Thay đổi cuộc sống
Chị Nguyễn Thị Thu Trang (30 tuổi, ngụ ở phường Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội) lấy chồng khá sớm nên 24 tuổi chị đã làm mẹ của 2 đứa con, đứa lớn mới được 18 tháng tuổi thì chị sinh con thứ 2. Khi ấy, chị không có nghề nghiệp ổn định, chỉ đi làm móng dạo để mưu sinh, với thu nhập từ 50.000 - 100.000 đồng/ngày. Chồng chị Trang làm công nhân với mức lương 3 triệu đồng/ tháng. Trong khi đó, đứa con thứ 2 của chị không may bị mắc bệnh hiểm nghèo.
“Cháu bị bệnh não úng thủy phải đi phục hồi chức năng mỗi ngày mất 150.000 đồng, mà tôi đi làm cả ngày không lo đủ tiền chữa bệnh cho con. Tôi phải nhờ ông bà nội, ngoại nuôi giúp, nhưng cả hai gia đình đều nghèo nên cũng không chu cấp được nhiều”, chị Trang nhớ lại.
|
Thế rồi, trong khi đi làm móng dạo, chị được một người bạn mách có chỗ dạy nghề làm đẹp miễn phí ở Hội phụ nữ với chương trình “Làm đẹp để sống - sống để làm đẹp” do L’Oreal tổ chức. Vậy là chị làm đơn xin học. Với hoàn cảnh khó khăn của mình, chị đã được chương trình nhận dạy miễn phí trong 6 tháng.
“Để học được một khóa học ở ngoài (cơ sở làm đẹp - phóng viên) thì phải mất hơn chục triệu tiền học phí mà cũng không được dạy bài bản. Nhưng học ở đây, tôi được tài trợ cả dụng cụ học tập và không mất chi phí”, chị Trang cho biết.
Trong thời gian vừa đi học, chị Trang vừa đi làm thuê, cũng có thu nhập trang trải cho gia đình. Sau khi hoàn thành khóa học, chị Trang có 1 năm đi làm thuê ở một vài tiệm tóc để có thêm kinh nghiệm và kỹ năng. Sau đó chị đã tự mở một Salon tóc cho mình và hiện có thu nhập khoảng 20 triệu đồng/tháng, tạo việc làm cho 3 nhân viên.
“Nếu không được học nghề không biết cuộc sống của tôi sẽ ra sao. Tôi đã thay đổi cuộc đời từ nghề làm đẹp”, chị Trang cho hay.
Thoát cảnh làm thuê
Chị Nguyễn Thị Thu Trang (22 tuổi, ở xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng, Hà Nội) cũng có hoàn cảnh khó khăn do bố mẹ làm nông nghiệp, phải nuôi 3 chị em ăn học. Sau khi thi đại học không đỗ, chị Trang phải đi bưng bê ở quán ăn để tự nuôi mình. Chị Trang cũng thích đi học nghề làm đẹp nhưng lại không có tiền.
“Từ hồi học cấp 2 em đã thích mua dụng cụ làm đẹp để về làm và đã biết nhuộm tóc, ép tóc cho bạn em, nên khi thi đại học không đỗ, em quyết định học nghề làm tóc, nhưng gia đình em nghèo không đủ tiền cho em đi học nghề…”, chị Trang chia sẻ.
|
Sau đó, chị Trang lên mạng và được biết chương trình dạy nghề từ thiện của L’Oreal nên cô xin vào học. Sau khi phỏng vấn và biết hoàn cảnh của chị Trang thì chương trình đã nhận cô vào học. Suốt thời gian học, chị Trang vẫn phải đi làm thuê để kiếm sống. "Em chỉ học 1 tuần 3 buổi, còn lại phải đi bưng bê ở quán ăn từ sáng đến 12 giờ đêm", chị Trang kể.
Sau khi tốt nghiệp, chị Trang vào phố làm thuê ở một số tiệm tóc để học hỏi kinh nghiệm. “Trong một lần đi từ nhà đến chỗ làm, em bị tai nạn xe máy. Bố mẹ em thấy đi lại vất vả, nên vay mượn tiền đầu tư để cho em mở tiệm tóc ở nhà. Và hiện em có thu nhập thu nhập ổn định, không phải đi làm thuê nữa”, chị Trang chia sẻ.
Trang cũng cho biết, nếu không được học nghề miễn phí thì cô không thể được toại nguyện ước mơ của mình và chưa biết đến bao giờ thoát khỏi cảnh đi làm thuê để mưu sinh.
Cô gái bất hạnh làm lại cuộc đời
Chị T.T. D (26 tuổi, ở huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái) có tuổi vị thành niên dữ dội khi bị lừa bán sang Trung Quốc, đưa vào động mại dâm. Do nhà nghèo, bố mẹ chỉ làm ruộng, nên cô muốn đi tìm việc làm và đã trở thành nạn nhân của việc buôn bán người.
Chị D. cũng không nhớ rõ mình bị đưa đi từ năm bao nhiêu tuổi, chỉ nhớ thời điểm về Việt Nam chị mới 19 tuổi. Sau rất nhiều ngày bị đày đọa ở xứ người, chị may mắn được một tổ chức quốc tế giải cứu và đưa về Việt Nam năm 2011. Khi ấy, vừa mặc cảm tự ti, vừa hoang mang, cô chỉ quanh quẩn ở nhà làm nương rẫy cùng bố mẹ, trong cái đói, cái nghèo.
Chị D. cũng muốn đi tìm việc để mưu sinh nhưng lại sợ bị lợi dụng như lần trước. Đến năm 2013, chị được Hội phụ nữ xã giới thiệu đi học nghề miễn phí ở Hà Nội. Được đào tạo nghề làm đẹp, cô bỗng thấy yêu cuộc sống hơn và hy vọng nhiều hơn về một tương lai tươi sáng. Sau khi tốt nghiệp, chị D. về quê nhà, mở một tiệm làm tóc tại nhà với vốn đầu tư khoảng 20 triệu đồng.
“Khó khăn nhất là việc không có vốn, tôi phải vay mượn của bà con, họ hàng, nhưng bây giờ thì trả hết rồi”, chị D. phấn khởi chia sẻ.
Đặc biệt, khi có nghề nghiệp ổn định, cuộc sống của chị D. ngày càng sáng lên. Chị đã có một mái ấm gia đình và vừa sinh con được 3 tháng. Chị D. cho biết, nhờ có nghề làm tóc, chị có thu nhập vài triệu đồng mỗi tháng và đã tích cóp được một chút để giờ có tiền nuôi con. Cũng nhờ được học nghề mà chị đã thay đổi cuộc đời mình, nếu không sẽ không biết tương lai đi về đâu…
Hàng ngàn học viên được đào tạo miễn phí
Chia sẻ về hành trình thay đổi cuộc sống cho hàng ngàn học viên bắt đầu bằng khóa học đào tạo nghề làm đẹp (thợ tóc, chuyên viên trang điểm), đại diện L’Oreal Việt Nam cho biết, chương trình “Làm đẹp để sống - Sống để làm đẹp” được L’Oreal khởi xướng tại Việt Nam vào tháng 6.2009.
Mục tiêu của chương trình là giúp đỡ thanh niên nam nữ và những phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt là những người bị bạo hành, bị lạm dụng, nạn nhân của buôn bán người, phạm nhân ra trại… có cơ hội tìm được việc làm để tự mình thay đổi cuộc đời, vượt lên số phận để hướng đến một cuộc sống tốt đẹp hơn. Đến nay, chương trình đã đào tạo được 2.015 học viên của 45 tỉnh, thành. Các học viên được tham gia khóa học trong 700 giờ và được sắp xếp làm việc tại tất cả các salon hiện đại trên phạm vi cả nước. Học viên được tài trợ 100% về tài chính.
|
Bình luận (0)