Những cột mốc quan trọng của triều đại Quốc vương Bhumibol Adulyadej

13/10/2016 22:54 GMT+7

Quốc vương Thái Lan Bhumibol Adulyadej, vị vua trị vì lâu nhất thế giới, từ trần vào chiều ngày 13.10 ở tuổi 89, để lại di sản nền dân chủ ở đất nước Thái Lan.

Quốc vương Bhumibol Adulyadej từ trần sau thời gian dài chống chọi với bệnh tật và trải qua những năm cuối đời ở bệnh viện, theo AFP.
Dưới đây là một số cột mốc quan trong cuộc đời vị vua trị vì Thái Lan suốt 7 thập niên qua:
Ngày 9.6.1946: Quốc vương Bhumibol được đưa lên ngôi ở tuổi 18 sau khi anh trai của ông bị bắn chết một cách bí ẩn tại Cung điện Hoàng gia ở thủ đô Bangkok.
Ngày 5.5.1950: Sau khi tốt nghiệp đại học ở Thụy Sĩ, Quốc vương Bhumibol trở về Thái Lan, chính thức lên ngôi, trị vì đất nước một tuần sau khi kết hôn với Nữ hoàng Sirikit. Ông trở thành Vua Rama IX của Vương triều Chakri.
Tháng 10.1973: Nhiều người bị giết khi chính quyền quân đội Thái Lan đàn áp các cuộc biểu tình. Quốc vương Bhumibol lần đầu tiên can thiệp vào chính trị, yêu cầu Thủ tướng đương nhiệm rời khỏi đất nước và sau đó bổ nhiệm Thủ tướng mới, từ đó dẫn đến hình thành chế độ dân chủ.
Người dân Thái Lan mang ảnh Quốc vương Bhumibol Adulyadej trước Bệnh viện Siriraj tại thủ đô Bangkok ngày 13.10.2016 Reuters
Tháng 10.1976: Hàng chục sinh viên biểu tình bị giết sau khi cảnh sát và quân đội đàn áp cuộc biểu tình phản đối sự trở về của vị Thủ tướng lưu vong. Vụ thảm sát dẫn đến một cuộc đảo chính, lật đổ chính quyền dân chủ và quân đội trở lại nắm quyền. Quốc vương Bhumibol sau đó chấp thuận vụ đảo chính.
Tháng 5.1992: Hàng trăm ngàn người biểu tình đòi dân chủ xuống đường ở khắp Bangkok đòi quay lại chế độ chính quyền dân sự. Hàng chục người thiệt mạng trong “Tháng 5 Đen” sau khi Tướng Suchinda Kraprayoon tự phong làm Thủ tướng Thái Lan mà không thông qua bầu cử.
Quốc vương Bhumibol đã triệu tập Tướng Suchinda và một vị lãnh đạo phong trào ủng hộ dân chủ, thảo luận với họ nhằm hòa giải hai bên. Những vụ đàn áp, giết chóc chấm dứt và Tướng Suchinda đồng ý từ chức.
Ngày 11.10.1997: Quốc vương Bhumibol ký hiến chương số 16 thành luật, được mệnh danh là “Hiến pháp Nhân dân”. Hiến pháp Nhân dân là một bước tiến lớn dẫn đến cải cách chính trị và đảm bảo nền dân chủ ở Thái Lan.
Tháng 4.2006: Sau nhiều tháng biểu tình, Thái Lan tiến hành bầu cử không có kết quả cuối cùng, làm tê liệt chính quyền Thủ tướng Thaksin Shinawatra. Giữa lúc Thái Lan lâm vào tình trạng bế tắc chính trị, Quốc vương Bhumibol trong bài phát biểu phát sóng trên truyền hình đã chỉ trích Tòa án Tối cao Thái Lan không có hành động kịp thời. Và chỉ trong vòng vài ngày sau đó, Thái Lan tổ chức lại cuộc bầu cử mới.
Ngày 19.9.2006: Một vụ đảo chính không đổ máu lật đổ Thủ tướng Thaksin khi ông đang tham gia cuộc họp tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc. Vài giờ sau vụ đảo chính, Tướng Sonthi Boonyaratglin, đứng đầu cuộc đảo chính, đến gặp Quốc vương Bhumibol.
Vụ đảo chính này đã kích ngòi làn sóng biểu tình kéo dài nhiều năm ở Thái Lan, vốn bị chia rẽ giữa những người ủng hộ ông Thaksin (đa số là những người từ vùng nông thôn phía bắc và đông bắc Thái Lan) và phe phản đối ông Thaksin .
Tháng 8.2009: Trong một bài phát biểu phát sóng trên truyền hình và đài phát thanh quốc gia Thái Lan, Quốc vương Bhumibol cảnh báo Thái Lan sẽ sụp đổ nếu các phe chính trị không đoàn kết.
Tháng 9.2009: Quốc vương Bhumibol được đưa vào Bệnh viện Siriraj ở thủ đô Bangkok và được các bác sĩ chẩn đoán bị nhiễm trùng phổi. Hàng ngàn người đã đến bệnh viện này để ký tên, viết vài dòng trong một quyển sách để chúc sức khỏe vị vua đáng kính này.
Quốc vương Bhumibol Adulyadej trong buổi đọc tuyên bố thành lập Quốc hội mới vào năm 1995 Reuters
Tháng 4-5.2010: Quốc vương Bhumibol giữ im lặng trong vụ quân đội đàn áp những người biểu tình ủng hộ Thaksin (hay còn gọi là phe Áo Đỏ), khiến trên 90 người chết và hàng trăm người bị thương.
Tháng 8.2013: Quốc vương Bhumibol xuất viện, cùng Nữ hoàng Sirikit chuyển đến sống ở một cung điện ven biển ở thị trấn Hua Hin.
Tháng 12.2013: Quốc vương Bhumibol kêu gọi đất nước đoàn kết vì “ổn định” sau nhiều ngày đụng độ giữa các nhóm biểu tình nhằm lật đổ chính quyền Thủ tướng Yingluck Shinawatra, em gái của ông Thaksin.
Ngày 22.5.2014: Quân đội Thái Lan lên nắm quyền.
Tháng 8.2014: Quốc vương Bhumibol phải nhập viện và kể từ đó phải nằm ở bệnh viện Siriraj (Bangkok) để điều trị.
Tháng 10.2014: Các bác sĩ phẫu thuật cắt bỏ túi mật của Quốc vương Bhumibol.
Ngày 5.5.2015: Trong lần xuất hiện hiếm hoi trước công chúng ở thủ đô Bangkok, Quốc vương Bhumibol tham dự lễ kỷ niệm lần thứ 65 ngày ông chính thức lên ngôi.
Quốc vương Bhumibol Adulyadej và Nữ hoàng Sirikit vẫy tay chào người dân trong buổi lễ kỷ niệm ngày ông lên ngôi, ảnh chụp vào năm 2006 Reuters
Ngày 11.8.2015: Quốc vương Bhumibol phải điều trị tràn dịch não và nhiễm trùng lồng ngực, nhưng sau đó sức khỏe ông hồi phục.
Ngày 15.12.2015: Hoàng gia Thái Lan công bố đoạn video cho thấy Quốc vương Bhumibol tiến hành lễ tuyên thệ nhậm chức cho một nhóm các vị thẩm phán ngay tại bệnh viện.
Ngày 7.6.2016: Quốc vương Bhumibol phải mổ tim để chữa trị bệnh hẹp động mạch vành, Hoàng gia Thái Lan thông báo.
Ngày 9.6.2016: Thái Lan kỷ niệm 70 năm ngày Quốc vương Bhumibol lên ngôi.
Ngày 3.9.2016: Hoàng gia Thái Lan thông báo Quốc vương Bhumibol đang điều trị nhiễm trùng máu “nghiêm trọng”.
Ngày 9.10.2016: Các bác sĩ điều trị cho Quốc vương Bhumibol nói tình hình sức khỏe của ông không ổn định. Đám đông người dân ngay lập tức tập trung bên ngoài bệnh viện ở Bangkok để cầu nguyện cho ông lành bệnh.
Ngày 13.10.2016: Hoàng gia Thái Lan thông báo Quốc vương Bhumibol từ trần vào lúc lúc 15 giờ 52 chiều 13.10, hưởng họ 89 tuổi.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.