Chị là Lương Ngọc Vân Anh (44 tuổi, ngụ Q.3, TP.HCM), giáo dục viên của một trung tâm chăm sóc, nuôi dưỡng người lang thang và bệnh nhân tâm thần tại tỉnh Bình Phước.
Chia sẻ về thời điểm khó khăn nhất trong đời, chị Vân Anh bộc bạch: “Lúc đầu, tôi định giấu bệnh. Nhưng khi được bác sĩ tư vấn, tôi biết rằng tôi không thể chiến đấu đơn độc. Với đồng lương viên chức ít ỏi, cuộc sống của tôi và con gái tôi không được đầy đủ. Đã vậy, tôi còn mắc căn bệnh quái ác này, nên vô cùng bế tắc!”.
Từ vực sâu tuyệt vọng...
Một ngày tháng 4.2017, chị Vân Anh (lúc đó 41 tuổi) rụng rời tay chân khi nhận chẩn đoán xét nghiệm sinh thiết của mình: ung thư vú di căn hạch nách giai đoạn 3. Chị Vân Anh nhớ lại: “Nghe đến từ ung thư, mình đã sợ. Mà thêm từ di căn nữa, cái sợ càng gấp bội, vì nghĩ tới mức di căn là đường cùng rồi. Mình giấu gia đình, giấu tất cả vì hoang mang và không biết sẽ xử lý ra sao”. Ở nhà, chị vẫn cười nói vui vẻ. Nhưng khi ra đường, giấu mặt sau cặp kính cận và chiếc khẩu trang, chị khóc tơi bời.
Theo chị Vân Anh, loại tế bào ung thư vú chị mắc phải là thể tam dương, có đặc tính dễ di căn và tái phát nhanh. Bác sĩ tư vấn phác đồ điều trị của chị vừa truyền hóa chất vừa sử dụng thuốc sinh học, ước tính tổng chi phí hơn 1 tỉ đồng. Nghĩ tới số tiền “khổng lồ” so với gia cảnh khó khăn của mình, chị hoàn toàn suy sụp. Hai ngày trời chị không ăn không ngủ, luẩn quẩn với ý nghĩ buông xuôi chờ chết.
“Nhìn bố mẹ đã ngoài 80 tuổi và con gái mới 9 tuổi, tôi thấy mình không thể hèn nhát bỏ mặc sự đời. Con gái tôi vốn đã thiệt thòi về tình cảm, nay phải chịu thêm cú sốc này thì đời con bé sẽ ra sao?”, chị Vân Anh tự vấn như vậy trước khi quyết định đối diện sự thật để tìm cách giải quyết.
Tim đau thắt, chị run rẩy gửi tin nhắn thông báo chị bị ung thư vào nhóm trò chuyện (group chat) của các thành viên trong gia đình. Con gái của chị cũng đọc được tin nhắn, hoảng hồn hét lên. Chị Vân Anh thổ lộ: “Có lẽ con tôi quen thấy trên ti vi, phim ảnh những người bị ung thư đều chết hết, nên bé rất sợ. Tôi giải thích rằng bệnh nhân mắc ung thư cũng có thể chết nhưng cũng có thể sống. Và tôi động viên con mình: Con đừng lo, mẹ sẽ đi chữa bệnh”.
Rồi chị trình bày bệnh trạng của mình với lãnh đạo và đồng nghiệp nơi chị công tác. Nhờ vậy, chị được chuyển về làm ở văn phòng đại diện của trung tâm đặt tại TP.HCM để có điều kiện chữa trị. Bên cạnh đó, chị cũng thông báo bệnh tình của mình tới những người thân quen và các nhóm bạn học cũ...
|
“Từ ung thư, tôi được nhiều hơn mất !”
Hơn 20 tháng điều trị ung thư tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, chị Vân Anh trải qua 18 toa hóa sinh và 14 tia xạ. Đầu năm 2019, chị được xuất viện với sức khỏe ổn định.
Ngẫm lại biến cố trên, chị Vân Anh đúc kết: “Từ ung thư, tôi được nhiều hơn mất!”. Chị cho hay trong lúc bệnh, đang hoang mang chới với thì có rất nhiều cánh tay chìa ra nâng đỡ. Họ động viên, giúp tiền bạc, cung cấp các bài thuốc, tài liệu về ung thư cho đến bộ tóc giả... Thậm chí, có những người ở nước ngoài xa xôi, chưa từng biết nhau nhưng tình cờ biết được câu chuyện của chị cũng nhiệt tình hỗ trợ.
Chị Vân Anh xúc động: “Mạng sống của tôi đã được mọi người cứu giúp vô điều kiện. Tôi nhận ra tốt nhất là hãy mạnh dạn phá vỡ sự im lặng. Nếu ngày trước tôi sợ, không lên tiếng về tình thế tuyệt vọng của mình, tôi càng đẩy bản thân vào chỗ chết bởi chẳng ai biết để san sẻ. Mình giấu bệnh và ủ rũ sẽ ảnh hưởng không tốt đến tinh thần và quá trình điều trị”.
|
Cảm kích trước tình thương yêu của mọi người, chị Vân Anh tâm niệm ở đời này còn nhiều thứ phải cho đi. Do vậy, chị thường xuyên giúp người cùng cảnh ngộ, nhất là những ai hoang mang khi mới bước vào “con đường ung thư”. Gặp những bệnh nhân cứ rấm rứt khóc vì sợ chết, chị Vân Anh thủ thỉ: “Chị ơi, bệnh của mình không nên để u buồn. Mình càng buồn càng bị căng thẳng, bệnh càng nặng”. Rồi chị chia sẻ kinh nghiệm, tiếp thêm động lực để họ chống chọi bệnh tật. Với những ca không có tiền chữa bệnh, chị đi quyên góp cho họ. Người mẹ đơn thân này cởi mở: “Đôi khi gặp trường hợp nào đó quá ngặt nghèo, để theo đuổi thực hiện ước mơ của họ, mình chấp nhận tốn kém và cả sự héo hắt, phờ phạc. Đem lại niềm vui cho người khác, mình cũng thấy vui”.
Hiện nay, chị vẫn tiếp tục công việc tại trung tâm bảo trợ xã hội như 19 năm qua chị bền bỉ cống hiến. Ngoài công việc, chị Tư Mắt Kính (biệt danh của chị Vân Anh do các học viên đặt) tham gia tổ chức nấu và phát cháo ấm đêm khuya cho những người lang thang cơ nhỡ. Bình quân mỗi tháng, nhóm Lửa yêu thương do chị cùng vài người bạn thành lập trao tặng gần 1.000 suất cháo.
Chị Tư Mắt Kính buồn khi thấy đại bộ phận người dân quen nghĩ bệnh nhân ung thư là sẽ chết, là không làm được việc gì. Thực ra, không ít bệnh nhân ung thư vẫn làm được các công việc trong khả năng của mình. Họ muốn được đóng góp công sức, chứ chẳng thích ngồi không để nhận sự giúp đỡ từ xã hội. (còn tiếp)
Bệnh nhân... quá lạ lùng !Trong thời gian chị Vân Anh (Tư Mắt Kính) điều trị ung thư, một số người quen biết đến bệnh viện thăm chị và... bất ngờ: “Ủa, sao kỳ vậy, chị tưởng em suy sụp lắm chứ!”. Chị Tư vui vẻ đáp tỉnh rụi: “Dạ, em vậy đó chị”. Nhiều lúc, bệnh nhân chưa khóc nhưng người đi thăm bệnh đã ôm chị và khóc lóc kể kỷ niệm ngày xưa khiến chị Tư phải an ủi ngược lại: “Thôi, được rồi, mình cảm ơn bạn”. Bạn bè, người quen của chị có cùng nhận xét: “Bệnh nhân ung thư thường ủ rũ, đau buồn, tiều tụy, còn bệnh nhân ung thư như bà là quá hiếm, quá lạ lùng!”.
|
Du lịch kết hợp làm từ thiệnBiết chị Vân Anh ít có dịp đi du lịch, bạn bè tạo cơ hội cho chị thỏa mãn mong muốn đó. Trên những cuộc hành trình, các anh chị kết hợp làm từ thiện, tặng quà cho những hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Thấy một số trẻ hiếu học mồ côi hoặc không có điều kiện đến trường, chị Vân Anh lăn xả kêu gọi tài trợ chi phí học hành cho các em.
Sau mỗi chuyến đi, chị Vân Anh đăng những dòng trạng thái vui vẻ, yêu đời kèm các tấm ảnh “tươi hết cỡ” trên mạng xã hội. Một số người lấy làm lạ: “Ung thư kiểu gì mà đi hoài, khoe hình miết trên Facebook? Ung thư là do nghiệp chướng, lẽ ra phải tu chứ?”.
Chị Vân Anh tự tin đáp: “Thời gian sống của bệnh nhân ung thư như tôi có thể hạn hẹp hơn người khác, cho nên nếu đi được đâu thì tôi đi ngay, làm được gì thì tôi làm liền. Những người quan tâm thấy tôi còn khỏe mạnh là họ vui, vì niềm tin họ đặt vô tôi đã đúng. Tôi không bị lệ thuộc vào bệnh và tôi đã mạnh mẽ, sống tốt”.
|
Bình luận (0)