Đây là thông tin được Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB-XH) cho biết ngày 9.3.
Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, năm 2023, Bộ LĐ-TB-XH tiếp tục tạm dừng Chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài (EPS) đợt 1 đối với 8 huyện, thị xã, thành phố của 4 tỉnh do không giảm được tỷ lệ lao động hết hạn hợp đồng nhưng chưa về nước.
Các địa phương bị tạm dừng gồm: H.Nghi Xuân, H.Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh); TP.Chí Linh (Hải Dương); TX.Cửa Lò, H.Nghi Lộc, H.Hưng Nguyên (Nghệ An); H.Đông Sơn, H.Hoằng Hóa (Thanh Hóa).
Theo Bộ LĐ-TB-XH, việc tạm dừng tuyển chọn lao động tại một số địa phương căn cứ theo Bản ghi nhớ về Chương trình EPS với Hàn Quốc và mục tiêu, lộ trình giảm lao động cư trú bất hợp pháp giai đoạn 2020 - 2022.
Việc tạm dừng tuyển lao động áp dụng với các quận, huyện có số lượng lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc từ 70 người trở lên và tỷ lệ lao động hết hạn hợp đồng không về nước đúng thời hạn từ 27% trở lên.
"Việc tạm dừng tuyển chọn lao động không áp dụng đối với người lao động đăng ký dự tuyển ngành ngư nghiệp, người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS về nước đúng thời hạn và người lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc đã tự nguyện về nước trong khoảng thời gian phía Hàn Quốc thực hiện miễn xử phạt", đại diện Cục Quản lý lao động ngoài nước nhấn mạnh.
Bộ LĐ-TB-XH đề nghị các UBND cấp tỉnh tiếp tục tuyên truyền, vận động người lao động về nước đúng thời hạn hợp đồng và lao động đang cư trú bất hợp pháp về nước. Việc áp dụng biện pháp tạm dừng tuyển chọn tại các địa phương sẽ căn cứ vào tỷ lệ và số lượng lao động của các địa phương cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc.
Hải Dương, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh luôn bị "tuýt còi"
So với năm 2019, danh sách các huyện, thị bị dừng tuyển đã giảm từ 40 đơn vị tại 10 địa phương xuống còn 8 huyện, thị xã. Tuy nhiên, so với năm 2022, danh sách này không giảm. Trong khi nhiều địa phương đã giảm tỷ lệ lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc thì 4 tỉnh là Hải Dương, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh những năm gần đây luôn nằm trong danh sách bị cơ quan chức năng "tuýt còi" vì có nhiều người không về nước đúng thời hạn.
Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, từ năm 1992 đến nay, có trên 120.000 lượt lao động sang Hàn Quốc làm việc (khoảng 90% lao động đang làm việc theo chương trình EPS). Đến nay, gần 50.000 lao động Việt Nam đang làm việc tại Hàn Quốc, chủ yếu trong lĩnh vực điện tử, công nghệ thông tin, hàn, cơ khí, vận hành máy, nông nghiệp và ngư nghiệp, thông qua nhiều hình thức.
Những lao động đang cư trú và làm việc dài hạn tại Hàn Quốc (trên 5 năm) có mức lương từ 2.000 - 2.500 USD/tháng, tương đương 47 - 60 triệu đồng/tháng.
Bình luận (0)