Rừng pơ mu biến mất
Đứng trên mỏm đá ở đỉnh ngọn đồi thuộc bản Huồi Giảng 3 (xã Tây Sơn, H.Kỳ Sơn, Nghệ An), nhìn xa xa về hướng tây nam là dãy núi Pu Lon cao ngất, ông Vừ Rả Tênh, Bí thư Đảng ủy xã Tây Sơn, chỉ tay nói ở đó trước từng là những cánh rừng pơ mu và sa mu cổ thụ. Năm 1992, một đơn vị khai thác lâm nghiệp được phép vào khai thác gỗ. Trong 3 năm trời, họ đã đốn hạ rất nhiều gỗ pơ mu để chở đi, từ cây hàng trăm năm tuổi đến cây mới bốn năm chục năm tuổi, khiến cánh rừng pơ mu ấy bị cạn kiệt.
Cụ Vừ Pà Rê, bố ông Tênh, nguyên Phó chủ tịch UBND xã Tây Sơn (nghỉ hưu năm 1988), nhìn cánh rừng pơ mu đã biến mất mà tiếc nuối. “Bố bảo đó là cánh rừng pơ mu, sa mu rất quý. Giờ họ chặt hết rồi, sau này con cháu mình sẽ không còn biết đến cây pơ mu, sa mu nữa. Rồi bố nói bố con mình phải trồng lại rừng thôi”, ông Tênh kể.
Một cây pơ mu có đường kính hơn 40 cm trong khu rừng của bố con cụ Vừ Pà Rê |
Năm 1996, cụ Rê vào nơi cánh rừng pơ mu đã bị đốn hạ, tìm cây pơ mu con về trồng trên những quả đồi ở gần bản. Rồi cụ rủ thêm các con cùng đi. Ông Tênh là con thứ 4 của cụ Rê, lúc đó vừa đi nghĩa vụ quân sự về, cũng hăng hái theo cha lên rừng. Ông Tênh kể: “Bố con chúng tôi đùm cơm nắm vào rừng tìm cây. Sáng sớm đi, gần trưa mới đến được khu rừng có pơ mu. Vài ngày sau mới về nhưng mỗi người cũng chỉ tìm được vài ba chục cây pơ mu, sa mu cao chỉ vài gang tay”.
Những cây pơ mu, sa mu con tìm được, cha con cụ Rê đem về đào hố trồng trên các quả đồi ở gần bản Huồi Giảng 3. Những quả đồi này đã bị dân bản “cạo trọc” để làm rẫy, nhưng sau đó bỏ hoang vì đất không còn dinh dưỡng.
Một hôm, cụ Rê đến gặp ông Vừ Chông Pao để tâm sự chuyện gây dựng lại rừng pơ mu. Ông Pao nguyên là Chủ tịch UBND H.Kỳ Sơn suốt 20 năm (từ năm 1969 - 1989), đại biểu Quốc hội khóa 8 và là một thủ lĩnh nổi tiếng của người Mông. Nghe cụ Rê trình bày, ông Pao rất vui, bảo phải đưa dự án trồng rừng 327 về xã, để bà con cùng chung tay trồng lại rừng.
Nhưng việc trồng rừng cách đây 25 năm không phải là chuyện dễ. “Dự án về xã, nhà nước hỗ trợ tiền công trồng, bố tôi đi vận động bà con cùng tìm cây pơ mu, sa mu nhưng họ nói trồng cây nhỏ xíu như vậy thì đến lúc nào mới cho gỗ, nên không ai trồng”, ông Vừ Giống Phử, con trai thứ 5 của cụ Rê, kể. “Không ai trồng thì mình phải trồng thôi”, cụ Rê nói với 6 người con trai và cha con cụ tiếp tục lên rừng tìm cây pơ mu về, đào hố trồng.
Khi việc tìm cây pơ mu con trở nên khó khăn, cụ Rê nghĩ đến việc tự nhân giống. Cụ lên rừng tìm quả pơ mu nhỏ bằng lóng tay cái đem về phơi khô rồi tách hạt để ươm. Mỗi quả có 5 - 10 hạt, nhỏ hơn hạt gạo. Mất khoảng vài tháng, những hạt pơ mu mới nảy mầm và nhiều tháng sau cây cao khoảng 20 - 30 cm. Cụ Rê và các con rất phấn khởi, đem cây đi trồng tại những cánh rừng trọc ở xã Tây Sơn, hết đồi này đến đồi khác.
Ba trong số 6 người con của cụ Vừ Pà Rê |
Những cánh rừng cho đời sau
Ba người con của cụ Rê dẫn tôi lên khu rừng pơ mu do cụ và các con trồng năm 1996. Trong cái se lạnh của buổi sáng cuối năm, đi dưới tán cây, mùi thơm đặc trưng của tinh dầu pơ mu tỏa ra rất dễ chịu. Hàng ngàn cây pơ mu, sa mu đường kính 30 - 40 cm vươn lên thẳng tắp, xanh ngát. Ông Tênh kể hồi mới trồng, bố Rê bảo phải trồng dày để đề phòng cây bị chết thì còn cây khác. Nhờ được bảo vệ tốt nên tỷ lệ cây sống khoảng 80%, bây giờ một số vị trí cây khá dày nên phát triển chậm hơn.
Khu rừng này nằm sát khu dân cư bản Huồi Giảng 3, đỉnh đồi là khu vực thoai thoải, khá rộng và từ 5 năm qua được giới trẻ trong huyện chọn làm điểm dã ngoại. Ông Tênh bảo hồi mới trồng khu rừng pơ mu, cụ Rê nói khu này sẽ thành điểm du lịch. “Bố tôi mất năm 2010. Sau đó, đúng như bố tôi dự tính, vào mùa hè, ngày nào cũng có nhiều đoàn từ ngoài thị trấn và H.Tương Dương đến đây dã ngoại. Ở đây, mùa hè cũng mát rượi”, ông Tênh nói.
Một khu rừng pơ mu ở gần bản Huồi Giảng 3 do bố con cụ Vừ Pà Rê trồng năm 1996 |
K.HOAN |
Năm 2020, các con cụ Rê bỏ tiền thuê máy múc mở rộng con đường từ dưới chân núi lên khu vực này. Ban Quản lý bản Huồi Giảng 3 cũng hỗ trợ, lắp một số ghế ngồi, xích đu để làm điểm du lịch sinh thái. “Chúng tôi không nhằm thu tiền người đến dã ngoại mà muốn nhiều người tìm đến đây để họ thấy giá trị của rừng và có ý thức bảo vệ rừng”, ông Tênh chia sẻ.
Ông Tênh kể sau khi cùng các con trồng được gần 31 ha rừng pơ mu, cụ Rê vận động người dân trong xã cùng trồng. Cụ bảo chỗ nào rừng đã bị phá để làm rẫy thì bà con phải trồng pơ mu vào để gây rừng, giữ đất, cây giống sẽ được cụ cung cấp, vừa bán vừa cho. Nhờ có dự án 327 hỗ trợ tiền trồng rừng nên một số người dân cũng trồng theo ở các khu rừng đã bị phá. Đến nay, xã Tây Sơn đã phục hồi được 68,7 ha rừng pơ mu và sa mu, trong đó bố con cụ Rê đã trồng 31 ha trong các năm 1996 - 1998. Đây là những khu rừng rất có giá trị phòng hộ đầu nguồn.
Dẫn tôi lên khu rừng 5 ha do chính tay mình trồng từ 23 năm trước, ông Tênh bảo khu này được trồng hoàn toàn từ cây giống do bố ông ươm.
Pơ mu hiện đã có đường kính 40 - 50 cm, những cây lớn đã có thể lấy gỗ nhưng ông Tênh nói mục đích của bố con ông là trồng cho đời con, đời cháu. “Gỗ pơ mu rất tốt, mùi thơm đặc trưng, vân gỗ đẹp và không bị mối mọt nên rất được ưa chuộng để làm đồ gia dụng. Giá bán bây giờ tầm 30 triệu đồng/m³. Sa mu thì gỗ mềm, ít giá trị hơn nhưng dùng để lợp nhà thì một trăm năm sau cũng chưa hỏng”, ông Tênh nói. Cây pơ mu đã được đưa vào Sách đỏ VN từ năm 1996 để bảo vệ.
Đến nay, hai người con của cụ Rê là ông Vừ Xái Chù và Vừ Giống Phử đang nối tiếp công việc của bố mình để nhân giống pơ mu và sa mu. Ông Phử bảo ai mua thì bán, ai xin cũng cho, cứ mong họ trồng được càng nhiều pơ mu càng tốt.
Bình luận (0)