Chợ thành nhà kho, sân phơi
Chợ Mỹ Quang tại thôn Trung Thành 1, xã Mỹ Quang (H.Phù Mỹ) được xây dựng vào năm 2013 trên khu đất rộng khoảng 1 ha, tổng vốn đầu tư gần 2 tỉ đồng. Chợ này gồm các hạng mục như khu chợ ngoài trời, khu nhà lồng rộng 500 m2, khu nhà vệ sinh, nhà bảo vệ… Tuy nhiên, do bỏ hoang suốt nhiều năm liền nên hầu hết các hạng mục bị xuống cấp, hư hỏng nặng và rơi vào cảnh hoang phế.
Hiện mặt bằng ngoài trời của chợ được một số người tận dụng phơi nông sản, tập kết vật liệu xây dựng, đậu ô tô, thậm chí còn bị đào bới nham nhở. Bên trong khu nhà lồng của chợ Mỹ Quang biến thành nơi đậu ô tô, chứa củi và nhiều vật dụng khác. Trong khi đó, một số hộ dân trước cổng chợ tổ chức các gian hàng bán rau, thịt… lại có nhiều người đến mua.
Chợ Mỹ Quang bỏ hoang từ năm 2014 đến nay |
HOÀNG TRỌNG |
Theo ông Bùi Hữu Thừa (65 tuổi, ở thôn Trung Thành 1), khi hoàn thành vào năm 2014, chợ Mỹ Quang chỉ có vài tiểu thương buôn bán được một hai hôm rồi bỏ đi vì ế. Từ đó, chợ Mỹ Quang dừng hoạt động mãi đến nay. “Chợ huyện Phù Mỹ hoạt động lâu rồi, buôn bán thịnh vượng, lại cách chợ Mỹ Quang chưa đến 2 km nên người ta lên đó mua bán gì cũng tiện. Xây chợ mà không tính đến nhu cầu của người dân rồi bỏ không, tốn đất lại tốn tiền ngân sách. Nhìn cảnh chợ hoang phế mà xót xa về tình trạng lãng phí của công”, ông Thừa nói.
Ông Nguyễn Thế Dương, Chủ tịch UBND xã Mỹ Quang, thừa nhận việc xây dựng chợ Mỹ Quang nhưng không hoạt động là sự lãng phí lớn. Nguyên nhân là do xã Mỹ Quang ở gần thị trấn Phù Mỹ (H.Phù Mỹ), người dân có nhu cầu buôn bán đều tập trung về chợ Phù Mỹ nên chợ Mỹ Quang không thể tổ chức nhóm họp. “Ngày xưa xây chợ Mỹ Quang nhằm đáp ứng tiêu chí xã nông thôn mới, nhưng giờ người dân không chịu vào buôn bán. Sắp tới, chúng tôi sẽ làm công văn đề nghị huyện, tỉnh cho chuyển đổi công năng để tránh lãng phí, có thể là làm khu thể thao tổng hợp của xã”, ông Dương cho biết.
Quá lãng phí
Không riêng chợ Mỹ Quang, một số chợ khác trên địa bàn tỉnh Bình Định được xây dựng để đáp ứng tiêu chí nông thôn mới, nhưng xây xong rồi không hoạt động hoặc hoạt động không hết công năng.
Năm 2010, UBND xã Mỹ Lộc (H.Phù Mỹ) đầu tư xây dựng chợ Vạn Phú (thuộc thôn Vạn Phú, xã Mỹ Lộc) trên khu đất rộng chừng 1.000 m2 nằm ngay mặt tiền QL1, gồm khu mặt bằng bên ngoài và khu nhà lồng được xây dựng kiên cố, với tổng kinh phí trên 250 triệu đồng. Tuy nhiên, suốt nhiều năm qua, mặt bằng bên trong khu nhà lồng được một số người dân tận dụng làm nơi chất củi và một số vật dụng khác.
Theo ông Phan Văn Nhanh, Chủ tịch UBND xã Mỹ Lộc, chợ Vạn Phú được đầu tư xây dựng trong chương trình nông thôn mới tại địa phương nhưng không thu hút được người dân, tiểu thương vào buôn bán, họp chợ. Chính quyền địa phương đã tìm nhiều cách nhưng không thể tổ chức cho chợ hoạt động như mục đích ban đầu đề ra. Gần đây, do dịch Covid-19 nên UBND xã đã dừng hoạt động chợ này. “Sắp đến, chúng tôi sẽ thành lập ban quản lý chợ, kêu gọi người dân, tiểu thương vào chợ Vạn Phú để buôn bán trở lại”, ông Nhanh nói.
Chung “thảm cảnh” tương tự, chợ Mỹ Chánh Tây (ở thôn Trung Thuận, xã Mỹ Chánh Tây, H.Phù Mỹ) được xây dựng vào năm 2009 với kinh phí khoảng 2,5 tỉ đồng, nhưng có ít người dân đến buôn bán, mặt bằng bên ngoài chợ được tận dụng để phơi ớt, nông sản… Hay chợ Mỹ Hòa (xã Mỹ Hòa, H.Phù Mỹ) được xây dựng vào năm 2002 với tổng vốn đầu tư hơn 500 triệu đồng cũng hoạt động èo uột.
Lãnh đạo các xã có tình trạng “chợ xây xong rồi bỏ hoang” cho rằng chợ ở nông thôn có khu nhà lồng nhưng chưa khai thác hết công năng là rất lãng phí, địa phương cũng thất thu khoản phí cho thuê mặt bằng. Tuy nhiên, do đặc thù chợ nông thôn, người dân thích buôn bán bên ngoài cho tiện nên chính quyền rất khó yêu cầu tiểu thương vào khu nhà lồng.
Trả lời Thanh Niên, ông Lê Văn Lịch, Chủ tịch UBND H.Phù Mỹ, cũng thừa nhận: “Các chợ xây xong rồi bỏ hoang là quá lãng phí”. Ông Lịch cho biết, UBND H.Phù Mỹ đã giao Phòng Kinh tế - hạ tầng huyện khảo sát, đề xuất giải pháp để sử dụng các chợ, tránh lãng phí kéo dài.
Những công trình 'làm nghèo' đất nước
Bình luận (0)