Những chiếc 'máy lạnh tự nhiên' ngày càng nóng

Chí Nhân
Chí Nhân
02/05/2024 04:21 GMT+7

Các thiên đường nghỉ dưỡng nổi tiếng với khí hậu mát mẻ như Đà Lạt, Sa Pa, Măng Đen hay Tam Đảo… được ví von là những chiếc "máy lạnh tự nhiên" đều đang ngày một ấm hơn.

Từ Đà Lạt đến Măng Đen, Sa Pa... đều ấm hơn

Nổi tiếng với khí hậu mát mẻ, Đà Lạt là lựa chọn của nhiều người cho các chuyến nghỉ dưỡng, đặc biệt là trong mùa nắng nóng. Thế nhưng năm nay, du khách thất vọng khi "thành phố ngàn hoa" đã ấm hơn. Chị Nguyễn Thị Hương mới đi Đà Lạt dịp lễ 30.4 - 1.5 về chia sẻ: "Hồi tết rồi tôi đi Đà Lạt đã thấy thay đổi, nhưng lần này trở lại còn thấy nóng hơn. Tất nhiên, so với những nơi khác thì vẫn khá ổn nhưng nếu so với bản thân Đà Lạt trước đây thì đã ấm lên rất nhiều. Theo cảm nhận thực tế và các thiết bị di động thì nhiệt độ ngoài trời lên đến 31 - 32 độ C. Với đà này, vài năm nữa thì Đà Lạt cũng nóng như các nơi khác".

Là người dân Đà Lạt, anh Nguyễn Văn Bình giải thích: Từ sau tết đến nay, thời tiết Đà Lạt đang trong giai đoạn có 4 mùa trong 1 ngày. Giai đoạn này bắt đầu từ sau tết đến đầu hè. Buổi trưa từ 10 giờ đến khoảng 14 giờ có nắng nóng, cao điểm từ 11 giờ đến 13 giờ. Sau đó, thời tiết mát mẻ trở lại và tối khuya sẽ lạnh, cần phải mặc áo ấm. Theo anh, so với các nơi khác thì Đà Lạt vẫn là điểm đến mát mẻ và lý tưởng. "Tuy nhiên, thực tế là nhiệt độ ở Đà Lạt có tăng lên thật. Trước đây, mức nhiệt độ cao nhất chỉ 25 - 26 độ C còn một vài năm gần đây đã xuất hiện mức nhiệt lịch sử đến 30 - 31 độ C, nhưng thời gian rất ngắn, chỉ 1 - 2 tiếng buổi trưa. Nguyên nhân là do biến đổi khí hậu (BĐKH) toàn cầu ấm lên chứ có riêng gì Đà Lạt", anh Bình thừa nhận.

Từ đỉnh Lang Biang nhìn xuống TP.Đà Lạt chỉ thấy nhà kính, rất ít cây xanh

Từ đỉnh Lang Biang nhìn xuống TP.Đà Lạt chỉ thấy nhà kính, rất ít cây xanh

Gia Bình

Đối chiếu lịch sử thời tiết trong 2 kỳ nghỉ lễ gần đây có thể thấy nhiệt độ ở một số địa điểm nghỉ dưỡng đã tăng đáng kể. Cụ thể, tại Đà Lạt năm 2023 nhiệt độ dao động từ 14 - 27 độ C; trong khi năm nay nhiệt độ thấp nhất là 16 độ C và cao nhất đến 29 độ C, tương ứng mức tăng trung bình là 2 độ C. Còn tại thị trấn Măng Đen (H.Kon Plông, Kon Tum) nhiệt độ năm 2023 từ 18 - 31 độ C, năm nay từ 20 - 32 độ C, tăng từ 1 - 2 độ C.

Hay tại một điểm du lịch nổi tiếng là Sa Pa, nhiệt độ kỳ nghỉ lễ năm 2023 từ 13 - 23 độ C, trong khi năm nay thấp nhất là 20 độ C và cao nhất là 24 độ C. Nhiệt độ thấp nhất tăng tới 7 độ và cao nhất tăng 1 độ C. Nhìn chung, thời tiết ngày càng nóng và nhiều người có nhu cầu tìm nơi trốn nóng. Cảm nhận chung của nhiều người là các điểm được cho là quanh năm mát mẻ cũng đang nóng dần lên.

Vườn hoa TP.Đà Lạt - điểm tham quan của nhiều du khách

Vườn hoa TP.Đà Lạt - điểm tham quan của nhiều du khách

Gia Bình

Khôi phục xu hướng thuận tự nhiên: Thành phố trong rừng?

PGS-TS Lê Anh Tuấn, nguyên Phó viện trưởng Viện nghiên cứu BĐKH (Trường ĐH Cần Thơ) nhận định: Năm nay là năm nắng nóng đặc biệt. Một trong những yếu tố trực tiếp là tác động của El Nino vẫn còn dù đã rất yếu. Nắng nóng bao trùm cả Đông Nam Á và nhiều nơi khác ở châu Á. Bên cạnh đó là sự tích lũy của yếu tố BĐKH khiến nhiệt độ trái đất mỗi năm một tăng, ấm dần lên. Khuynh hướng này thấy rõ nhất ở khu vực xích đạo và cận xích đạo. Là nước cận xích đạo, VN chịu ảnh hưởng khá rõ nét. "So với nhiều điểm du lịch có khí hậu mát mẻ khác ở VN thì Đà Lạt chịu ảnh hưởng khá nhiều và chúng ta thấy điểm đến này không còn mát như xưa", TS Tuấn nhận xét và giải thích ngoài yếu tố tự nhiên và xu hướng chung nói trên thì Đà Lạt cũng tự làm mình nóng hơn.

Chúng ta đều thấy rừng thông đã bị mất đi rất nhiều so với trước kia, thay vào đó là bê tông hóa tăng lên. Một vấn đề khác cũng dễ dàng nhận thấy là có quá nhiều nhà kính trồng rau và hoa. Những trang trại này góp phần phát triển kinh tế, nhưng đã thế chỗ cây xanh và bản thân các khối nhà kính (nhà màng) này làm tăng nhiệt độ bề mặt mặt đất. "Điều này cũng giống như việc vì sao TP.HCM nhiệt độ khí tượng không phải là cao nhất nhưng người dân thành phố này luôn thấy rất nóng và nhiệt độ cảm nhận luôn rất cao", TS Tuấn giải thích.

Nhìn trên tổng thể, TS Lê Anh Tuấn nhận định: Quy hoạch đô thị ở VN thời gian qua chú trọng quá nhiều đến các yếu tố kinh tế nhưng chưa quan tâm đúng mức đến vấn đề môi trường và khí hậu. Ví dụ, khi phải đốn hạ cây cối để mở đường thì chúng ta luôn sẵn sàng đánh đổi, ít cân nhắc giải pháp khác. Nhưng trong khoa học khí hậu có khái niệm là "vi khí hậu" có nghĩa khí hậu tại những địa điểm cụ thể. Nếu một đô thị không chú ý đến yếu tố này mà nén quá nhiều nhà cao tầng vào đó sẽ làm sản sinh lượng nhiệt lớn. Nhiệt đó bị các tòa cao ốc vây lại không thoát được, khiến những người sống ở đó luôn thấy nóng bức hơn những nơi khác. Ở VN rất khó khắc phục những vấn đề này vì quy hoạch của chúng ta lâu nay theo hình thức hướng tâm mà chưa phát triển theo kiểu vệ tinh.

Ông Tuấn khuyến nghị: Đà Lạt cần khôi phục diện tích rừng thông ở trung tâm và các hệ thống thác nước tự nhiên xung quanh. Bên cạnh đó, giảm bớt lượng nhà màng trồng rau và hoa trong thành phố. Tổ chức, kéo các điểm du lịch ra khỏi trung tâm và hình thành các điểm tham quan vệ tinh và kết nối bằng hệ thống giao thông thật tốt. Các nước hiện có xu hướng không làm công viên cây xanh trong thành phố nữa mà phát triển các "thành phố trong rừng" hay nói đúng hơn là trồng rừng trong thành phố. Họ trồng và nuôi dưỡng các loại cây có thể phát triển thành cổ thụ, hồ nước tự nhiên… để tạo thành các vùng đệm thiên nhiên cho các đô thị. Với điều kiện tự nhiên còn khá tốt như Đà Lạt cũng cần có kế hoạch tương tự theo xu hướng thuận tự nhiên "thành phố trong rừng".

Khách du lịch đến Đà Lạt cao kỷ lục

Báo cáo sơ bộ của cơ quan chức năng TP.Đà Lạt cho biết: Trong 5 ngày nghỉ lễ 30.4 - 1.5 vừa qua, Đà Lạt đón 170.000 lượt khách, tăng 41% so với cùng kỳ năm trước. Trong số này khách quốc tế là 7.200 lượt, tăng trên 60% so với cùng kỳ.

Lượng khách toàn tỉnh Lâm Đồng khoảng 200.000 lượt. Các khách sạn từ 1 - 5 sao có tỷ lệ lấp đầy 80%. Các cơ sở lưu trú còn lại có tỷ lệ lấp đầy 75%. 

Gia Bình

Rừng tự nhiên trong đô thị bị xâm phạm nặng nề

Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng đang triển khai lấy ý kiến cho đồ án điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung TP.Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2045. Theo đồ án trên, Đà Lạt nằm trên địa hình núi cao nên có nhiệt độ không khí trung bình dao động 16 - 21 độ C. Kịch bản biến đổi khí hậu RCP 4.5 (kịch bản cao), đến năm 2030 nhiệt độ Đà Lạt tăng 0,9 độ C, lượng mưa tăng 4,7 - 7,5%. Đến năm 2050, nhiệt độ trung bình năm tăng thêm khoảng 1,2 độ C, lượng mưa tăng 9 - 12%.

Chuỗi số liệu từ năm 1980 - 2018 tại trạm khí tượng Đà Lạt cho thấy Đà Lạt đang nóng dần lên, độ chênh lệch giữa nhiệt độ cao nhất và thấp nhất cao hơn, tần suất biến thiên cao hơn. Các không gian rừng tự nhiên trong đô thị bị xâm phạm nặng nề do tình trạng bê tông hóa thiếu kiểm soát và hiện tượng El Nino, điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến tài nguyên thiên nhiên đặc thù và hết sức giá trị của Đà Lạt… Tổng lượng mưa trong năm có chiều hướng gia tăng qua từng năm và có xu thế biến đổi khá phức tạp.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.