Người đàn bà 'điên' xây nhà gốc cây

Lê Vân
Lê Vân
11/02/2022 07:53 GMT+7

82 tuổi, kiến trúc sư Đặng Việt Nga vẫn đi trên đôi giày cao gót, đốc thúc thợ tiếp tục hoàn thiện ngôi nhà điên Crazy house nổi tiếng ở Đà Lạt - ngôi nhà suốt hơn 30 năm nay vẫn chưa xây xong.

Sự lộng lẫy của ngôi nhà rông bên trong biệt thự Crazy house (đường Huỳnh Thúc Kháng, P.3, Đà Lạt) như muốn “so kè” thời gian với tuổi tác cùng bà chủ biệt thự này. Ở tuổi 82, bà thoăn thoắt đi lên xuống những bậc thang hình xoắn ốc của ngôi nhà hình gốc cây kỳ lạ nhất Đà Lạt. Bà vẫn thích dạo một bản Romance khi có khách tới thăm và dẫn bạn bè đi tham quan ngôi nhà hình thù gốc cây kỳ quái của mình.

Bà Nga đang chỉ huy tốp thợ tiếp tục xây dựng ngôi nhà điên

Lê Vân

Mê xây nhà và đi giày cao gót

Bước vào Crazy house, một Đà Lạt cổ kính như được tô đậm thêm chất “cổ tích” giữa những ngày lạnh giá. Ngôi nhà rông Tây Nguyên - nơi bà Việt Nga ở, đặt một chiếc cồng có sẵn dùi thay cho chuông cửa khi khách ghé thăm. Hôm tôi ghé là một buổi chiều muộn cuối năm, từng tốp khách vẫn lặng lẽ đến tham quan Crazy house với vẻ thích thú. Một gia đình người Thụy Điển có cậu bé chừng 8 tuổi thoăn thoắt bám vào thành cây làm từ xi măng, leo lên những bậc thang vào các tòa nhà cây hình xoắn ốc. “Con trai tôi rất thích khi được khám phá những gốc cây trong hình thù hang đá hoặc ngôi nhà này”, người cha chia sẻ.

Cách đây hơn 30 năm, khi Đà Lạt còn hoang sơ vắng vẻ, bà Nga từ Hà Nội vào Đà Lạt làm ở Viện Thiết kế (thuộc Bộ Văn hóa ngày ấy) và được cơ quan cấp cho ở tạm trong một ngôi nhà kiểu Pháp cũ kỹ, dột nát, hư đâu bà sửa đó.

“Ngôi nhà điên ra đời vì sau khi đi xây cho người ta, kiến trúc của tôi bị phá hết. Cũng là lẽ thường thôi, nhưng tôi khao khát xây được một công trình cho riêng mình, đóng góp cho diện mạo Đà Lạt và nước mình nói chung. Khi những gốc cây đầu tiên thành hình, người ta gọi tôi là “bà điên xây nhà điên”. Và “điên” hơn là tôi cứ mải mê với việc xây những “gốc cây” suốt từng ấy năm đến giờ”, bà Nga tâm sự.

Crazy house được xây trên mảnh đất bà Nga đi thuê khoảng 1.000 m2. Lúc mới xây, bà kể phải đi vay ngân hàng, rồi sau “lấy nó nuôi nó”, bằng tiền khách tham quan. Bà cười: “Người ta bảo tôi chắc nhiều tiền lắm, nhưng trong két xưa nay chả có đồng nào, vì cứ có là tôi lại xây thêm, xây mới, rồi tu bổ”.

Ấn tượng đặc biệt của tôi về chủ ngôi nhà điên là đôi giày cao gót bà mang thường xuyên ở độ tuổi 82. Dáng nhỏ nhắn, bà chủ biệt thự Crazy house chăm chút cho những bộ trang phục từ chi tiết nhỏ như chiếc khăn choàng len, chiếc mũ phù hợp với bộ đầm dài phủ đôi giày cao gót.

Bà Nga trong ngôi nhà điên nổi tiếng Đà Lạt

LÊ VÂN

Bà Nga trong ngôi nhà điên nổi tiếng Đà Lạt

Càng làm càng khỏe

Biệt thự Crazy house hiện có tất cả bốn tòa nhà khác nhau nhưng chỉ có 10 phòng trong hai “gốc cây” là phòng nghỉ như khách sạn. Gốc cây thứ ba là nơi biểu diễn văn hóa, nhà hàng ăn uống, khu thủy cung tham quan. Trong tòa nhà có vườn địa đàng nơi có những gốc cây nối nhau với hình thù vách núi, bàn tay vấy máu vươn ra từ thác nước ám chỉ những ai gây tội ác sẽ bị nhốt trong thác nước ấy mãi mãi nên mới thò bàn tay vấy máu ra ngoài kêu cứu.

Ở tuổi 82, bà vẫn đam mê khiêu vũ, chơi đàn

Ở khu vườn thiên đàng, bà Nga không xây nhà mà chỉ có những vườn hoa, các tượng điêu khắc những nàng tiên bay trên những vườn hoa ấy. Hai tòa nhà sau là hang động, có nhũ đá như hóa thạch trong lòng núi đá. Tất cả công trình kiến trúc được thể hiện theo trí tưởng tượng của bà Nga về một thế giới nơi con người sống hòa mình với thiên nhiên, nương nhau mà sống.

Cách đây ba năm, tôi từng gặp bà, giờ đây bà đã 82 tuổi nhưng thời gian dường như bị bỏ quên bên ngoài ngôi nhà cây kỳ lạ này. Ở tuổi 70 - 80, làm cách nào để nữ kiến trúc sư của “Ngôi nhà điên” có thể giữ được phong độ và sức khỏe cho các kiến trúc của mình? Bà vui vẻ chia sẻ: “Tôi luôn sống cân bằng với mọi thứ, đam mê với những gì mỗi ngày mình trải qua. Có hai thứ gắn liền với cuộc đời tôi từ khi lên Đà Lạt, là những đôi giày cao gót và các công trình nhà cây mà tôi xây trong suốt 30 năm qua. Tôi càng làm càng khỏe”.

Muốn gửi nỗi niềm đến thế hệ sau

Những công trình đầu tiên mang dấu ấn của một nữ kiến trúc sư hiếm hoi ở VN khi ấy tại Đà Lạt là của bà Đặng Việt Nga, như công trình Cung thiếu nhi Đà Lạt, nhà thờ Liên Khương, nhà nghỉ sơn cước ở Hồ Xuân Hương… (đến nay chỉ còn nhà nghỉ hình cánh buồm hướng ra bờ hồ của nhà nghỉ Công Đoàn do bà thiết kế được giữ lại). Bà chia sẻ: “Với tôi, đam mê lớn nhất là được làm các công trình kiến trúc, được nhìn thấy những ngôi nhà của mình trường tồn cùng lịch sử và gửi gắm những nỗi niềm riêng - chung của đời sống này đến thế hệ mai sau”.

Tại sao làm nhà hình thù gốc cây? Bà Nga lý giải: “Vì con người đã tàn phá thiên nhiên quá nhiều, giờ phải nương tựa vào thiên nhiên, bảo vệ nó. Tôi làm ra các gốc cây để gửi đi thông điệp con người có thể sống trong lòng gốc cây, chan hòa cùng thiên nhiên như tất cả sinh vật sống khác trên đời này”.

Hôm tôi đến thăm, bà Nga cũng vừa bắt đầu kế hoạch cho năm 2022 với một công trình mới trên cao vì… hết đất rồi. Vậy là từ 1.000 m2 ban đầu khi mới lên Đà Lạt, bà dần xây dựng và mở rộng bằng chính việc kinh doanh tham quan, nghỉ dưỡng ở biệt thự Crazy house. Đến nay khu biệt thự đã mở rộng tới hơn 4.000m2 thì… hết đất xây. Tuy nhiên, bà Nga tiếp tục đam mê thiết kế kiến trúc bằng những công trình trên cao như tượng điêu khắc các thông điệp về mỗi quan hệ nhân - quả của con người với thiên nhiên. Bà Nga cho hay năm tới sẽ làm thêm bức tượng con người bắt tay với gốc cây. Kế hoạch cho công trình này của bà sẽ xong trong 1 năm nữa nếu dịch Covid-19 tạm lắng xuống, khi bà bước sang tuổi 83. Hiện tại, con trai lớn của bà Nga đang coi việc kinh doanh, còn bà vẫn lo xây mới và tu bổ Crazy house. “Tôi cứ muốn làm hoài cho ngôi nhà có sức sống, như ý tưởng thiên nhiên phải luôn được vẫy vùng, được thở và sống như chính con người”, bà Nga nói.

(còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.