Đài RT dẫn nguồn từ Bộ Quốc phòng Nga cho hay quy trình thử nghiệm robot chiến đấu có khả năng bảo vệ các tên lửa chiến lược đã được tiến hành thành công hồi trung tuần tháng này.
“Hệ thống robot vệ sĩ cho các cơ sở quân sự trên mặt đất của Lực lượng tên lửa chiến lược đã vượt qua mọi cuộc thử nghiệm tại đơn vị tên lửa Kozelsk ở vùng Kaluga, phía nam Moscow”, Bộ Quốc phòng Nga thông báo. Giới chức quân sự nước này tiết lộ robot mới sẽ sớm được triển khai bảo vệ các cơ sở của Lực lượng tên lửa chiến lược.
Lính canh siêu nhạy
Theo hãng Sputnik, robot vệ sĩ trên có khả năng chống lại mọi cuộc tấn công tiềm tàng vào các cơ sở quân sự chiến lược, nhất là các bệ phóng tên lửa của Nga. Bộ Quốc phòng Nga cho hay robot mới được trang bị các thiết bị quang điện tử và radar trinh sát. Nó có thể bắn đạn và phóng lựu ở cả trạng thái đứng yên và di chuyển, qua đó tiêu diệt được những mục tiêu ở khoảng cách 400 m.
Điểm cộng của robot vệ sĩ còn là khả năng phát hiện con người trong phạm vi 7 km và xe cộ trong phạm vi 10 km. Nó cũng có thể dễ dàng nhận ra các vật thể bay tầm thấp ở khoảng cách vài ki lô mét. Ngoài ra, cỗ máy mới còn hoạt động liên tục 24/24 giờ trong mọi điều kiện thời tiết. Trong cuộc thử nghiệm vừa qua, robot mới đã hoàn thành xuất sắc vai trò bảo vệ các bệ phóng tên lửa khỏi các cuộc tấn công giả định, theo giới chức quốc phòng Nga.
|
Ngoài loại robot vệ sĩ mới, Moscow cũng đã thử nghiệm một loại xe trinh sát bọc thép Taifun-M được thiết kế riêng cho Lực lượng tên lửa chiến lược. Taifun-M có nhiệm vụ bảo vệ các tổ hợp tên lửa chiến lược của Nga. “Hệ thống này được thiết kế cho các nhiệm vụ trinh sát, loại bỏ mọi mục tiêu cố định và di chuyển, đồng thời yểm trợ hỏa lực, tuần tra và bảo vệ các mục tiêu quan trọng”, theo Đài RT dẫn thông báo từ Bộ Quốc phòng Nga.
Giới chức nước này tiết lộ thêm Taifun-M sở hữu bộ thiết bị do thám độc đáo, bao gồm cả thiết bị bay không người lái, cho phép robot phát hiện các mục tiêu trong phạm vi 5 km. Taifun-M được thiết kế để hộ tống tên lửa đạn đạo liên lục địa như Yars RT-24 hay còn gọi là Topol-MR, ngăn chặn các đợt phục kích của đối phương. Taifun-M cũng có thể bảo vệ các bệ phóng tên lửa trước các cuộc tiến công. Đài RT cho hay Lực lượng tên lửa chiến lược Nga hiện có 14 chiếc Taifun-M như vậy.
Sát thủ tự hành
Do từ lâu đã xác định robot quân sự sẽ trở thành lực lượng quan trọng của quân đội trong tương lai nên Moscow không ngừng chế tạo ra các hệ thống robot chiến đấu mới. Có thể kể đến Platform-M với hỏa lực cực mạnh không thể thiếu trong quân đội Nga. Có hình dạng như một chiếc xe tăng nhỏ, robot này nặng 816 kg, có khả năng di chuyển với tốc độ 45 km/giờ, được trang bị nhiều vũ khí như súng phóng lựu, súng máy 12,7 mm có thể điều khiển từ xa. Cơ chế bắn của Platform-M hoạt động tự động nên có thể cùng lúc tấn công 10 mục tiêu mà không cần sự trợ giúp của con người, theo trang tin RBTH.
Một loại “đồ chơi” khác sẽ được trang bị cho Lực lượng tên lửa chiến lược Nga là Wolf-2, được xem là phiên bản “bề thế” hơn của Platform-M với hình dạng tương tự nhưng nặng hơn 1 tấn. Nhờ sở hữu khung gầm đặc biệt nên Wolf-2 có thể vượt qua mọi địa hình gồ ghề. Được điều khiển từ xa với khoảng cách tín hiệu tối đa gần 5 km, Wolf-2 có thể vừa di chuyển với vận tốc 35 km/giờ vừa tấn công mục tiêu bằng các loại súng máy Utes và Kord cỡ nòng lớn.
Tờ The Moscow Times dẫn một số nguồn tin tiết lộ sau khi hoàn tất thử nghiệm, Platform-M và Wolf-2 sẽ được triển khai cho Lực lượng tên lửa chiến lược Nga với vai trò “vệ sĩ” cho các hệ thống tên lửa Topol-M và Yars.
Vào cuối năm nay, Bộ Quốc phòng Nga còn có kế hoạch đưa vào sử dụng xe tự hành Uran-6. Đây là hệ thống rà phá bom mìn đa chức năng trên bộ được đánh giá là có thể đảm nhiệm công việc của 20 lính công binh. Các đoạn phim quay cảnh thử nghiệm cho thấy Uran-6 di chuyển băng băng trên mọi địa hình phức tạp, tìm kiếm và vô hiệu hóa mìn dưới sự điều khiển của một quân nhân đứng cách đó 1 km.
Theo trang tin RBTH, Uran-6 có thể vô hiệu hóa các thiết bị nổ có sức công phá tương đương 59 kg thuốc nổ TNT. Thiết bị này hiện đang được thử nghiệm ở Chechnya, cụ thể là các dãy núi thuộc vùng Vedensky có địa hình rất phức tạp và hiểm trở. Sau các cuộc thử nghiệm, Uran-6 sẽ sớm được đưa vào sản xuất hàng loạt.
Moscow cũng sẽ triển khai robot Uran-9, mẫu robot mới nhất với thiết kế hoàn chỉnh nhất vào cuối năm nay. Uran-9 có nhiệm vụ trinh sát và cũng được trang bị nhiều loại vũ khí. Theo truyền thông Nga, Uran-9 sử dụng tháp pháo được thiết kế đặc biệt để đặt pháo tự động 2A72, súng máy nòng 7,62 mm, kèm theo hàng loạt tên lửa chống tăng hiện đại.
Nga điều tên lửa chống hạm đến đảo tranh chấp
Hãng Tass ngày 23.11 đưa tin Bộ Quốc phòng Nga đã triển khai 2 hệ thống phòng thủ tên lửa Bal và Bastion đến các đảo Iturup và Kunashir thuộc quần đảo Nam Kuril/Vùng lãnh thổ phương Bắc đang có tranh chấp với Nhật Bản. Các đơn vị tên lửa trên trực thuộc Lữ đoàn tên lửa bảo vệ bờ biển số 72 của Hạm đội Thái Bình Dương. Các đơn vị trên dự kiến sẽ tiến hành cuộc tập trận bắn đạn thật cuối năm nay.
Theo truyền thông Nga, tổ hợp tên lửa bảo vệ bờ biển Bastion được trang bị tên lửa siêu thanh P-800 Onyx nên tiêu diệt được nhiều loại tàu chiến. Một hệ thống Bastion có thể sử dụng đến 36 quả tên lửa P-800 Onyx, thừa sức bảo vệ vùng bờ biển trải dài hơn 600 km.
Với tên lửa chống hạm cận âm X-35 (Kh-35), hệ thống tên lửa Bal có khả năng tiêu diệt mọi mục tiêu trên mặt đất hoặc trên biển ở khoảng cách 130 km. Tên lửa X-35 có thể vô hiệu hóa các tàu chiến có độ choán nước 5.000 tấn. Việc triển khai các tên lửa trên nằm trong kế hoạch đưa nhiều vũ khí chống hạm tối tân đến Nam Kuril/Vùng lãnh thổ phương Bắc nhằm củng cố năng lực bảo vệ chủ quyền của quân đội Nga tại đây.
|
tin liên quan
Nhật lần đầu phát hiện trực thăng tuần tra Nga gần Senkaku/Điếu NgưQuân đội Nhật Bản thông báo đã phát hiện một trực thăng tuần tra của Nga bay gần khu vực quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trong nhiều giờ liền vào chiều 22.11.
Bình luận (0)