Những cây đã chết

20/03/2015 15:17 GMT+7

Khi nhìn thấy một trận bão cuốn vùi một thành phố, điều tôi ám ảnh không chỉ những gương mặt người hoang mang và đau khổ tìm người thân, những mái nhà lăn lốc dựng ngược, những chiếc xe va đụng vào nhau nát nhừ mà còn là những cái cây ngã đổ, nằm phơi mình trên những con đường.

Khi nhìn thấy một trận bão cuốn vùi một thành phố, điều tôi ám ảnh không chỉ những gương mặt người hoang mang và đau khổ tìm người thân, những mái nhà lăn lốc dựng ngược, những chiếc xe va đụng vào nhau nát nhừ mà còn là những cái cây ngã đổ, nằm phơi mình trên những con đường.

Những cái cây đã chết 1Giới trẻ đặt chiếc nơ vàng lên cây đường Tôn Đức Thắng - Ảnh: Giang Phạm
Những cây cổ thụ già là hiện thân của sự dữ dội trong một trận bão, chúng đổ xuống chắn ngang khắp con đường, cành lá quật tứ tung theo gió. Và sau trận bão, chúng cũng như con người, đứt lìa và nằm tan hoang giữa lòng thành phố.
Những ngày qua, khi Hà Nội tiến hành chặt 6.700 cây xanh trên con đường Nguyễn Chí Thanh, không ít người đã phản đối và đau xót. Chẳng cần một cơn bão nào đổ vào Thủ đô mà 6.700 cây xanh sắp ngã xuống.
Khi những người trẻ như chúng tôi phấn đấu tổ chức những chương trình vì môi trường, họ đua nhau trồng thảm cây xanh trên những mái nhà, họ lao mình vào thực hiện “tuyến đường xanh” và kể cả khi họ bất lực chẳng làm được gì với những cây bị đốn ngã trên đường Tôn Đức Thắng, họ đã đến “vĩnh biệt” chúng và đặt lên thân cây những chiếc nơ vàng rực như cách người ta đặt vòng hoa lên mộ người mình thương yêu.
Tôi đã nghe lòng mình rung động khi biết ở Matxcova, trên khắp những đường phố có cây xanh, người ta gắn những tấm biển nhỏ: "Осторожно, листопад!" (“Đừng đụng vào cây, mùa lá rụng”). Người trong thành phố này cần và xem những cái cây như cần con người có tâm hồn đẹp và nhạy cảm, có những xúc cảm và nỗi lòng riêng. Và trong kí ức về làng quê của tôi cũng là những cái cây nối đuôi nhau rợp cả vùng trời để rồi ngước mắt lên nhìn trời xanh qua từng kẽ lá.
Khi bà tôi mất, những cái cây trong vườn và cả cây đa đầu ngõ nơi bà hay kể chuyện cổ tích cho lũ nhóc chúng tôi cũng được mọi người thắt lên dải băng trắng. Chúng cũng như tôi, chúng cũng là cháu bà vì một tay bà trồng và chăm bón. Người ta bảo, nếu không cho chúng “để tang” bà thì chúng cũng sẽ héo úa và “chết” theo. Chắc cũng vì lẽ đó mà hình ảnh những cái cây trong tôi như linh hồn thực hữu, có xúc cảm và niềm riêng.
Đôi lúc, chúng hiện về như linh hồn người bà đã khuất. Để rồi khi người ta quyết định chặt đứt, chặt hết, dọn sạch sẽ những cái cây trên con đường, tôi cảm thấy đó là điều vô cùng tàn nhẫn. Người ta vẫn để bảng ở các trường tiểu học “Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm trồng người” nhưng trước cổng trường họ cho chặt phá cây không thương tiếc trước mặt lũ trẻ.
Người ta đốn đi những cây hoa sữa thơm mùi kỉ niệm đã đọng sâu trong kí ức bao nhiêu thế hệ ở Hà Nội, đuổi đi lũ chim chóc hót vang và thay vào đó và tiếng rè rè inh ỏi, những nhát cưa liên hoàn. Lạnh lùng và vô cảm. Họ đã san bằng tất cả còn ghê gớm hơn sự nổi giận của mẹ thiên nhiên.
Những cái cây, nhất là những cây cổ thụ lâu năm là cả một di sản thiên nhiên vô giá nhưng dường như đối với nhiều người, nó chỉ là đống củi vô tri vô giác. Sự khác biệt ở việc người ta có thể đặt lên cây tấm bảng để nhắc mọi người nâng niu và chú ý những cây phong vào mùa thay lá với việc chúng ta đốn ngã hàng nghìn cây khi dự án còn lắm nghi vấn và sơ sài đó là sự khác biệt về văn hóa.
Những cái cây đã chếtNhững chiếc nơ đính trên hàng cây đường Tôn Đức Thắng - Ảnh: Giang Phạm
Suy cho cùng, sự khác biệt ấy cho thấy khả năng hưởng thụ văn hóa của mỗi người. Ai có được cảm thụ văn hóa nhiều hơn, sâu hơn và biết trân trọng những di sản ấy hơn thì đời sống tinh thần họ phong phú và giàu có hơn.
Nếu bà tôi ra đi đặt vào lòng tôi sự mất mát thì những cái cây bị đốn chặt cũng sẽ để lại một lỗ thủng trong tâm hồn những người quý trọng thiên nhiên. Mà bạn biết rồi đấy, chẳng thể nào bù đắp được sự mất mát người thân và ta cũng sẽ chẳng thể nào lấp vào tâm trí mình sự trống rỗng đến cùng cực khi ngước mắt lên trời chẳng còn nhìn thấy những tán cây rợp lá.
Một ngôi nhà đổ sập có thể xây lại trong vài tháng, vài năm nhưng một cái cây 10 năm, 20 năm, 100 năm biến mất chúng ta phải đợi bằng cả thời gian ấy hoặc có khi hơn. Và, những nhạc sĩ, thi sĩ, những người như thế hệ ba mẹ chúng ta, những người đã đặt những kỉ niệm, gửi những vần thơ, cất giấu câu hát vào những hàng cây ấy có lẽ sẽ mãi mãi chẳng còn thời gian để đợi chờ được nhìn thấy lại.
Mỗi cái cây quỵ ngã trước máy cưa rè rè rồi sẽ ra đi và đặt vào lòng ta một vết xước, khoét trong tâm trí ta một lỗ thủng. Đơn giản khi bạn đi trên đường quen thuộc và chẳng còn nổi một bóng mát che đi cái nắng, chẳng còn cảm được những lãng mạn trong thơ ca về một chiều lá rơi ào ạt rớt xuống tâm hồn và cũng chẳng còn tìm thấy đâu mùi hoa sữa nào nữa. Như trận bão đến chỉ để bứng đi hàng ngàn cây trên đường phố, chúng ta đứng im mặc cho sự mất mát phủ lên mình.
Những người trẻ chúng tôi đang trồng từng cây để dựng nên màu xanh che đi cái nắng lại có người chặt đi hàng ngàn cái cây chẳng màng ý kiến người dân.
Những người trẻ chúng tôi đặt chiếc nơ vàng lên hàng cây làm lời chào vĩnh biệt và người ta vẫn chặt đi mặc chiếc nơ vàng bay tung.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.