Những chuyện chưa kể về Tây du ký: Vai trò của Tôn Ngộ Không

17/10/2021 06:30 GMT+7

Chuyện kể Tây du trước Ngô Thừa Ân khá phong phú, đến mức có thể chia chúng thành những vũ trụ Tây du hoàn toàn biệt lập. Quá trình tương tác giữa các vũ trụ biệt lập này dần dần hình thành nên một vũ trụ áp đảo hoàn toàn và thay thế các vũ trụ còn lại.

Tôn Ngộ Không trong đoàn thỉnh kinh

Nhân vật Hầu Hành Giả trong thi thoại thời Tống về sau đã trở thành nhân vật Tôn Hành Giả trong bình thoại lưu hành đầu thời nhà Minh - trước khi nhà văn Ngô Thừa Ân ra đời. Vào hai thập niên đầu của thế kỷ 15, một quyển sách dạy hội thoại Hán ngữ của Triều Tiên là Phác thông sự ngạn giải đã nhắc đến tác phẩm Tây du ký. Quyển Tây du ký đó được định danh là bình thoại - một thể loại sách được biên soạn nhằm phục vụ loại hình kể chuyện miệng. Nhiều bình thoại kiểu này là tiền thân của một số tiểu thuyết chương hồi nổi tiếng, tiêu biểu như Tam quốc chí bình thoại và tiểu thuyết Tam quốc chí thông tục diễn nghĩa. Nhân vật trong Phác thông sự ngạn giải còn thuật lại một câu chuyện trong bình thoại ấy. Đó là chuyện “Đấu thánh ở nước Xa Trì”. Chuyện này tương ứng với các hồi 44-45-46 trong tiểu thuyết Tây du ký. Điểm khác biệt là ở chỗ trong đó không hề có nhân vật Trư Bát Giới và Sa Hòa Thượng. Toàn bộ đều là do Tôn Hành Giả thể hiện.

Huyền Trang và Hầu Hành Giả trong bích họa ở Đôn Hoàng

Một điều đặc biệt nữa là phần chú thích của sách Phác thông sự ngạn giải lại có đề cập đến đoàn thỉnh kinh bốn người gồm: Huyền Trang pháp sư, Tôn Hành Giả, Sa Hòa Thượng và Hắc Trư Tinh Chu Bát Giới. Nhà nghiên cứu Phan Kiến Quốc cho rằng Tây du ký nhắc trong phần chú văn lại là một phiên bản Tây du ký khác. Chí ít thì đến thời nhà Nguyên, tạp kịch Tây du ký của Dương Cảnh Hiền đã có đoàn thỉnh kinh đầy đủ như ngày nay ta biết. Hiểu được quá trình này rồi ta mới biết vì sao Tôn Ngộ Không lại có nhiều đất diễn nhất trong số các đồ đệ. Bởi vì đây là nhân vật xuất hiện sớm nhất, có nhiều cố sự nhất, tất nhiên vai trò và vị trí phải vượt trội hơn các nhân vật đến sau.

Sự vượt trội này thể hiện rõ nhất ở chỗ: trải qua từng vũ trụ, chức vụ mà Tôn Ngộ Không chứng quả ngày một cao lên. Trong Đại Đường Tam Tạng thủ kinh thi thoại, sau bao gian hiểm, Hầu Hành Giả chỉ trở thành Đồng Cân Thiết Cốt đại thánh. Tôn Hành Giả trong tạp kịch của Dương Cảnh Hiền và bình thoại trong Phác thông sự ngạn giải ngay từ đầu đã là đại thánh (Thông Thiên đại thánh, Tề Thiên đại thánh), về sau chứng quả thấp hơn Huyền Trang một bực. Đường Tăng thành Chiên Đàn Phật Như Lai, Tôn Hành Giả chỉ là Đại Lực Vương Bồ Tát, Chu Bát Giới là Hương Hoa Hội Thượng Tịnh Đàn Sứ Giả (không rõ Sa Hòa Thượng chứng quả gì). Đến tiểu thuyết của Ngô Thừa Ân, chứng quả của Đường Tăng và Trư Bát Giới không thay đổi, riêng Tôn Ngộ Không lại thăng cấp lên ngang hàng với Đường Tăng, thành Đấu Chiến Thắng Phật. Điều này cho thấy sức ảnh hưởng ngày càng lớn của Tôn Hành Giả trong chuyện kể Tây du. Từ chỗ Huyền Trang là nhân vật chính, dần dần người bảo hộ Đường Tăng mới là tâm điểm câu chuyện.

Từ kẻ ăn trộm đến đại náo thiên cung

Từ Hầu Hành Giả đời Tống đến Tôn Ngộ Không thời Minh, nhân vật này ngày càng được tô điểm thêm. Hầu Hành Giả là đại vương của đám mi hầu ở núi Hoa Quả, từng chín lần nhìn thấy nước Hoàng Hà trong (tức hơn 4.500 tuổi). Vào lúc 800 tuổi, Hầu Hành Giả đi trộm 10 quả bàn đào ở ao của Tây Vương Mẫu, bị bắt được. Tây Vương Mẫu sai đánh vào xương sườn trái 800 thiết bổng, đánh xương sườn phải 3.000 thiết bổng, rồi đày tới động Tử Vân, núi Hoa Quả. Nói tóm lại, đó chỉ là trộm vặt.

Đến tạp kịch của Dương Cảnh Hiền, lai lịch của Tôn Ngộ Không mới được tô vẽ phong phú thêm. Tôn Ngộ Không có anh chị em, thậm chí còn có vợ. Tôn Ngộ Không là em trai thứ hai, xưng hiệu là Thông Thiên đại thánh. Đại tỷ là Li Sơn lão mẫu, nhị muội là Vu Kì Chi thánh mẫu; đại huynh là Tề Thiên đại thánh, tam đệ là Sái Sái tam lang. Vợ của Tôn Ngộ Không là công chúa nước Kim Đỉnh. Thông Thiên đại thánh Tôn Ngộ Không trộm kim đan của Thái Thượng Lão Quân, nên luyện thành gân đồng, xương sắt, mắt lửa, ngươi vàng (hỏa nhãn kim tinh); rồi sau lại trộm 100 quả đào tiên của Vương Mẫu và một tấm áo tiên đem về cho vợ mặc, mở hội Khánh Tiên Y (mừng áo tiên). Ngọc Đế sai Tỳ Sa Môn Hạ Lý thiên vương dẫn quân đi đánh Thông Thiên đại thánh, cứu được công chúa nước Kim Đỉnh, đem trả về nước. Tôn Ngộ Không đánh không lại Na Tra, bèn chạy trốn, rồi bị bắt. Quan Âm tới đề nghị cho Tôn Ngộ Không làm đồ đệ bảo hộ Đường Tăng, nhưng hãy tạm đè dưới núi Hoa Quả. Tôn Ngộ Không này chẳng qua cũng chỉ là trộm vặt. Tôn Hành Giả trong lời chú của Phác thông sự ngạn giải đại khái lai lịch cũng như vậy, chỉ có xưng hiệu đổi thành Tề Thiên đại thánh. Pháp lực cũng mạnh hơn một chút, khiến thiên binh gặp bất lợi, phải mời Nhị Lang Thần tới bắt, rồi đè dưới núi Hoa Quả.

Nhân vật trong cả ba phiên bản này đều không hề có bản lãnh đại náo thiên cung. Đại náo thiên cung phải đến tiểu thuyết Tây du ký mới xuất hiện. Bởi vì nó là một tăng bổ rất muộn, nên xét về tổng thể đã gây ra điểm bất hợp lý giữa Ngộ Không oai chấn thiên đình và Ngộ Không đánh đâu cũng thua. (còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.