Những chốt chặn Gò Vấp ngày đầu phong tỏa: Mông lung câu hỏi vào có ra được không?

31/05/2021 11:37 GMT+7

Sáng sớm 31.5, nhiều người dân bối rối dừng xe phía trước chốt phong tỏa ở Gò Vấp (TP.HCM) với câu hỏi: “Vào hay không vào?”. Nhiều người chọn quay đầu xe nhưng cũng có người quyết định vào trong dù “không ra được nữa”.

Từ 0 giờ ngày 31.5, cùng với P.Thạnh Lộc (Q.12), TP.HCM thực hiện phong tỏa toàn quận Gò Vấp theo Chỉ thị 16 trong vòng 15 ngày. Theo đó, TP. đã lập 10 chốt kiểm soát dịch tại Q.Gò Vấp.

Gò Vấp “xả chốt” phong tỏa Covid-19, người dân bối rối không biết nên đi hay về

“Lỡ vô mà ở trong đó luôn chắc....”

Theo ghi nhận của Thanh Niên tại chốt phong tỏa tại giao lộ Phan Văn Trị - Phạm Văn Đồng (giáp ranh giữa Q.Gò Vấp và Q.Bình Thạnh) sáng sớm 31.5, nhiều người dân đã tập trung phía trước các chốt mong được vào hoặc ra khỏi địa phận Q.Gò Vấp. Không ít người tỏ ra bối rối, gọi điện thoại liên tục để hỏi thăm người thăm cũng như lực lượng chức năng: “Vào rồi thì có được ra hay không?”.
Lực lượng chức năng liên tục hướng dẫn, giải thích cho người dân cũng như tích cực điều phối giao thông để tránh việc ùn tắc.
Theo quan sát, người dân đang làm việc hoặc đang có việc ở Gò Vấp nhưng có nhà ở quận khác, khi muốn rời khỏi Gò Vấp thì đến chốt kiểm soát khai báo y tế. Ngược lại, người từ bên ngoài vào Q.Gò Vấp vẫn phải tiến hành khai báo y tế và cam kết không được trở ra.

Sáng sớm, nhiều người có mặt tại chốt muốn vào hoặc ra vì nhiều lý do khác nhau

ẢNH: CAO AN BIÊN

Nhiều người có nhu cầu vào bên trong, nhưng băn khoăn vì “vào rồi thì không được ra"

ẢNH: CAO AN BIÊN

Ông P.H.Xuân (43 tuổi, ngụ Bình Thạnh) chở vợ dừng xe phía trước chốt phong tỏa. Ông gọi điện thoại hỏi người thân có cách nào để vào bên trong hay không. Từ hôm qua, ông đã biết được Q.Gò Vấp bị phong tỏa, tuy nhiên ông nói vì có việc riêng cần vào nên cùng vợ đến xem như thế nào.
“Vợ chồng tôi đi vào trong đó lấy đồ. Cứ nghĩ là vào một chút rồi ra cũng không sao, nhưng hỏi cán bộ thì họ nói là phải khai báo y tế, vào rồi thì không thể ra nữa. Vậy sao được, ở trong đó luôn chắc… chết”, ông nói. Sau một hồi đứng đợi, ông và vợ quay đầu xe khỏi đám đông phía trước khu vực phong tỏa rồi vội chạy đi.
Một người đàn ông chở những thùng hàng chất đầy phía sau xe đứng trước chốt phong tỏa. Ông cho biết khi nghe những người xung quanh nói vào rồi thì không thể trở ra, ông bối rối liền gọi điện thoại cho khách.

Ngậm ngùi quay đầu trước chốt chặn phong tỏa chống Covid-19 ở cửa ngõ Gò Vấp

Người này hỏi: “Bây giờ không có vô được rồi, vô là tí không ra được đâu. Đống hàng này không biết tính sao đây”. Sau một hồi trao đổi qua điện thoại, người này lùi xe rời khỏi chốt phong tỏa.

Vào Q.Gò Vấp để… ôn thi

Lát sau, chị Trần Thị Thúy Hằng (22 tuổi, ngụ P.10, Q.Gò Vấp) tấp xe vào lề phía trước chốt phong tỏa, rồi hỏi cán bộ hướng dẫn: “Anh ơi em muốn vào trong thì phải làm thế nào?”. Sau khi được hướng dẫn, chị lập tức hoàn thành việc khai báo online.
Khi được hỏi lý do chấp nhận vào trong và không được rời khỏi địa bàn Q.Gò Vấp trong 15 ngày, chị Hằng cho biết mình vào để ôn thi cuối kỳ. “Tôi ở Đồng Nai, trọ ở Gò Vấp có về nhà thăm gia đình mấy hôm. Tự nhiên hôm qua nghe tin phong tỏa tôi khá bất ngờ, vì tài liệu học tập tôi đều để ở trọ hết. Thay vì lên lấy rồi về nhà ôn, tôi quyết định trở lại trọ luôn, vừa cách ly theo đúng tinh thần của chính quyền địa phương vừa có thời gian ôn luyện”.

Một số người giao hàng “quay xe” vì ngại vào bên trong

ẢNH: CAO AN BIÊN

Chị Trần Thị Thúy Hằng (22 tuổi, ngụ P.10, Q.Gò Vấp) được hướng dẫn khai báo y tế vào Q.Gò Vấp để ôn thi

ẢNH: CAO AN BIÊN

Hơn 10 giờ, các phương tiện giao thông có thể di chuyển qua chốt, tài xế xe tải khi qua đây phải khai báo y tế

ẢNH: CAO AN BIÊN

Chị Hằng cũng nói thêm hiện tại, dù chưa kịp mang lương thực hay thực phẩm dự trữ nhưng chị không cảm thấy quá lo lắng. Chị cho biết siêu thị và các cửa hàng bán nhu yếu phẩm vẫn đang hoạt động nên có thể đi mua bất kỳ lúc nào.
“Hôm qua, tôi thấy người ta đi siêu thị đông nghịt người, nhưng mà lúc phong tỏa vẫn đâu có đóng cửa. Từ từ, bình tĩnh rồi mua cũng được. Tôi đã sẵn sàng vào trong rồi”, chị bộc bạch.
Khác với chị Hằng, anh Nguyễn Hữu Võ Trường (26 tuổi, ngụ Q.Gò Vấp) đang ở Gò Vấp lại muốn ra ngoài. Anh cho biết mình làm việc tại TP.Thủ Đức, hôm nay có việc gấp lên công ty nên “thử” xin cán bộ xem như thế nào.

Trung tâm TP.HCM ngày đầu giãn cách xã hội vì Covid-19: "Bình thường đâu vắng dữ vậy"

“Sau khi trình bày hoàn cảnh, cán bộ vẫn yêu cầu tôi vào bên trong nên giờ tôi quay về nhà nè. Chắc giờ phải báo lại với công ty cho lành, để coi công ty giải quyết sau”, thở dài anh nói tiếp: “Chắc lần này nghỉ làm 15 ngày thật rồi”. Xong, anh chạy vội vào trong.
Trả lời PV Thanh Niên, ông Vũ Nam Hưng (Chủ tịch UBND P.1, Q.Gò Vấp) cho biết từ thời điểm phong tỏa, phường đã thực hiện nghiêm theo chỉ đạo của UBND TP.HCM và Chủ tịch Q.Gò Vấp.
“Tuy nhiên, vì chốt Phạm Văn Đồng - Phan Văn Trị là trục đường chính đi qua lại giữa các quận Q.12, Hóc Môn, Củ Chi, Bình Thạnh nên lượng người và phương tiện qua lại đây rất đông. Chúng tôi gặp nhiều vấn đề phát sinh và khó khăn khó khăn để kiểm soát”, ông Hưng nói thêm.
Đến 10 giờ, hàng rào chốt phong tỏa tại giao lộ Phan Văn Trị - Phạm Văn Đồng tạm thời được lực lượng chức năng xếp vào vỉa hè, các cán bộ vẫn tiếp tục phân luồng xe. Các phương tiện xe máy có thể di chuyển ra vào địa bàn Q.Gò Vấp; các phương tiện xe tải, xe bán tải được yêu cầu khai báo y tế trước khi đi qua chốt. Tình trạng xe đông tập trung nơi đây cũng được giải tỏa.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.