Những chung cư coi thường “bà hỏa”

13/03/2010 00:25 GMT+7

PV Thanh Niên đã ghi nhận thực tế một số chung cư (CC) tại TP.HCM và phát hiện nhiều vi phạm nghiêm trọng trong công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC).

> Nguy cơ cháy chung cư !

Rùng mình!

Sáng 12.3, chúng tôi đến CC Miếu Nổi (Q.Bình Thạnh). Tại tầng trệt lô A, chúng tôi thấy đầu chữa cháy tự động gỉ sét từ khi nào nằm trơ trọi trên trần nhà. Tại lầu 10, lầu 9, dây điện, dây cáp được câu móc lung tung như mớ bòng bong, rất dễ gây chập điện. Trong khi đó, hệ thống báo cháy, chữa cháy tự động, thậm chí đèn chiếu sáng sự cố tại một số lầu ở lô A đều tê liệt hoàn toàn... Tại một hội nghị triển khai các giải pháp đảm bảo an toàn PCCC, cứu hộ - cứu nạn vào giữa năm 2009, chính Ban quản lý (BQL) CC Miếu Nổi cũng thừa nhận: “CC Miếu Nổi có số lượng người sinh sống đông, tập trung nhiều chất cháy, có nhiều hệ thống thiết bị kỹ thuật do đó nguy cơ xảy ra cháy tại đây rất cao. Công tác cứu hộ cứu nạn gặp nhiều khó khăn vì không có đường, bãi đủ tiêu chuẩn cho xe thang hoạt động. Vẫn còn tình trạng các hộ dân tùy tiện câu mắc, lắp đặt thêm các thiết bị tiêu thụ điện có công suất lớn nhưng không báo với BQL. Người dân đun nấu rồi bỏ quên, đi làm, đốt nhang cũng là nguyên nhân dẫn đến cháy...”. Thế nhưng, đến nay những khiếm khuyết này không hề được khắc phục.

Tại CC Cây Mai (Q.11), chúng tôi thấy trước cửa nhà nhiều hộ tự lắp đặt bàn thờ, câu móc điện chiếu sáng thắp “trường kỳ” trên bàn thờ. Dọc trần lối đi ở một số tầng, hệ thống dây nhợ (cáp truyền hình, internet, điện thoại) thành một đống bùi nhùi sát nguồn điện nhìn mà rùng mình...


Mái tôn trên sân thượng của lô B, chung cư Mỹ Phước - Ảnh: Đàm Huy

Bít cả lối thoát nạn

CC Mỹ Phước (đường Bùi Hữu Nghĩa, P.2, Q.Bình Thạnh) nằm trong con hẻm sâu bị lấn chiếm nghiêm trọng, giả thử xảy ra cháy xe cứu hỏa vào được khu CC là cả một vấn đề. Trước tiền sảnh 3 lô CC với hàng trăm căn hộ, ô tô, xe gắn máy, taxi đậu tràn lan chiếm hết lối vào CC... Bên trong CC, trang thiết bị PCCC, cứu hộ - cứu nạn... càng tệ hại. Nhiều lối thoát hiểm của CC ở lô B, C đều bị trưng dụng để rác, hàng hóa, vật liệu dễ cháy. Cửa thoát hiểm, theo quy định phải luôn đóng kín để tránh khói xộc vào cầu thang thoát hiểm khi xảy ra sự cố. Thế nhưng có nhiều lối thoát hiểm người dân đem dây cột để cửa mở toang lấy ánh sáng hoặc tận dung diện tích để đồ đạc... Kỳ lạ hơn, hầu hết các thùng đựng vòi chữa cháy ở CC đều bị khóa chặt, vi phạm nghiêm trọng quy định PCCC. “Có lẽ CC hay xảy ra trộm cắp nên các thùng đựng vòi chữa cháy đều được khóa”, một người dân nói. Còn sân thượng của lô B (cao 18 tầng) bị “bít” bởi khung sắt mái tôn, trong khi theo quy định nhà cao tầng phải có sân thượng thông thoát để khi xảy ra cháy ở tầng dưới, người dân có thể theo đường thang bộ thoát hiểm lên sân thượng chờ cứu...

CC Ngô Quyền (Q.5) có trên 160 hộ sinh sống trong 3 lô, nhưng chỉ có 2 lô B và C là có thang thoát hiểm bên ngoài chạy dọc theo các tầng, ngoài hệ thống thang bộ. Một người dân cư ngụ tại CC này ngán ngẩm: “Thang thoát hiểm lắp làm kiểng thôi, nếu xảy ra sự cố cháy làm sao mà trèo ra được khi trước đó là bức tường chắn cao 1,4m”. Quan sát nhiều tầng, chúng tôi thấy người dân còn trồng cây kiểng, để vật dụng che kín càng làm cho việc thoát hiểm khó khăn hơn. Tại các hộp nước chữa cháy ở các tầng còn tệ hại hơn: không có hệ thống ống nằm trong hộp như thường thấy mà bên trong là đủ thứ chai, lon nước ngọt và cả... bao cao su.

Thậm chí, một CC cao cấp cao tầng ở Q.7 cũng lộ nhiều thiếu sót như cửa bỏ rác vào đường ống chứa rác làm bằng nhôm (không phải loại chống cháy), cửa thoát hiểm cũng không phải loại chống cháy, tại các tầng lầu không trang bị bình chữa cháy...

Sau vụ cháy CC tại Hà Nội, Ban giám đốc Sở Cảnh sát PCCC TP.HCM chỉ đạo các phòng cảnh sát PCCC quận, huyện trong công tác kiểm tra định kỳ nên tăng cường tập trung kiểm tra xử lý nghiêm các nhà cao tầng (CC, cao ốc cho thuê, trung tâm thương mại…) vi phạm về công tác PCCC, cứu hộ - cứu nạn. Đồng thời, tuần tới, Sở quyết định thành lập đoàn trực tiếp đi kiểm tra các nhà cao tầng trọng điểm tại các quận trung tâm có số người tập trung đông.

Còn theo một cán bộ của Phòng Cảnh sát PCCC Q.Tân Phú, qua kiểm tra định kỳ 11/28 CC nằm trên địa bàn cho thấy các CC cao tầng vừa mới xây dựng, trang thiết bị PCCC đầy đủ, hoạt động tốt nhưng ý thức của người dân về công tác PCCC, cứu hộ - cứu nạn còn hạn chế. Có trường hợp, người dân lấy dây cột cửa thoát hiểm lại để dễ dàng vào thang bộ thoát hiểm sử dụng đi lại (vì đi thang máy tốn tiền). Các CC loại thấp tầng vẫn còn tồn tại một số vi phạm phổ biến như: lực lượng PCCC tại chỗ mỏng, trang thiết bị chữa cháy thiếu, máy nổ thì không hoạt động được…

Ô tô chữa cháy vô phương tiếp cận


Hộp vòi chữa cháy tại khu nhà B3 Dịch Vọng không hề có vòi - Ảnh: Minh Sang

Tại khu tái định cư B3 (thuộc phường Dịch Vọng, Q.Cầu Giấy, Hà Nội), toàn bộ hộp đựng vòi chữa cháy của khu nhà bị tung nắp. Các dây vòi đặc dụng chữa cháy, gắn vào đầu van đường ống nước cũng không còn trong hộp. Những tay van nắm, có tác dụng đóng, mở đường ống dẫn nước chữa cháy cũng “không cánh mà bay”. Từ tầng 1 cho tới tầng 6 của khu tái định cư, đều có những tấm biển bằng sắt, sơn chữ đỏ tươi: Khi xảy cháy báo gấp, cúp cầu dao điện nơi cháy, dùng bình chữa cháy cát và nước dập tắt..., nhưng có lục tung cả khu nhà cũng chẳng thấy một bình cứu hỏa, hay thùng đựng cát chữa cháy!

Ông Đặng Lương Sơn, chủ nhân căn hộ 305 khu B3, cho hay khi mới dọn về đây sinh sống, toàn bộ hộp chữa cháy đều có đầy đủ dây, vòi dẫn nước, van khóa chữa cháy... nhưng lo sợ người dân lấy nguồn nước này để sinh hoạt nên bảo vệ tòa nhà đem... cất đi. Nguy hiểm hơn, nhà để xe tại tầng 1 cũng không hề có bình bọt chữa cháy.

Tại các tòa nhà của khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính, tuy có bình chữa cháy mini nhưng lối dẫn vào hộp tủ chữa cháy lại bị một hàng dài xe máy án ngữ ngay phía ngoài. Việc vi phạm các quy định về PCCC xảy ra ở hầu hết các khu tái định cư, chung cư. Đơn cử, khu tái định cư Nam Trung Yên, do khoảng diện tích đất làm sân chơi chung hạn hẹp, để đảm bảo cho trẻ khi vui chơi tại đây, tổ dân phố thống nhất dựng lên những chiếc cọc sắt có buộc xích sắt để chắn ô tô vào sân. Không biết với những chiếc xích sắt này, khi có hỏa hoạn, ô tô chữa cháy sẽ tiếp cận hiện trường bằng cách nào?

"Cháy chắc chết!”. Bà Nguyễn Thị Mùi, Tổ trưởng của chung cư mini số 46, ngõ 235, phố Yên Hòa, Q.Cầu Giấy, Hà Nội, đã thốt lên như vậy khi chúng tôi hỏi về việc PCCC ở đây. Theo bà Mùi, chung cư này có 18 hộ dân sinh sống nhưng lại không hề có lấy một phương tiện chữa cháy nào, trong khi lối thoát duy nhất chỉ là một cầu thang nhỏ. Chưa hết, khu chung cư này lại nằm tít sâu trong ngõ nhỏ, chỉ đủ hai xe máy tránh nhau. Chung cư mini ở ngõ 420 đường Khương Đình (Q.Thanh Xuân) còn tệ hơn, ngõ vào không đủ để hai xe máy tránh nhau.

Bà Mùi cho biết, 18 hộ khi đặt tiền mua nhà tại chung cư mini đều được hứa sẽ trang bị đầy đủ các phương tiện PCCC. Nhưng đến nay, nhà đã được cấp sổ, phương tiện chữa cháy vẫn không có.

Minh Sang

Đàm Huy - Lê Nga

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.