Những câu chuyện về Kỳ Ngoại hầu Cường Để và vua Duy Tân: Hội nghị hòa bình và vụ mưu sát con trai Phan Đình Phùng

03/11/2021 06:45 GMT+7

Năm 1914, một biến động lớn xảy ra có ảnh hưởng đến đời sống của hàng tỉ người trên thế giới . Đó là Thế chiến thứ nhất với sự xung đột của các đại cường, và Pháp bị lôi vào cuộc với nhiều tổn thất lớn.

Họ đã đưa hàng chục ngàn thanh niên các nước thuộc địa, trong đó có Việt Nam sang Pháp, chủ yếu làm lính thợ, để thanh niên Pháp có thể cầm súng ra chiến trường.

Sau khi Thế chiến kết thúc vào năm 1918, chính phủ Paris cho thiết lập nhiều đài tưởng niệm những người lính đã bỏ mình trong cuộc chiến, trong đó có đài tưởng niệm binh sĩ Việt Nam mà vào năm 1922, trong chuyến Pháp du vua Khải Định từng đến đó nghiêng mình.

Hình ảnh trong ngày khai mạc Hội nghị Hòa bình Paris 1919

T.L LÊ NGUYỄN

Không đầy một năm sau ngày kết thúc Thế chiến thứ nhất, tháng 1.1919, Hội nghị Hòa bình Paris (Paris Peace Conference) được tổ chức với sự tham dự của nguyên thủ các quốc gia thắng trận nhằm bàn về những vấn đề hậu chiến phải giải quyết. Nhân sự kiện quan trọng này, ngày 12.2.1919, với tư cách Hội chủ Việt Nam Quang phục hội, Kỳ Ngoại hầu Cường Để đã gửi cho Toàn quyền Đông Dương Albert Sarraut ở Hà Nội một điện tín với nội dung: “Người An Nam rất không hài lòng với hình thức chính quyền hiện hữu và mong muốn được trả lại tự do tức khắc”.

Sau đó, Kỳ Ngoại hầu gửi bức điện tín thứ hai cho Tổng thống Mỹ Wilson đang ở Paris, đề nghị nước Mỹ hỗ trợ người dân Việt Nam giải phóng xứ sở khỏi ách thực dân. Trong điện tín, vị hoàng thân cũng yêu cầu cộng đồng quốc tế chấp thuận cho Việt Nam gia nhập Hội Quốc liên (League of Nations), một tổ chức quốc tế hàng đầu, tiền thân của Liên Hiệp Quốc ngày nay.

Không chịu dừng ở đó, dựa vào tuyên bố 14 điểm của Tổng thống Mỹ công bố một năm trước đó, Kỳ Ngoại hầu Cường Để gửi đến Hội nghị Hòa bình một thư ngỏ lên án nước Pháp là người anh lớn của các chính phủ cộng hòa, và có một nền văn minh hàng đầu, song chính sách cai trị của họ tại Việt Nam là thô bạo và trái nguyên tắc (Andrew Dalby - Makers of the Modern World - London 2010). Thực dân Pháp ở chính quốc đã phản ứng lại những động thái của Kỳ Ngoại hầu Cường Để bằng cách dùng sức ép ngoại giao với chính phủ Nhật hòng trục xuất vị hoàng thân ra khỏi nước Nhật, song lúc đó ông đã rời Nhật Bản, đi sang Trung Quốc gặp cụ Phan Bội Châu.

Không rõ Tổng thống Mỹ Wilson và khoáng đại Hội nghị đã có phúc đáp gì trước những yêu cầu của Kỳ Ngoại hầu, song hoạt động của ông vào thời điểm trên ít được nhắc tới. Ngay hồi ức tỉ mỉ của ông do ký giả Nhật là Tùng Lâm ghi lại cũng không thấy ông nhắc gì đến các hoạt động trên. Có lẽ tác giả Andrew Dalby khi nhắc đến sự kiện này đã căn cứ vào văn khố các nước từng tham dự Hội nghị Hòa bình Paris 1919. Khối tư liệu này cần được nghiên cứu sâu và kỹ để hiểu rõ hơn hoạt động cách mạng của Kỳ Ngoại hầu Cường Để.

Kỳ Ngoại hầu Cường Để ở tuổi trung niên

Con trai Phan Đình Phùng bị mưu sát

Năm 1922, Kỳ Ngoại hầu Cường Để đã thực hiện một hành vi mà ít ai ngờ tới. Hành vi này liên quan đến một trong những người con trai của vị lãnh tụ kháng chiến Phan Đình Phùng (1847 - 1895) tên Phan Đình Cừ, tự Bá Ngọc (trong hồi ký, Kỳ Ngoại hầu chỉ sử dụng tên Phan Bá Ngọc). Ngọc là một trong những thanh niên xuất dương theo phong trào Đông Du sớm nhất (vào nửa sau năm 1906), đến năm 1909 thì hoạt động ở nhiều nơi thuộc Hồng Kông và Trung Quốc.

Trong thời gian hoạt động, có lần Phan Bá Ngọc bị Pháp bắt rồi tình nguyện làm người chỉ điểm và thi hành các mật lệnh của Pháp. Khi anh ta có mưu định tiếp cận với cụ Phan Bội Châu và gài cho mật thám bắt cụ thì việc này đến tai Kỳ Ngoại hầu Cường Để. Và sau khi suy tính kỹ, để cứu lấy cụ Phan, vị Hội chủ Việt Nam Quang phục hội quyết định trừ khử Phan Bá Ngọc.

Công việc trên được Kỳ Ngoại hầu giao cho một thanh niên có bí danh Tản Anh (theo Cường Để, người này tên thật Võ Nguyên Trinh, còn có tên Hồng Sơn). Phương tiện hành sự là một khẩu súng Kỳ Ngoại hầu thường mang theo người. Lãnh nhiệm vụ, Tản Anh tìm cách tiếp cận và bám sát Phan Bá Ngọc.

Ngày rằm tháng giêng năm 1922 là dịp đăng tiết, người dân thành phố Hàng Châu treo đèn kết hoa và tham dự nhiều trò vui chơi. Khi Phan Bá Ngọc từ Thượng Hải sang Hàng Châu dự lễ đăng tiết vào đúng đêm nguyên tiêu, Tản Anh cũng có mặt trong đêm đó. Và khi Ngọc chăm chú đốt những quả pháo trong cuộc vui náo nhiệt đó thì hai phát súng của Tản Anh đã khiến anh ta gục xuống. Hạ thủ xong, Tản Anh gặp lại Kỳ Ngoại hầu Cường Để tại Nhật, báo cáo sự việc và trả lại khẩu súng. Cuộc đời người con trai của cụ Phan Đình Phùng đã có một kết cuộc đáng buồn như thế.

Hồi ức của Kỳ Ngoại hầu Cường Để về hai con người khác biệt Phan Bá Ngọc và Tản Anh dừng hẳn lại ở đó. Có lẽ ông đã không biết rằng hàng chục năm sau, Tản Anh phải trả giá đắt cho hành động hạ sát Ngọc. Do một sự tình cờ, người viết bài này tìm thấy một tài liệu chính thức của thực dân Pháp về việc trên...

(còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.