“Bén duyên” với nghiên cứu
Trước khi trở thành nhà khoa học với nhiều công trình nghiên cứu xuất sắc (được T.Ư Đoàn bình chọn là một trong 10 gương mặt trẻ VN tiêu biểu năm 2017), Vũ Bích Ngọc lại có niềm yêu thích đặc biệt với kinh doanh. Ngay từ khi học tiểu học, Bích Ngọc đã kiếm được khá nhiều tiền từ việc phụ mẹ kinh doanh.
“Đến khi học lên THPT, mình không hề nghĩ là sau này sẽ theo đuổi con đường nghiên cứu. Việc này đến rất tình cờ. Đó là khi mình làm khóa luận tốt nghiệp, nghe về tế bào gốc, thấy "nó" mới lạ so với các lĩnh vực khác như vi sinh, sinh hóa, thực vật..., và lại có liên quan đến con người, nên mình quyết định nghiên cứu. Sau khi hiểu, mình càng thấy nó hay hơn. Đặc biệt, tính ứng dụng của tế bào gốc trong y học cũng như nông nghiệp đang đầy tiềm năng. Và còn rất nhiều điều kỳ diệu từ tế bào gốc. Càng nghiên cứu, mình càng thích nó hơn”, Ngọc cho biết.
Đến nay, tiến sĩ Ngọc (32 tuổi) đã có thành tích nghiên cứu được đánh giá xuất sắc khi là chủ nhiệm 2 đề tài các cấp; tham gia 4 đề tài cấp nhà nước đã được nghiệm thu xuất sắc, trong đó đề tài “Nghiên cứu điều trị thực nghiệm bệnh đái tháo đường bằng liệu pháp tế bào gốc" được thử nghiệm cho kết quả khả quan.
Bích Ngọc cũng là thư ký và thành viên của công trình nghiên cứu “Đánh giá hiện trạng, năng lực và khả năng nghiên cứu, ứng dụng, phát triển công nghệ tế bào gốc trong lĩnh vực y - dược và nông nghiệp”. Kết quả nghiên cứu tiền lâm sàng cho thấy ứng dụng công nghệ tái thiết lập chương trình có thể kích hoạt được tế bào chức năng trực tiếp trở thành tế bào tạo mạch, giúp điều trị bệnh lý tắc nghẽn mạch máu chi, hứa hẹn tạo ra đột phá trong điều trị các bệnh lý về mạch máu, đột quỵ, tai biến mạch máu não...
Ngọc còn tham gia các đề tài cấp cơ sở như “Xây dựng mô hình tế bào gốc thần kinh để sàng lọc dược chất có tác động kích thích tăng sinh và biệt hóa tế bào gốc thần kinh”, do Sở Khoa học - Công nghệ TP.HCM chủ trì. Nghiên cứu này mở ra triển vọng cho việc điều trị bệnh lý Alzheimer, Parkinson, những bệnh lý thoái hóa mà đến nay vẫn chưa có phương thuốc điều trị hiệu quả.
Ngoài ra, đề tài “Đánh giá tác động của các dược liệu VN trên các dòng tế bào gốc ung thư của người VN” của Ngọc cũng được đánh giá cao. Ngọc có 15 bài báo khoa học (4 bài là tác giả chính) đã đăng trên các tạp chí thuộc danh mục ISI. Ngọc từng đạt Giải thưởng Khoa học công nghệ thanh niên Quả cầu vàng năm 2017.
Càng khó càng quyết tâm
|
|
|
Còn rất nhiều điều kỳ diệu từ tế bào gốc. Càng nghiên cứu, mình càng thích nó hơn
|
|
|
Tiến sĩ Vũ Bích Ngọc
|
|
|
Hiện nay, tiến sĩ Vũ Bích Ngọc đang làm việc tại Viện Tế bào gốc, Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM. Ngọc kể, khi bắt đầu đi theo con đường nghiên cứu, có vô vàn khó khăn “bủa vây” xung quanh. Lúc đó, lĩnh vực tế bào gốc còn khá mới mẻ tại VN nên thông tin không nhiều. Ngọc phải tìm đọc tài liệu tiếng Anh trong khi lúc đó khả năng đọc hiểu tiếng Anh còn kém. “Mình dịch một trang sách tiếng Anh mất đến một ngày, vì phải tìm hiểu xem thuật ngữ chuyên ngành đó nên được hiểu như thế nào. Sau này, mình cố gắng nên đã cải thiện được phần nào điểm yếu này”, Ngọc chia sẻ.
Đó là chưa kể những khó khăn về cơ sở vật chất. Chỉ một số ít thiết bị được đầu tư ban đầu, trong khi trong phòng thí nghiệm tế bào gốc của trường (khoảng năm 2007) có nhiều thầy cô, SV làm việc, nên phải chia giờ ra làm. Có khi phải làm cả ban đêm nên thời gian được thao tác thực tế ít. Đến nay, Ngọc cho biết Viện Tế bào gốc cũng đã được đầu tư nhiều trang thiết bị hiện đại và cơ sở nghiên cứu rộng hơn nên các vấn đề về phần cứng đã tốt hơn rất nhiều.
Đánh giá về lĩnh vực mình đang theo đuổi, Ngọc nhìn nhận: “Cả nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng tế bào gốc ở nước ta còn hạn chế rất nhiều so với thế giới. Số lượng và chất lượng các bài báo quốc tế còn ít. Số lượng sản phẩm ứng dụng ra thị trường cũng rất giới hạn. Các đơn vị thực sự làm chủ công nghệ tế bào gốc tại VN chưa nhiều. Tuy nhiên, một số bệnh viện trên toàn quốc đang tăng cường xây dựng các đơn vị chuyên môn ứng dụng tế bào gốc trong điều trị bệnh, Bộ Y tế đã cấp phép cho điều trị hoặc phê duyệt các đề tài dự án cho phép thử nghiệm lâm sàng một số bệnh như COPD, đái tháo đường sử dụng tế bào gốc”.
Đối với Ngọc, từ một cô học sinh yêu thích kinh doanh bỗng “rẽ” sang nghiên cứu, không những làm được mà làm rất tốt lĩnh vực còn mới mẻ, bởi càng mới mẻ, càng khó khăn lại càng kích thích lòng quyết tâm chinh phục. “Đến giờ mình thấy đây là một lựa chọn nghề nghiệp đúng đắn của bản thân. Nó giúp mình phát triển được mọi kỹ năng, kiến thức mình đã học để hướng tới việc tạo ra hoặc góp phần tạo ra những sản phẩm có giá trị cho xã hội”, Ngọc khẳng định.
Bình luận (0)