Những đấu trường thể thao khắc nghiệt: 'Hành xác' giữa sa mạc Sahara

06/02/2017 10:47 GMT+7

Marathon des Sables được xem là cuộc thi chạy khắc nghiệt nhất trái đất, khi người tham gia phải trải qua 7 ngày dài “hành xác” trên sa mạc Sahara dưới cái nắng thiêu đốt, chống chọi với bão cát, vượt qua những đụn cát khổng lồ...

Marathon des Sables (cuộc thi marathon trên cát) được xem là đứa con tinh thần của nhà hòa nhạc người Pháp Patrick Bauer. Năm 1984, người đàn ông này quyết định một mình băng qua sa mạc Sahara bằng chân. Suốt 12 ngày trên sa mạc, vượt qua quãng đường dài 350 km, ông Bauer đã nếm trải những sự khắc nghiệt mà không hề gặp một “ốc đảo” hay cộng đồng dân cư nào ngoài những đụn cát mênh mông. Hai năm sau, từ cảm hứng của Bauer, cuộc thi Marathon des Sables (MDS) được hình thành, duy trì tổ chức vào tháng 4 hằng năm cho đến nay trên sa mạc Sahara thuộc miền nam Ma Rốc và trở thành cuộc đua thể thao bằng chân khắc nghiệt nhất trái đất.
7 ngày gian khổ
Những người tranh tài tại Marathon des Sables phải vượt qua quãng đường hơn 250 km (chia thành 7 ngày thi, trong đó được nghỉ dưỡng sức vào ngày thứ 5) trên vùng sa mạc Sahara giữa Ouarzazate và Merzouga. MDS mở rộng cho mọi người ở tất cả lĩnh vực tham gia, từ cá nhân, tập thể, VĐV nghiệp dư lẫn chuyên nghiệp. Những người tham gia được mang theo mọi thứ trong ba lô nặng từ 6 - 15 kg (bao gồm lương thực, áo quần, túi ngủ và thuốc chống nọc độc bò cạp), ngoại trừ lều và nước uống được ban tổ chức cung cấp. Mỗi ngày thi bắt đầu từ sáng sớm và nghỉ đêm giữa sa mạc.
Các VĐV được chữa trị bàn chân sau mỗi vòng thi AFP
Theo ghi chép nhật ký của hầu hết người tham gia, sau chặng đua ngày đầu tiên (dài 33,8 km) gần như bàn chân của tất cả VĐV đều phồng rộp, rướm máu, đau khớp đầu gối; sang ngày thứ 2 (38,5 km) thì ngón chân bị nhiễm bệnh, rồi kiệt sức do mất nhiều nước từ ngày ngày thứ 3 (35 km), ngày thứ 4 (81,5 km), ngày thứ 6 (42,2 km) và vượt qua 15,5 km ở ngày thi cuối cùng. Theo tờ Guardian, những cảnh tượng người thi ngất xỉu do mất nước và kiệt sức, thậm chí dừng cuộc thi trong cảnh tuyệt vọng... vẫn thường xuyên xảy ra ở những cuộc thi hằng năm. Trong đó, câu chuyện thoát khỏi lưỡi hái tử thần kỳ diệu của sĩ quan cảnh sát người Ý Mauro Prosperi đã cho thấy MDS là cuộc thi khắc nghiệt nhất trái đất.
Sống sót kỳ diệu
Prosperi sinh năm 1955 tại Rome và đăng ký tranh tại MDS năm 1994. Năm ấy, khi đang tranh tài ở ngày thứ 6, một trận bão cát dữ dội đã tách Prosperi khỏi người em họ rồi mất phương hướng. Ông đi mãi, đi mãi nhưng thay vì kết thúc, vị sĩ quan đã đi lệch vài trăm ki lô mét về hướng đất nước Algeria. Sau 24 giờ, Prosperi không còn thực phẩm và nước trước khi đến một ngôi đền Hồi giáo bị bỏ hoang giữa sa mạc, trong đó có xác chết của một người đàn ông. Trong lúc chờ đội cứu hộ, Prosperi giải cơn khát và đói bằng việc uống nước tiểu của mình, rồi uống máu, ăn ruột con dơi. Chờ mãi không thấy máy bay cứu hộ bay qua, trong cảnh tuyệt vọng, sĩ quan người Ý nghĩ đến ý định tử tự khi rạch cổ tay bằng con dao nhỏ đem theo. Thế nhưng, việc tự tử bất thành vì máu bị đông cứng do cơ thể thiếu nước trầm trọng.
Hiểm họa bão cát sa mạc AFP
Cũng từ giây phút ấy, Prosperi dần lấy lại bình tĩnh và nhớ lại lời khuyên của một người thuộc dân tộc Tuareg sinh sống ở Sahara. Ông bắt đầu đi về hướng những đám mây vào sáng sớm. Để sống sót trên sa mạc mênh mông, Prosperi ăn các loài bò sát, côn trùng, xương rồng... trên đường đi trước khi té ngã vì kiệt sức. May thay, vào đúng thời điểm đối mặt với cái chết, một cô bé chăn dê đã nhìn thấy Prosperi. Sau 9 ngày một mình trên sa mạc với hành trình tuyệt vọng 286 km, vị sĩ quan được cứu sống sau khi đưa đến một trại quân đội Algeria.
Hành trình thoát khỏi địa ngục đã giúp Prosperi trở thành người nổi tiếng khắp thế giới khi câu chuyện sống sót kỳ diệu giữa sa mạc Sahara được dựng lại trong các phim tư liệu thám hiểm. Năm 1998, ông trở lại tranh tài tại MDS nhưng bỏ cuộc do một ngón chân bị chấn thương nặng. 14 năm sau, Prosperi một lần nữa thử sức cuộc thi chạy trên cát khắc nghiệt và hoàn thành với thời gian 35,5 giờ.
Bất chấp những hiểm họa kiểu như vị sĩ quan người Ý, cuộc thi MDS vẫn thu hút sự tham gia đông đảo. Trải qua hơn 3 thập niên từ cuộc thi đầu tiên vào năm 1986 với 23 người thi, đến nay đã có tổng cộng hơn 14.000 VĐV nam, nữ đăng ký tham gia, trong đó năm 2009 có gần 1.400 phụ nữ tranh tài. Trải nghiệm của cuộc thi chạy trên cát sa mạc Sahara được Meghan Hicks, biên tập viên một tờ báo Mỹ và là người đang giữ kỷ lục thành tích tốt nhất lịch sử MDS ở nội dung nữ (kết thúc ở vị trí 17 tổng thể vào năm 2013), chia sẻ: “Tôi muốn đánh bại những con lạc đà. Theo tôi, điều tốt nhất của MDS là kết nối những tình bạn, sự đoàn kết, vượt qua sự khác biệt về ngôn ngữ, giới tính hay quốc tịch”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.