Những công trình 'làm nghèo' đất nước: Bao giờ dự án thủy lợi 90 tỉ thôi 'hành' dân?

Thanh Quân
Thanh Quân
10/03/2022 06:00 GMT+7

.

Dự án thủy lợi Suối Đá tại xã Quảng Hòa (H.Đắk Glong) được cho là công trình nhiều tai tiếng bậc nhất tỉnh Đắk Nông. Công trình này tiêu tốn hàng chục tỉ đồng, nhiều lần quá hạn, gây ra nhiều hệ lụy ám ảnh đối với người dân xã nghèo Quảng Hòa.

Dự án thủy lợi Suối Đá do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình NN-PTNT tỉnh Đắk Nông làm chủ đầu tư; Công ty CP tư vấn đầu tư và xây dựng Anh Khoa (Nghệ An) khảo sát; Công ty CP đầu tư xây dựng Đường Việt thiết kế; Công ty TNHH xây dựng Thành Công thi công (trước đó là Công ty TNHH MTV Cao Thắng).

Sai từ khâu thiết kế

Theo thiết kế, dự án sẽ đảm bảo cung cấp nguồn nước tưới cho 1.000 ha cây nông nghiệp, tăng số lượng canh tác lúa nước từ 1 vụ lên 2 vụ/năm và tạo nguồn cung cấp nước sinh hoạt ổn định về sau cho hơn 1.750 hộ dân trong khu vực.

Một đoạn kênh thuộc dự án thủy lợi Suối Đá nằm thấp hơn bề mặt ruộng lúa khoảng 3 m

THANH QUÂN

Ngân sách đầu tư cho dự án này lên đến 90 tỉ đồng, được xếp vào nhóm cấp bách và thực hiện không quá 5 năm, từ 2016 - 2020. Thực tế đến nay dự án vẫn chưa hoàn thành và liên tục xin gia hạn. Dự án được khởi công tháng 11.2017, dự kiến hoàn thành tháng 11.2019. Thế nhưng, kể từ đó đến nay, dự án đã trải qua đến 4 lần gia hạn nhưng vẫn chưa hoàn thành. Mới đây, UBND tỉnh Đắk Nông đồng ý gia hạn lần thứ 5, yêu cầu công trình hoàn thành vào ngày 30.4.2022.

Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, khi lập dự án và khảo sát địa chất, các đơn vị liên quan đã thiếu trách nhiệm dẫn đến kết quả khảo sát địa chất lập dự án không đúng với hiện trạng địa chất thực tế.

Bên cạnh đó, trong dự án đầu tư có xác định hiện trạng khu vực gần tuyến kênh nhánh N4 có 315 m kênh hiện hữu của người dân, nhưng trong hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công đã không đề cập đến hiện trạng này, và không có giải pháp thiết kế liên quan đến việc sử dụng lại tuyến kênh cũ.

Hậu quả là trong thời gian thi công kênh nhánh N4 phải phá dỡ kênh cũ, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc tưới tiêu cho hơn 6 ha lúa của người dân địa phương khiến họ bức xúc.

Nguy cơ nông dân nghèo mất sinh kế

Đáng nói hơn, trong quá trình thực hiện điều chỉnh thiết kế dự án, chủ đầu tư và các đơn vị liên quan đã thực hiện thiếu tính hệ thống, đồng bộ. Hệ lụy là phải tiếp tục thay đổi phương án thiết kế, gia hạn tiến độ nhiều lần, khiến cho dự án chậm tiến độ hơn 2 năm.

Trạm thu nước thủy lợi Suối Đá luôn trong tình trạng thiếu nước

Sự thiếu trách nhiệm ảnh hưởng rất lớn đến đời sống người dân xã Quảng Hòa, ảnh hưởng trực tiếp thực trạng tưới tiêu sản xuất nông nghiệp tại khu vực trong nhiều năm qua. Hiệu quả đầu tư công trình “ám ảnh” này bị xác định làm giảm sút, không đáp ứng kịp thời mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Nhiều người dân xã Quảng Hòa bức xúc là đúng, bởi trước khi có dự án thủy lợi Suối Đá, họ trồng lúa không phải lo thiếu nước vì nguồn tưới tự có bằng kênh mương đất tự đào.

Nghịch lý “không tưởng” là, từ ngày Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình NN-PTNT tỉnh Đắk Nông thực hiện dự án thủy lợi Suối Đá, ruộng của người dân lúc nào cũng thiếu nước, không thể sản xuất được. Để cứu được ruộng lúa, người dân dùng máy bơm nước từ xa tưới vào ruộng, trong khi kênh mương thủy lợi nằm kề bên. “Đau khổ” là, nông dân nghèo mấy ai có điều kiện để mua máy bơm nước tưới cho ruộng lúa.

Nhiều lần trao đổi với PV Thanh Niên, lãnh đạo xã Quảng Hòa đều tỏ ra ngán ngẩm và bức xúc vì thủy lợi Suối Đá. Ông Nguyễn Tôn Đông Khoa, Bí thư Đảng ủy xã Quảng Hòa, nói thẳng: “Người dân trong xã hầu hết là hộ nghèo, vì vậy họ luôn trông chờ dự án sớm được hoàn thành để có thể ổn định sản xuất. Tuy nhiên, dự án không chỉ đã chậm tiến độ hơn 2 năm, mà còn phá hết kênh tưới vốn có, khiến người dân và chính quyền địa phương vô cùng thất vọng”.

Có ruộng lúa nằm cạnh tuyến kênh thuộc dự án, nhưng gia đình anh Lầu Văn Dê (ở thôn 12, xã Quảng Hòa) không thể thâm canh lúa nước 2 năm nay vì tuyến kênh nằm sâu dưới lòng đất, thấp khoảng 3 m so với cốt nền ruộng hiện có. Cũng kể từ đó, gia đình anh Dê phải đi mua gạo, ngô về ăn…

Không chấp nhận bỏ hoang 2 sào ruộng nên vừa qua anh Dê phải “cắn răng” bỏ ra 30 triệu đồng để thuê máy múc hạ nền ruộng xuống thấp, với hy vọng ruộng sẽ có thể lấy nước từ kênh dẫn. “Tính luôn cả ruộng của mẹ và anh trai, vừa qua phải tốn hơn 100 triệu tiền thuê máy múc để hạ nền ruộng. Nhưng nếu không hạ nền ruộng thì phải chạy máy bơm, chi phí rất cao”, anh Dê xót xa.

Nhiều nông dân ở xã Quảng Hòa tổn hao tiền bạc để thuê máy múc về hạ nền ruộng lúa

Đội vốn sau 5 lần trễ hạn (!)

Trong buổi làm việc với chủ đầu tư dự án vào cuối tháng 3.2021, ông Nguyễn Đức Hải, Phó trưởng ban Kinh tế - ngân sách HĐND tỉnh Đắk Nông, tỏ ra vô cùng bức xúc vì dự án liên tục chậm trễ: “Đây là dự án cấp bách, đòi hỏi phải hoàn thành để đạt mục tiêu chống hạn, nhưng cuối cùng lại chậm tiến độ tới 3 lần. Bây giờ giả sử các cấp có thẩm quyền cho gia hạn, thì đến bao giờ xong công trình này?”.

Ấy vậy, sau 1 năm kể từ ngày lãnh đạo Ban Kinh tế - ngân sách HĐND tỉnh Đắk Nông bức xúc chất vấn, chủ đầu tư trễ hạn thêm 2 lần nữa, gây ra nhiều hệ lụy ám ảnh.

Theo báo cáo của Sở NN-PTNT, trên cơ sở nguồn vốn được T.Ư hỗ trợ (78 tỉ đồng), chủ đầu tư đã tổ chức thi công và nghiệm thu khối lượng của dự án, đến ngày 31.12.2021 đạt 100% nguồn vốn được bố trí. Tuy nhiên, trong quá trình thi công, do thay đổi biện pháp thi công để đảm bảo hoàn thành dự án, đã làm phát sinh thêm nguồn vốn đầu tư. Nguồn vốn phát sinh đã được HĐND tỉnh Đắk Nông thống nhất chủ trương bố trí trong năm 2022.

Như vậy, sau khi tiêu tốn hàng chục tỉ đồng, dự án này vừa không đạt được mục tiêu đầu tư, vừa gây hại đối với người dân không thể sản xuất ổn định như trước, mà còn “đội” giá thành đầu tư từ nguồn ngân sách.

Để làm rõ trách nhiệm và tiến độ công trình này, nhiều ngày qua PV Thanh Niên đã nhiều lần liên hệ với lãnh đạo UBND tỉnh Đắk Nông, cũng như các đơn vị liên quan để có câu trả lời thỏa đáng. Tuy nhiên, nhiều đơn vị né trách nhiệm trả lời.

Xã Quảng Hòa giáp với tỉnh Lâm Đồng, dân số xã này khoảng 7.000 người, là một trong những xã nghèo nhất tỉnh Đắk Nông. Người dân trong xã hầu hết là người đồng bào, sống dựa vào nông nghiệp.

Theo thống kê của xã Quảng Hòa, tỷ lệ hộ nghèo trong xã chiếm 62%, năm 2021 thu ngân sách tại xã chỉ khoảng hơn 200 triệu đồng. Trong khi đó, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh Đắk Nông năm 2021 cũng chỉ đạt khoảng 3.516 tỉ đồng.

Thanh tra chỉ ra nhiều vi phạm

Từ tháng 4.2021, Thanh Niên đã có nhiều bài viết phản ánh sự bất cập dai dẳng của thủy lợi Suối Đá.

Vừa qua, Thanh tra tỉnh Đắk Nông sau khi vào cuộc tranh tra, cũng đã chỉ ra nhiều vi phạm tại thủy lợi Suối Đá. Cụ thể là vi phạm trong quá trình khảo sát lập dự án, tư vấn thiết kế, lập thiết kế bản vẽ thi công các tuyến kênh… Các vi phạm này có liên quan đến chủ đầu tư, Công ty CP tư vấn đầu tư và xây dựng Anh Khoa (Nghệ An), Công ty CP đầu tư xây dựng Đường Việt.

Việc sử dụng kết quả khảo sát để thiết kế bản vẽ thi công cũng có nhiều sai phạm. Hệ lụy là phải điều chỉnh dự án đầu tư 2 lần, điều chỉnh thiết kế 3 lần…

Những công trình 'làm nghèo' đất nước

Cầu trăm tỉ hoang phế

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.