Những chiếc túi xách độc đáo

Nguyễn Điền
Nguyễn Điền
12/11/2024 08:00 GMT+7

Nhóm sinh viên ngành thiết kế thời trang Trường ĐH Tôn Đức Thắng đã nghiên cứu sử dụng màu nhuộm tự nhiên từ lá cây trong sản phẩm thời trang, mở ra hướng đi mới cho ngành. Dự án này không chỉ thúc đẩy xu hướng thời trang bền vững mà còn góp phần bảo vệ môi trường.

Phương pháp in sinh thái

Nhóm nghiên cứu gồm ba thành viên: Nguyễn Thị Thanh Mai, Huỳnh Thanh Huy và Phạm Lê Huỳnh, đều là sinh viên ngành thiết kế thời trang Trường ĐH Tôn Đức Thắng. Họ đã cùng nhau tìm hiểu và nghiên cứu cách trích xuất màu sắc từ lá cây trứng cá, giá tỵ, thầu dầu, dầu mè tía… để ứng dụng vào sản phẩm thời trang như: túi xách, nón, khăn... Nhóm này sử dụng phương pháp in sinh thái.

Chia sẻ về nguồn cảm hứng nghiên cứu, Mai cho biết: "Việc sử dụng nguyên liệu tự nhiên không chỉ an toàn mà còn thân thiện với môi trường. Thời trang bền vững hiện nay đang là xu hướng. Chúng mình muốn góp phần mang đến những sản phẩm thời trang không chỉ đẹp, mà còn có ý nghĩa bảo vệ môi trường".

Những chiếc túi xách độc đáo- Ảnh 1.

Từ trái sang: Mai, Huy và Huỳnh đã dành hơn 1 năm nghiên cứu phương pháp in sinh thái

ẢNH: NGUYỄN ĐIỀN

Theo Mai, việc trích xuất màu từ lá cây là một quy trình phức tạp, trong đó màu sắc từ lá được chuyển giao lên vải thông qua nhiệt độ và độ ẩm. Các thành viên trong nhóm đã thử nghiệm với nhiều loại lá khác nhau như: trứng cá, giá tỵ, thầu dầu và dầu mè tía. Đây là những loại có tỷ lệ nhựa cao, giúp giữ được cấu trúc lá và cho ra màu sắc đẹp khi kết hợp với nhiệt.

Huy cho biết nhóm gặp không ít khó khăn trong việc đảm bảo màu sắc chính xác và tạo ra bản in hoàn chỉnh: "Chúng mình đã áp dụng phương pháp hấp hơi trong quy trình in sinh thái. Khi các chất trong lá cây chịu tác dụng của nhiệt, chúng sẽ tiết ra màu sắc mà không làm mất đi hình dáng, hoa văn. Đây là một phương pháp phổ biến trên thế giới, nhưng nhóm đã sáng tạo khi kết hợp thêm các hợp chất vô cơ như: giấm, phèn chua… để tạo ra những sản phẩm độc đáo và mang tính nghệ thuật cao, cụ thể là túi xách, nón, khăn…".

Để nhuộm ra được một bản in hoàn chỉnh, đầu tiên, nhóm nghiên cứu xử lý vải thật sạch; sau đó cho vải tiếp xúc với hợp chất vô cơ và tiến hành trải vải, đặt lá sắp xếp bố cục. Tiếp đến là cố định cuộn vải, siết thật chặt rồi cho vào nồi hấp hơi. Giữ lửa luôn cháy không để bị tắt, khi lá tác dụng với nhiệt độ cao sẽ cho ra màu đẹp. Khi nấu xong, làm nguội và phơi bản in vừa hấp, quá trình này mất từ 13 - 15 giờ. Cuối cùng là các bước làm rập và bắt đầu may sản phẩm túi xách mất khoảng 5 - 6 giờ.

Thạc sĩ Nguyễn Hồng Khiêm, giảng viên Khoa mỹ thuật công nghiệp, Trường ĐH Tôn Đức Thắng, cho biết in sinh thái (eco printing) là một phương pháp xử lý chất liệu có giá trị lịch sử bắt nguồn từ y học cổ đại, được áp dụng khá phổ biến ở một số quốc gia như Úc, Ấn Độ, Thái Lan… Tuy nhiên, phương pháp còn tương đối mới tại VN.

Những chiếc túi xách độc đáo- Ảnh 2.

Những chiếc túi xách được nhuộm màu từ lá cây

ẢNH: KIM NGỌC NGHIÊN

Những chiếc túi xách độc đáo- Ảnh 3.

Sản phẩm nón, khăn sử dụng phương pháp in sinh thái

ẢNH: NGUYỄN ĐIỀN

Thời trang túi xách, nón, khăn... hướng tới bảo vệ môi trường

Dự án kéo dài hơn một năm, bắt đầu với việc nghiên cứu quy trình xử lý vải và nguyên liệu tự nhiên. Sau khoảng 5 - 6 tháng, nhóm đã có những kết quả bước đầu, với các bản in hình lá cây và thử nghiệm nhiều gam màu khác nhau. Quá trình thử nghiệm có vài lần thất bại khi hình ảnh bị mờ nhạt hoặc màu sắc không như mong đợi.

Huỳnh cho biết với thành công ban đầu, nhóm mong muốn phát triển thêm nhiều màu sắc mới từ các loại thực vật khác nhau và nghiên cứu hợp chất khác giúp giữ màu lâu hơn trên vải. Đề tài nghiên cứu của nhóm đã đạt giải nhì Kỳ thi nghiên cứu khoa học sinh viên cấp Trường ĐH Tôn Đức Thắng.

Thạc sĩ Khiêm nhận xét in sinh thái là phương pháp thân thiện với môi trường, sử dụng nguyên liệu tự nhiên như lá cây, hoa và các chất tạo màu từ thực vật, mang lại sản phẩm độc đáo, nghệ thuật và tôn vinh kỹ thuật thủ công truyền thống. Tuy nhiên, quy trình thực hiện tốn thời gian, màu sắc có thể không bền lâu và bảng màu hạn chế so với nhuộm hóa học.

"Phương pháp này giúp bảo vệ môi trường bằng cách giảm sử dụng hóa chất và nguyên liệu tổng hợp, góp phần vào xu hướng thời trang bền vững. Sản phẩm mang giá trị thẩm mỹ cao, gần gũi với thiên nhiên và thể hiện sự tinh tế thủ công. Phương pháp này khuyến khích tiêu dùng bền vững, nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ môi trường", thạc sĩ Khiêm nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.