Non một nửa trong 60 bức thư của anh lính Phạm Ngọc Hùng gửi về gia đình được anh viết trong thời gian luyện quân và hành quân trên đất Bắc. Đó là thời gian từ ngày 4.9.1969 khi từ Hà Nội hành quân về Thanh Trì (cách chỉ hơn 20 cây số) tới ngày 22.2.1969 khi đơn vị anh chuẩn bị lên Trường Sơn từ “bệ phóng” Quảng Trạch - Quảng Bình. Anh Hùng cùng đồng đội của mình đã trải qua ngót 7 tháng “luyện quân” và hành quân trên đất Bắc. Đó là thời gian đủ để một tân binh qua huấn luyện trở thành một người lính chiến thực thụ. Sau anh Hùng chừng 2 năm, tôi cũng đã hành quân vào chiến trường theo đúng con đường anh Hùng đã đi, từ Thanh Trì tới Quảng Trạch - Quảng Bình, mà điểm cuối cùng trên đất Bắc “phóng” chúng tôi lên Trường Sơn chính là làng Cự Nẫm từng nổi tiếng một thời trong bài hát “Bình Trị Thiên khói lửa” của nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương.
|
Tôi đọc những bức thư của Phạm Ngọc Hùng và nhận rõ một điều: người con trai này luôn biết cách động viên bố mẹ và gia đình mình hãy yên tâm về anh. Những gian khổ của chuỗi ngày đầu hành quân được anh mô tả cụ thể nói lên sự trưởng thành qua từng ngày của người lính, và đó là lời nhắn gửi tới gia đình là anh sẽ vượt qua mọi thử thách phía trước, mọi người đừng quá lo lắng cho anh:
“Sáng thứ hai bắt đầu cuộc hành quân gian khổ, đầu tiên đi từ Đại Từ đến Đồng Văn, đây là cuộc đi đầu tiên của chúng con, vai vác nặng vô cùng mà đường đi lại xa nên chân con rộp cả lên, mọng nước, vai đau ê ẩm. Sang đến hôm thứ hai thì tương đối dễ chịu hơn vì đã hơi quen, mặc dù chân vẫn sưng nhưng vai và lưng đã đỡ hơn. Đến ngày thứ ba thì đã thấy dễ chịu vì trời mát mà đường cũng ngắn hơn. Sang ngày thứ tư thì vất vả nhất, đường thì dốc cao,vượt qua bao nhiêu đồi, núi mà đường thì trơn và mưa lấy lội mệt vô cùng. Đến ngày thứ năm thì mưa và đường đi toàn sỏi đá đau chân lắm. Đến sáng này thì chúng con đi nốt chặng cuối cùng thì thấy nhanh hơn vì vai lúc này đã quen vác nặng, chân thì quen đi đường dài rồi bớt đau hơn”.
|
Mới tròn 18 tuổi, nhưng trong những bức thư của Hùng gửi về gia đình luôn cho thấy người con trai Hà Nội này đã trưởng thành. Đúng là những năm chiến tranh ấy, con người trở nên từng trải rất nhanh, trưởng thành rất nhanh, và những suy nghĩ cũng như già giặn trước tuổi. Nhiều người ở miền Nam sau này hay nhận xét thơ của “trẻ em” Trần Đăng Khoa và nhiều “nhà thơ nhí” ở miền Bắc thời chiến tranh có vẻ “già” quá so với tuổi của họ. Nhưng sự thực là thơ ấy phản ánh đúng suy nghĩ và cảm xúc của họ, nó trưởng thành hơn tuổi thực của họ rất nhiều. Không ai muốn “lớn trước tuổi” như thế cả, nhưng hoàn cảnh sống khắc nghiệt thời chiến bắt buộc con người phải thích nghi, phải tự nhận thức được những điều mà ở tuổi ấy nếu trong thời bình thì chưa cần phải như vậy. Trong những bức thư của Phạm Ngọc Hùng, ăm ắp những tình cảm giành cho mẹ mình với nỗi âu lo và niềm khắc khoải. Đó thực sự là tình cảm của một người con hiếu thảo, nó nhắc chúng ta một điều, rằng trước khi muốn trở thành một biểu tượng chói sáng hay một con người thành đạt như thế nào, thì hãy là đứa con hiếu thảo với cha mẹ mình. Chỉ vì một lẽ:
“Con dù lớn vẫn là con của mẹ,
Đi hết đời, lòng mẹ vẫn theo con” ( Chế Lan Viên)
Hồi ấy, Hùng mới tốt nghiệp lớp 10 (lớp 12 bây giờ) thì đi bộ đội. Đó là độ tuổi mà ông bà ta hay nói là “ăn chưa no lo chưa tới”. Nhưng qua từng bức thư, tôi cảm nhận anh lính Phạm Ngọc Hùng đã trưởng thành từng ngày. Trong những bức thư, không thấy anh linh cảm về cái chết của mình, có lẽ vì tất cả tình yêu thương của anh đã dồn về cho gia đình, bố mẹ, cho Hà Nội nơi anh sinh ra, cho đất nước mà từ khi vào bộ đội, được đi nhiều nơi, anh mới thấy những hình ảnh sông núi làng quê đẹp tới ngỡ ngàng. Tình yêu Tổ quốc trở nên sâu xa hơn từ đó. Trong rất nhiều bức thư gửi về nhà, cứ nhắc tới mẹ là những dòng chữ lại trở nên tha thiết. Tôi rất hay gặp câu này trong những bức thư của Hùng:
“Hiện nay con rất béo khỏe (có lẽ cũng gần bằng anh Vượng) công tác rất tốt. Nói chung là được anh em đồng đội trên cũng như dưới đều tình cảm cả nên mẹ cứ yên tâm đừng lo nghĩ gì về con nhiều quá mà ảnh hưởng sức khỏe mẹ ạ. Mà mẹ thì già yếu rồi, làm việc bình thường thôi đừng quá sức quá mẹ nhé và buổi tối mẹ đi ngủ sớm đừng muộn mà ảnh hưởng đến sức khỏe.”
Người mẹ nào mà không cảm thấy hạnh phúc khi có được một đứa con yêu thương mình đến như vậy. Đi bộ đội, rèn quân để đi chiến trường thì vô cùng vất vả, làm sao mà “béo khỏe” cho được. Nhưng Hùng vẫn thường viết như vậy cho mẹ mình an lòng. Đó cũng là tâm lý chung của những người lính miền Bắc ngày ấy khi vào chiến đấu ở chiến trường miền Nam: chỉ lo cho cha mẹ mình ở quê nhà. Và chỉ muốn sao cho cha mẹ mình được yên lòng, dù sự sống chết của mình là không thể biết được. Hùng đã từng viết một bức thư bỏ trong lọ penexilin rồi thả theo dòng suối khi ở chiến trường Tây Nguyên, với hy vọng mơ hồ là sẽ có người vớt được bức thư và chuyển nó về cho gia đình mình. Vậy mà bức thư ấy đã có người vớt được, và đã chuyển tới tận tay bố mẹ Hùng ở Hà Nội. Nhưng, đau xót thay, lúc bố mẹ anh nhận được bức thư trong cái lọ đựng thuốc ấy thì Hùng đã vĩnh viễn nằm lại ở mảnh đất Kon Tum trong một trận đánh.
Đã từng có bao nhiêu người lính ở Tây Nguyên, ở Quảng Trị… gửi những bức thư theo dòng nước với hy vọng sẽ tới tay cha mẹ mình ở miền Bắc? Nhiều lắm. Và không phải tất cả những bức thư ấy đều bị dòng nước cuốn đi mất hút. Có những bức thư đã được vớt lên, và đã được trao về cho gia đình trong khi những người gửi thư đã không còn trên cõi đời này. Những bức thư ấy đã trở thành biểu tượng của nỗi đau chiến tranh không bao giờ nguôi được.
Bình luận (0)