Khi chúng tôi có mặt ở hiện trường, biết được câu chuyện trong số 3 nạn nhân tử vong, có hai chị em ruột Bích Dân và Bích Trân. Người chị 21 tuổi; em gái mới 10 tuổi.
Cả hai chị em đang theo xe trung chuyển về để lên xe vào TP.HCM thăm bà nội. Nạn nhân còn lại là tài xế xe khách cũng tử vong tại chỗ. Đau thương hơn cả là cái chết oan của 2 nạn nhân trẻ trong một gia đình.
Đây không phải là tai nạn đường sắt tồi tệ nhất từ trước đến nay ở Bình Thuận. Những vụ tai nạn đường sắt khác từng xảy ra ở các huyện: Tuy Phong, Bắc Bình và Hàm Thuận Bắc đều để lại hậu quả rất xót xa. Tất cả đều do lỗi phóng nhanh, vượt ẩu, hoặc thiếu quan sát của tài xế ô tô khi băng ngang qua đường sắt giao nhau với đường dân sinh.
Tuyến đường sắt chạy ngang qua Bình Thuận dài gần 200 km. Có nhiều đoạn cong cua, băng qua các ngôi làng, các khu dân cư đông đúc, như đoạn ga Sông Lòng Sông - Phong Phú; đoạn qua làng Sông Mao, Sông Lũy; qua TT.Ma Lâm, hay đoạn qua Hàm Kiệm - Mương Mán... Tất cả những đoạn này đều đông dân cư, có nhiều điểm đường dân sinh cắt ngang đường sắt nhưng không có hàng rào chắn. Theo luật, đường sắt được “mặc định” là đường độc đạo. Tất cả các phương tiện khác phải nhường và tránh để tàu lửa lưu thông trên đường độc quyền. Tất cả tài xế lái ô tô khi học lái xe đã được học các quy định này.
Ở hiện trường vụ tai nạn nói trên, chúng tôi quan sát thấy đó là quãng đường cong, rất nguy hiểm; điểm giao cắt với đường sắt lại là điểm cong cùi chỏ. Dù không có rào chắn, nhưng ngành đường sắt đã gắn bảng “dừng lại, quan sát tàu hỏa”. Tuy nhiên, tài xế ô tô trung chuyển vẫn điều khiển xe băng qua đường sắt.
Sau vụ tai nạn này, Ban An toàn giao thông tỉnh Bình Thuận cần rà soát lại hàng chục điểm giao nhau giữa đường dân sinh với đường sắt để có giải pháp hạn chế tai nạn. Mặt khác, cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, xử phạt nghiêm các vi phạm an toàn đường sắt, để những tai nạn đau lòng thế này không còn xảy ra.
Bình luận (0)