Đến đảo Trường Sa (H.Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa) lần đầu tiên năm 1996, phóng viên Báo Thanh Niên thấy thủ phủ của quần đảo xa xôi nhất Tổ quốc khi đó trắng lóa một màu đá và cát san hô. Cả đảo chỉ có vài bóng cây xanh. Một cây bàng quả vuông trước tòa nhà ban chỉ huy đảo có lẽ vì thế trở thành nổi bật và sau này trở thành một trong những biểu tượng về Trường Sa.

Đảo Trường Sa bây giờ chỗ nào cũng là rừng cây xanh ngắt
L.Q.P
Không có cây xanh bao phủ, Trường Sa quanh năm nóng rát, giếng đào không có nước, các loại rau xanh bị gió biển làm cho cháy lá, gà vịt cũng không sống nổi. Đây cũng là hiện trạng của nhiều hòn đảo ở Trường Sa những năm ấy.
Tuy nhiên, trở lại quần đảo những lần sau đó, tôi đã chứng kiến những đổi thay diệu kỳ. Nhiều loại cây lâu năm như bàng vuông, phong ba, tra, nhàu, rồi phi lao, dừa, mù u… đã được trồng và nhân rộng ở các đảo Trường Sa, Trường Sa Đông, Sơn Ca, Sinh Tồn, An Bang. Đặc biệt, ở đảo Đá Tây A, hiện nay đã mọc lên những khu rừng xanh mát bóng phi lao, dừa, tra, bàng vuông... có thể khiến nhiều người lạc lối.
Theo ông Lê Đình Hải, Chủ tịch UBND H.Trường Sa, đây là kết quả của một nỗ lực lâu dài của huyện đảo và Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân (Quân chủng Hải quân) mà trực tiếp là Lữ đoàn 146, đơn vị trực tiếp đóng quân trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa.
Đặc biệt, Vùng 4 Hải quân đã phát động một chương trình lớn có tên là "Xanh hóa Trường Sa" và được các địa phương, doanh nghiệp trên cả nước ủng hộ. Chỉ trong năm 2023, đơn vị đã nhận được hàng trăm nghìn cây giống, hàng trăm tấn phân bón. Vùng 4 Hải quân và nhiều đảo cũng có riêng vườn ươm để phủ xanh đất trống trên các đảo Trường Sa.
"Nhờ có cây xanh, môi trường sống ở huyện đảo đã tốt hơn rất nhiều. Nhiều đảo trồng được rau xanh, nuôi được gà vịt. Tuy nhiên, do khí hậu khắc nghiệt ảnh hưởng rất nhiều đến cây xanh cũng như công trình, vật dụng, nên quân và dân huyện đảo mong sẽ tiếp tục nhận được sự ủng hộ của cả nước, để chúng ta cùng góp phần giữ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc", ông Hải nói.
Hãy cùng Thanh Niên thăm những cánh rừng ở Trường Sa, như một kỳ quan của sức người giữa Biển Đông.

Cây bàng quả vuông trước cửa Trung tâm chỉ huy đảo Trường Sa mà phóng viên Báo Thanh Niên đã thấy từ 28 năm trước. "Cổ thụ" này có thể là cội nguồn để cây bàng vuông trở thành một trong những biểu tượng về Trường Sa với những đóa hoa đẹp nở về đêm và kết thành trái có hình lập phương
L.Q.P

Màu xanh trước âu cảng Trường Sa
L.Q.P

Cây tra (Coccoloba uvifera), còn được quân và dân trên đảo gọi là cây nho biển, là loại cây mọc ở các bờ biển nhiệt đới, được trồng nhiều và phát triển tốt trên các đảo Trường Sa. Lá tra non ăn với thịt, cá rất ngon, quả tra mọc như chùm nho, khi chín có vị chua hơi ngọt, rất hấp dẫn đối với khách nữ đến thăm Trường Sa.
L.Q.P

Mù u cũng là loài cây phát triển tốt trên đảo Trường Sa
L.Q.P

Âu cảng Trường Sa thấp thoáng sau bóng cây xanh, nhìn từ tầng 2 Trung tâm Dịch vụ hậu cần nghề cá đảo Trường Sa
L.Q.P

Một hình ảnh đẹp bên sân bay Trường Sa: trạm radar nổi bật trên tán lá xanh của một cánh rừng ở cuối đường băng
L.Q.P

Tán bàng xanh phủ kín sân Trường tiểu học TT.Trường Sa
L.Q.P

Cán bộ chiến sĩ đảo Trường Sa đi tưới cây, trồng cây trong ngày đầu năm 2024
L.Q.P

Những cây phi lao mới trồng được che chắn dưới chân hải đăng đảo Trường Sa
L.Q.P

Một cây bàng lớn đứng bên Trung tâm Dịch vụ hậu cần nghề cá đảo Đá Tây A
L.Q.P

Rừng phi lao trên đảo Đát Tây A, phía trước là bãi muống biển có cò trắng kiếm ăn
L.Q.P

Một view tuyệt đẹp từ rừng phi lao đảo Đá Tây A hướng ra biển
L.Q.P

Con đường đẹp như công viên trên đảo Đá Tây A. Cảnh này ở Hà Nội sẽ lọt vào khung hình của các bạn trẻ mê check - in hoặc chụp ngoại cảnh đám cưới.
L.Q.P
Bình luận (0)