(TNO) Ngân hàng Phát triển hạ tầng châu Á (AIIB) đã chốt danh sách ban đầu với 57 thành viên mang tư cách đồng sáng lập. Trang The Diplomat dẫn ra những chi tiết khá thú vị về định chế tài chính này.
Chủ tịch Tập Cận Bình (trái) đã thành công bước đầu trong dự án AIIB - Ảnh: Reuters
|
Ngày 31.3 qua, Trung Quốc chốt danh sách ban đầu đăng ký tham gia AIIB. Sau thời gian sàng lọc, ngày 16.4 vừa rồi Bắc Kinh công bố danh sách phê duyệt thành viên sáng lập.
Với 57 thành viên tham gia sáng lập, AIIB đang chiếm 1/4 các nền kinh tế thế giới, The Diplomat dẫn ra những chi tiết thú vị từ trang web chính thức của AIIB.
Số lượng tham gia đông đảo của AIIB chứng kiến 16/20 nền kinh tế lớn nhất thế giới đã gật đầu với dự án do Trung Quốc khởi xướng này. Các nước còn lại là Mỹ, Nhật Bản, Canada và Mexico.
Sự đa dạng của các thành viên cũng được thể hiện qua vị trí địa lý, với 5 châu lục đều có "đại diện" trong AIIB.
Tại châu Á, Nhật Bản là quốc gia duy nhất không đăng ký tham gia AIIB. Vùng lãnh thổ Đài Loan cũng không có tên trong danh sách này. Tuy nhiên Đài Loan thực tế đã nộp đơn đăng ký song không được duyệt tư cách đồng sáng lập. The Diplomat cho biết họ vẫn đang cân nhắc việc gia nhập như một quan sát viên.
Châu Âu chứng kiến sự tham gia đông đảo của các nước Tây Âu, ngoại trừ Bỉ và Ireland. Châu Phi nổi bật có Nam Phi, còn phía châu Mỹ chỉ không có Mỹ, Canada và Mexico nộp đơn.
Nhìn từ phía những nước bị từ chối cũng có nhiều trường hợp mang hoàn cảnh khác nhau. Một số nước châu Á như Iraq, Syria và Yemen đang đối mặt nhiều cuộc xung đột lớn. Afghanistan chưa đủ điều kiện do trong quá trình tái xây dựng, còn Turmekistan lại tránh những vướng mắc đa phương.
Ở một diễn biến được chú ý đặc biệt, quốc gia vốn được xem là "cô lập nhất thế giới" Triều Tiên cũng nộp đơn vào AIIB. Phía Trung Quốc đã từ chối vì Triều Tiên chưa đáp ứng các yêu cầu về minh bạch sổ sách.
Trên khía cạnh quyền lợi, The Diplomat cho rằng sự tham gia đông đảo của các nước Tây Âu không có nghĩa họ sẽ có vai trò quan trọng ở khâu quản trị của AIIB.
Theo đó người đứng đầu AIIB Kim Lập Quần trước đây đã nói số lượng các nước ngoài châu Á sẽ giới hạn ở mức 25%. Điều này có nghĩa Trung Quốc hoàn toàn không sợ mất quyền kiểm soát vào tay những nước mạnh ở châu Âu như Đức, Pháp hay Anh, The Diplomat cho biết.
Ngoài ra, điểm đáng chú ý khác là cả 5 nước thuộc nhóm các nền kinh tế mới nổi BRICS đều tham gia AIIB. Điều này dẫn đến việc BRICS sẽ nhận một lúc hai nhiệm vụ vì chính họ cũng đang chuẩn bị ra mắt Ngân hàng Phát triển mới (NDB).
Bình luận (0)