chuyên nghiệp, có thể “trám” vào bất cứ vị trí nào trong ban nhạc (guitar, trống, bass…). Hành trình âm nhạc của chàng trai sau này trở thành nhạc sĩ Bảo Thu bắt đầu từ đó.
|
Dạo ấy (khoảng 1965), ở Sài Gòn có nhiều nhạc sĩ mở lò đào tạo ca sĩ (nếu gọi là “trung tâm” thì lớn quá, gọi là “lớp” cũng không đúng, cho nên gọi “lò” là chính xác nhất). Với ban Việt Nhi, cả khi thu âm ở đài phát thanh hay tập dượt ở nhà riêng của nhạc sĩ Nguyễn Đức, hễ thiếu nhạc công là nhạc sĩ gọi Nguyễn Khuyến đến. Ban Việt Nhi gồm toàn những cô gái tuổi dậy thì (khoảng 14, 15 tuổi), hát rất hay và mắt liếc sắc như dao.
Có một cặp mắt trong ban Việt Nhi làm Nguyễn Khuyến xuyến xao. Nàng tên T., nhỏ hơn Khuyến 5 tuổi, dáng người thanh mảnh với đôi mắt to, long lanh. Mái tóc của T. luôn uốn cong cong như một vầng trăng khuyết, che lấp một phần má (sau này Khuyến mới biết, kiểu tóc đặc biệt này là để che một vết sẹo mà tạo hóa đã chơi “khăm” để lại trên má nàng)… Khi đã thân thiết, Khuyến mới biết nhà T. ở đường Tôn Đản (Q.4), gần nhà mình. Vậy là ngoài những buổi tập hát ở nhà thầy Nguyễn Đức, đôi bạn còn có dịp cận kề ở nhà của T. để “…Mỗi lần em buông tiếng hát, thì anh tay phím nắn nót cung đàn. Từng nhịp nhặt khoan anh khẽ dìu theo tiếng em. Nhẹ dìu lời ca em thăng trầm theo từng lúc. Và rồi hờn yêu trong mỗi lần em hát sai. Em nũng nịu cười, nói: “Sai là tại anh!” (Giọng ca dĩ vãng).
|
Bảo Thu tâm sự: “Tôi trở thành nhạc sĩ chính là do T. tạo niềm cảm hứng. Tôi nhớ mãi một hôm nàng chợt bảo tôi: “Có khi nào anh hình dung rằng có một người con gái ngồi bên song cửa mơ màng và chợt nhớ đến anh”. Câu nói ấy cứ ám ảnh tôi mãi, và từ ý này tôi ôm đàn viết nhạc, đó là ca khúc đầu tay Ước vọng tương phùng ký bằng tên thật. Tưởng viết nhạc chơi cho vui, ai dè Ước vọng tương phùng được giải thưởng của đài phát thanh. Có hứng, tôi viết tiếp vài ca khúc nữa nhưng thú thực là không thành công. Lại một hôm, T. hỏi tôi: “Anh đã nghĩ đến chuyện lập gia đình chưa?”. Tôi trả lời mình còn nhỏ tuổi, lại chưa có công danh sự nghiệp gì nên cũng chưa nghĩ đến chuyện vợ con (lúc đó tôi mới 21 tuổi, còn T. 16). Chợt T. nói nhỏ cho tôi biết là gia đình em đã hứa hôn cho em với một người. Tôi biết nàng ngầm gợi một điều gì đó ở tôi nhưng tôi chẳng biết phải làm sao hơn ngoài sự hụt hẫng, buồn đến nao lòng… Thế là tôi viết: “Ngày nào mình chưa quen biết, ngỡ ngàng khi đứng bên nhau. Ngày nay đã mến nhau rồi, vẫn còn nhìn nhau không nói… Lần đầu gặp anh em hứa, chúng mình sẽ mãi bên nhau. Giờ đây đôi ngả chia lìa. Chớ hỏi vì sao tôi buồn…” (Đừng hỏi vì sao tôi buồn). Lần này tôi ký tên Bảo Thu. Nghệ danh này là do tôi “mượn” từ tên những cô bạn gái: Bích Bảo, Thanh Thu (Đà Lạt) và Xuân Thu (Sài Gòn)...”.
Rồi cũng đến lúc T. tách khỏi ban Việt Nhi để hát đơn ca. Nàng hay mặc áo dài trắng hát trên sân khấu nên được khán giả và giới báo chí thời đó mệnh danh là “Tiếng hát học trò”. Từ danh xưng này, Bảo Thu lại viết ca khúc Tôi yêu tiếng hát học trò để bày tỏ nỗi lòng. T. thừa biết tình cảm của Thu dành cho nàng. Tuy nhiên, với cốt cách gia giáo, T. vẫn giữ một khoảng cách chừng mực khi tiếp xúc với Thu.
Khoảng 3 năm sau, bạn bè trong giới văn nghệ kháo nhau “T. sắp lấy chồng”. Để tránh cho nàng khó xử, Thu không đến tập hát cho nàng nữa. Trong những cơn buồn thấm thía, ông viết Giọng ca dĩ vãng: “Nhưng em nuôi mộng ước về tương lai, hoa mai giăng ngập nẻo đường em đi. Rồi em đành chối tiếng giao hòa, từ ly là tiếng thét đau lòng, sầu đưa lối... Lời ca ngày ấy đã xa rồi, mà ai còn chuốt mãi cung đàn, vọng về tim...”. Bài hát do Bảo Thu tự xuất bản (1967), bìa do một họa sĩ vẽ với người mẫu là ca sĩ Kim Loan. Lúc này hãng đĩa Sơn Ca của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông mới thành lập và lần đầu tiên ca sĩ Giao Linh được mời thu đĩa, Giao Linh đã chọn bài Giọng ca dĩ vãng. Trước Giao Linh cũng có nhiều ca sĩ hát Giọng ca dĩ vãng, trong đó có cả T. nhưng phải nói chính Giao Linh đã đẩy Giọng ca dĩ vãng lên đỉnh. Số lượng in ra lên đến 500.000 bản, mỗi bản bán 20 đồng. Tính ra trên 1.000 lượng vàng thu được từ tiền bán ấn phẩm ca khúc này. Sau đó, Bảo Thu viết tiếp ca khúc Vọng về tim nhưng không thành công cho lắm.
Nhạc sĩ Bảo Thu nhớ lại: “Sau năm 1975, tôi chưa một lần gặp lại T., nghe nói gia đình T. đã định cư ở Mỹ. Vừa rồi tháng 7.2011, Trung tâm Thúy Nga Paris có đến phỏng vấn tôi tại nhà, hỏi về trường hợp tôi viết ca khúc Giọng ca dĩ vãng. Tôi bảo chuyện này rất tế nhị, bởi tôi nói ra biết đâu lại gây tổn thương cho T. cũng như phương hại đến hạnh phúc gia đình T. Họ cho tôi biết chồng của T. đã qua đời. Tôi lại thấy hụt hẫng… Không hiểu sao, mỗi khi hát Giọng ca dĩ vãng, đến câu cuối “Cung lỡ dây chùng, mấy ai đàn đừng sai”, tôi lại thấy có một cái gì đó xót xa cho những cặp tình nhân đã từng một thời quấn quýt nay phải rời xa”.
Hà Đình Nguyên
Bình luận (0)