Những bóng hồng trong tình khúc nhạc sĩ Y Vũ

Hà Đình Nguyên
Hà Đình Nguyên
28/09/2023 11:47 GMT+7

Sáng sớm ngày 28.9, trên mạng xã hội đã lan nhanh tin buồn: Nhạc sĩ Y Vũ từ trần. Vậy là tác giả của nhiều ca khúc được yêu thích đã ra đi, để lại nhiều thương tiếc trong lòng người yêu nhạc…

Vào cuối thập niên 1960, khi mà loại nhạc kích động (Twist, Agogo, Blue…) mới du nhập vào Việt Nam, chúng tôi rất thích những bài hát 60 năm cuộc đời (của Y Vân), Thủy thủ và biển cả, Kim… (của Y Vũ), sau này mới biết họ là anh em ruột. 

Nhạc sĩ Y Vũ đã về với 'vùng khói hương đưa' - Ảnh 1.

Nhạc sĩ Y Vũ (1940-2023)

H.Đ.N

Thời điểm đó, Y Vũ còn có ca khúc Năm 2000 năm như tiên đoán những gì sẽ xảy ra ở 30 năm sau: "Năm 2000 năm, anh còn gì, tôi còn lại gì?... Và em có lời đã ghi âm, chồng dĩa cũ mọt mối ăn sâu. Và anh có áng văn xưa đầy, cho đến giờ màu mực nhạt mờ… Năm 2000 năm, tôi trở về vùng đất thênh thang. Tôi gặp người tình cũ bên đường, bây giờ nàng bạc sương tóc mây…", một bài hát thật hay, mà bây giờ ít người còn nhớ…

Lần đầu tiên tôi gặp nhạc sĩ Y Vũ là hơn 20 năm trước, khi ông còn phụ trách phần ca nhạc hằng đêm ở nhà hàng Arnold (176 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, đối diện với hông trường Lê Quý Đôn, TP.HCM). Một khuôn mặt gầy, xương xương và một mái tóc muối tiêu…, ông dắt tôi đi một vòng quanh sân khấu và giới thiệu từng nhạc công: anh Huỳnh Hoa, anh Minh, anh Hóa (và nhiều người nữa tôi quên tên do đã quá lâu). Tôi hơi ngạc nhiên vì dàn nhạc công ở đây toàn là các vị đứng tuổi, nhạc sĩ Y Vũ nói thầm với tôi: "Đó là các nhạc sĩ, nhạc công quen biết từ trước, nay họ đã già yếu, không cạnh tranh nổi với lớp trẻ. Khi về làm ở đây, tôi đã lôi kéo họ về để cùng nhau kiếm chút thù lao, mưu sinh…". 

Tôi thật sự kính nể tấm lòng của ông đối với các đồng nghiệp. Rồi ông tự giới thiệu về mình: "Tôi tên thật là Trần Gia Hội, sinh năm 1940 tại Hàng Trống (Hà Nội). Tôi mê âm nhạc từ thời còn đi học Trường trung học Hàn Thuyên (đường Cao Thắng - Sài Gòn), và may mắn được anh ruột là nhạc sĩ Y Vân – lúc đó đã nổi tiếng – kèm cặp, hướng dẫn. Thời gian này tôi đã có sáng tác đầu tay là ca khúc Tôi đưa em sang sông. Tôi hiện giờ ở một mình trong căn phòng mướn nhỏ như lỗ mũi, may mà có anh Lê Văn Danh - chủ nhà hàng Arnold thông cảm cho hoàn cảnh và tạo cho tôi một chỗ làm hợp với khả năng của mình…".

Ngày 24.3.2003, tôi có bài viết: Nhạc sĩ Y Vũ – Từ dạo 'Tôi đưa em sang sông' đăng trên báo Thanh Niên (về sau có tranh chấp bản quyền với thông tin tác giả thật của ca khúc này là nhạc sĩ Nhật Ngân ?! - NV), trong đó ông kể: 

"Dạo đó, tôi yêu một cô bạn tên là Thanh. Tình yêu hết sức trong sáng, chưa từng một lần nắm tay. Tuy nhiên, gia đình ép gả nàng cho một ông bác sĩ. Ngày đám hỏi của nàng tôi uống thật say ở nhà một thằng bạn ở trong một xóm nghèo. Khi tỉnh cơn say thì đã 2 giờ sáng, tôi ôm cây ghi-ta và hát như là ứng tác: "... Nếu xưa trời không mưa, đường vắng đâu cần tôi đưa... Nàng đã quên một lối về, quên cả người trong gió mưa...". 

Chỉ trong vòng 3 tháng, ca khúc này đã trở nên thịnh hành trong quần chúng bởi được hát liên tục ở các đại nhạc hội và cả trên đài phát thanh với tiếng hát của nữ ca sĩ Lệ Thu... Sau đó cô Thanh có mời tôi đến dự đám cưới của nàng. Tôi ngồi trong một góc, chẳng có ai quen biết... Về nhà, với tâm trạng hết sức buồn tủi, tôi viết ca khúc Ngày cưới em có những câu: '... Hân hoan tay em mang đến tôi cây đàn, mà rằng để mừng xin hát cho một lần. Ngượng ngùng tôi mới ca rằng: Ngày xưa đưa em sang sông, ngày nay đưa em bước sang ngang...'". (Với câu hát này, ngầm chứng tỏ trước đó ông đã viết Tôi đưa em sang sông - NV).

Nhạc sĩ Y Vũ đã về với 'vùng khói hương đưa' - Ảnh 2.

Phải đến năm 66 tuổi (2006), ông mới tìm được người phụ nữ của mình: bà Hồng Loan

H.Đ.N

Năm 1964, nhạc sĩ Y Vũ làm việc ở Vũng Tàu, khi đi chơi ở vũ trường Blue Star, ông quen rồi yêu một vũ nữ tên Kim có một hoàn cảnh thật đáng thương. Để động viên nàng, ông viết: "... Cớ sao buồn này Kim ? Cớ sao sầu này Kim ?... Em như hoa nở trong mùa mưa. Sống giữa trời đất giông tố. Anh đem yêu thương xóa muôn áng mây mờ...". Bài hát Kim được nữ hoàng nhạc twist Túy Phượng trình bày rất thành công. Ông cũng đã viết ca khúc Những tâm hồn hoang lạnh để đồng cảm với thân phận người vũ nữ, vào thời điểm đó thường bị tai tiếng… 

Hỏi: "Mỗi ca khúc của ông đều thấp thoáng bóng một người con gái. Ông hẳn rất đa tình?". Ông cười buồn: "Tôi sáng tác không nhiều nhưng bản nhạc nào cũng được công chúng đón nhận, chẳng hạn: Thủy thủ và biển cả, Điên, Tiếng hát về đêm, Chuyện loài hoa dang dở, Chuyện tình đầu (nhạc kịch)... Còn chuyện đa tình thì... biết làm sao được, kiếp nghệ sĩ mà! Thăng trầm, dâu bể (sau năm 1975, ông từng là công nhân cạo mủ cao su ở Bình Phước, về lại Sài Gòn làm phụ hồ, rồi khuân vác, buôn phế liệu… - NV), trải qua bao nhiêu năm đến giờ vẫn 'nợ tang bồng trang trắng vỗ tay reo'. Chẳng có gì cả: vợ con, nhà cửa...".

Phải đến năm 66 tuổi (2006), ông mới tìm được người phụ nữ của mình: bà Hồng Loan. Vợ chồng ông có một căn nhà trên khu vườn nhỏ ở Q.12 (TP.HCM). Ở đó ông đã viết 2 ca khúc tặng vợ mình: Ngày mai không có anh, Trôi theo dòng đời… Mỗi lần nghe những bài này bà đều khóc. Và hôm nay những bài hát ông dành tặng cho người vợ thương yêu đã ứng nghiệm!

Xin vĩnh biệt ông…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.