Những chiếc máy ‘độc’ của học sinh

15/09/2015 08:36 GMT+7

Những sáng chế của học trò khiến nhiều người thán phục về tính năng lẫn hiệu quả...

Những sáng chế của học trò khiến nhiều người thán phục về tính năng lẫn hiệu quả...

Những sáng chế của học trò khiến nhiều người thán phục về tính năng lẫn hiệu quả...

Bộ ba Cảnh, Sâm và Phước đã sáng chế chiếc máy quét rác có tính ứng dụng cao
Bộ ba Cảnh, Sâm và Phước đã sáng chế chiếc máy quét rác có tính ứng dụng cao - Ảnh: H.S
Từ máy quét rác đa năng
Bộ ba Thủy Ngọc Cảnh, Nguyễn Văn Sâm và Đỗ Đại Phước (cùng 18 tuổi, học sinh lớp 12C2, Trường THPT Tiểu La, H.Thăng Bình, Quảng Nam) đã mất 3 tháng để thiết kế và lắp ráp nên mô hình chiếc máy này. “Nghe tên chắc mọi người đã đoán được đây là chiếc máy có công năng quét rác tự động. Nhưng hơn thế, chiếc máy còn có khả năng chống bụi trong quá trình vận hành để người lao công không còn đối mặt với nỗi lo mắc các bệnh về đường hô hấp”, Ngọc Cảnh giới thiệu. Cảnh kể: Cứ mỗi lần ra đường, em lại chứng kiến cảnh những cô chú lao công nặng nhọc đẩy xe rác rồi vất vả khua từng đường chổi. Cảnh thổ lộ trăn trở của mình với 2 người bạn Sâm, Phước và nhận được những lời góp ý rất thú vị. “Ý tưởng lớn” gặp nhau, cả 3 kết hợp lại quyết tâm lên bản vẽ thiết kế để cho ra đời chiếc máy quét rác đa năng hoạt động hoàn toàn tự động. Mô hình chiếc máy là một chiếc xe 4 bánh có cấu tạo gồm 6 phần. Khi cho máy khởi động các bánh xe sẽ lăn trên mặt đường, cùng lúc bộ phận chổi được thiết kế với dãy bánh răng bằng cao su sẽ quay đều để “quét” rác. Rác thu được sẽ được chuyển vào một băng chuyền rồi chuyển từ trước ra bộ phận chứa rác nằm ở phần cuối băng. “Để cỗ máy thân thiện với môi trường hơn, nhất là khi máy vận hành trên những đoạn đường đang thi công dang dở có nhiều đất cát, bọn em đã thiết kế thêm bộ phận phun nước để chống bụi”, Sâm diễn giải thêm.
Máy quét rác đa năng giảm bụi của Cảnh, Phước, Sâm đạt giải nhất cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng lần 8 của tỉnh Quảng Nam. Còn sản phẩm bẫy ruồi của Kim và Ngọc đạt giải nhì Cuộc thi sáng tạo KHKT dành cho thanh, thiếu niên và nhi đồng tỉnh Thừa Thiên-Huế và sản phẩm bẫy chuột đạt giải ba.
Bộ phận này cũng hoạt động cùng lúc với “chổi” gom rác. Trong đó, bộ ba học trò đã dùng một máy hút, bơm thông qua một dàn phun để chuyển nước từ bình chứa ra ngoài. Khi chiếc máy quét rác đi qua, bụi mù tung lên liền bị nước phun ra “dập” ngay lập tức. Do vậy, việc quét rác không những nhanh hơn mà còn không gây ô nhiễm không khí do bụi phát sinh. Phước cho biết thêm, vì chiếc máy được gắn nguồn là bình ắc quy nên không hề có khí thải. Từ mô hình có thể phát triển chiếc máy này thành xe chuyên dụng cỡ lớn và có thể làm việc thay thế cho khoảng 5 nhân công. “Khi đó, máy sẽ không làm việc theo điều khiển từ xa mà cần có một người ngồi điều khiển như lái máy xúc. Theo tính toán của bọn em, nếu sản xuất máy quét rác đại trà thì tốn khoảng 30-40 triệu đồng/chiếc”, Ngọc Cảnh nói.
Đến bẫy chuột và bẫy ruồi
Sống ở vùng biển thuộc xã Điền Hòa (H.Phong Điền, Thừa Thiên-Huế), hằng ngày hai chị em sinh đôi Nguyễn Thị Bích Ngọc và Nguyễn Thị Bích Kim (học sinh lớp 7/2 của Trường THCS Điền Hòa; hiện hai em đang học tại Trường THCS Phạm Hồng Thái, TP.Buôn Mê Thuột, Đắk Lắk) thường xuyên chứng kiến cảnh người dân vô cùng khổ sở khi đối mặt với nạn ruồi và chuột quấy rối. Cùng với ruồi là hàng trăm chú chuột cứ quanh quẩn quanh nhà, cắn phá đồ đạt và lương thực, thực phẩm. Vào vụ mùa, người nông dân càng khốn đốn hơn với nạn chuột đồng cắn phá lúa, hoa màu. Sau nhiều ngày nghiền ngẫm, tìm hiểu đặt tính của hai loài vật này, hai chị em sinh đôi đã mày mò chế tạo hai bộ thiết bị bẫy chuột và bẫy ruồi thông minh. Thiết bị bẫy ruồi thông minh được các em thiết kế bằng hình hộp chất liệu nhựa trong, mica hoặc thủy tinh. Phía đáy của hình hộp có khoét lỗ bằng thiết diện của đĩa đựng mồi. Thiết bị được đặt trên giá đỡ với 4 chân đế, khoảng cách giữa đĩa mồi bẫy và đáy hình hộp 10cm. Khi ruồi vào dĩa thức ăn, theo tập tính tự nhiên và sinh hoạt có tình bầy đàn của loài, ruồi sẽ bay lên và lọt vào hộp thủy tinh không có lối thoát sẽ chết. Bên trong hộp nhốt ruồi còn được đổ ít nước xà phòng pha loãng để cho ruồi nhanh chết và dễ dàng vệ sinh thiết bị. “Đây là bẫy ruồi thông minh từ trước đến nay chưa từng thấy ai làm. Các em đã nghiên cứu và nắm khá rõ đặc tính bầy đàn của loài ruồi để thiết kế ra chiếc bẫy vô cùng hiệu quả mà cũng rất thẩm mỹ. Đặt chiếc bẫy ruồi trong nhà, cũng giống như một thứ trang trí”, thầy giáo Nguyễn Văn Tám nhận xét.
Hai chị em Bích Ngọc (trái) và Bích Kim
Hai chị em Bích Ngọc (trái) và Bích Kim - Ảnh: B.N.L
Trong khi đó, thiết bị bẫy chuột được thiết kế theo hình hộp, có ba khoang, khoang 1 là cửa vào có đòn bẫy để sập (đòn bẫy hoạt động theo nguyên lý không thăng bằng, nên chuột chỉ có thể vào mà không quay trở ra đường cũ được. Khoang thứ 2 chứa thức ăn và khoan thứ 3 nơi nhốt chuột sau khi mắc bẫy có cửa thu hồi để thu gom xử lý. Điểm đặc biệt của thiết bị này là các em đã áp dụng nguyên lý của cái nơm cá, một vật dụng rất gần gũi đời sống của người dân, để đưa vào bẫy chuột thành tấm chắn bảo vệ làm bằng kim loại có mấu nhọn. Sau khi vào mỗi khoan chuột không thể trở ra mà phải đi tiếp và bị nhốt lại. Làm xong chiếc bẫy chuột, hai chị em sinh đôi Kim và Ngọc đã mang ra đồng đặt xuống ruộng lúa. Sau một tiếng đồng hồ chờ đợi, chiếc bẫy chuột đã bắt được hơn chục chú chuột đồng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.