Những điểm chính trong đàm phán Nga - Ukraine

31/03/2022 05:31 GMT+7

Sau cuộc xung đột đã kéo dài hơn 1 tháng, Ukraine công bố văn bản đề xuất những yêu cầu của nước này trong hiệp ước hòa bình.

Ngày 29.3, vòng đàm phán hòa bình mới nhất giữa Nga và Ukraine diễn ra tại Thổ Nhĩ Kỳ, với kết quả theo trưởng nhóm đàm phán Nga Vladimir Medinsky đánh giá là “thực chất".

Kyiv đã công bố văn bản đề xuất về hiệp ước hòa bình giữa Nga và Ukraine. Hiện tại đề xuất của Ukraine sẽ được chuyển đến Tổng thống Nga Vladimir Putin để xem xét.

Sau đây là những điểm nhấn quan trọng của vòng đàm phán mới nhất giữa Nga và Ukraine.

Nga thu hẹp quy mô hoạt động quân sự

Theo Bộ Quốc phòng Nga, hiệu quả thực tế tức thì của cuộc đàm phán là giảm leo thang các hoạt động quân sự ở một số khu vực tại Ukraine.

Đặc biệt, Nga cam kết giảm “đáng kể” hoạt động quân sự ở gần thành phố Chernihiv và thủ đô Kyiv của Ukraine.

Nga hứa giảm quy mô hoạt động quân sự gần Kyiv, bắc Ukraine

Đảm bảo an ninh cho Ukraine

Nhà đàm phán David Arakhamia của Ukraine cho biết Kyiv mong muốn được đảm bảo an ninh tương tự như Điều 5 của NATO, tức điều khoản về nghĩa vụ phòng thủ chung.

Theo ông Arakhamia, các quốc gia có thể cung cấp đảm bảo an ninh cho Ukraine bao gồm Israel, Thổ Nhĩ Kỳ và Pháp. Các nước Nga, Anh, Trung Quốc, Mỹ, Canada, Ý, Ba Lan cũng được nêu tên. Trong số này, một số nước đã đồng ý sơ bộ.

Ukraine trung lập

Ông Medinsky cho biết theo đề xuất, Ukraine cam kết không tham gia bất cứ liên minh quân sự nào, không đặt căn cứ quân sự của nước ngoài và không cho phép quân đội nước ngoài triển khai tại đây.

Ngay cả các cuộc tập trận cũng phải được các quốc gia đảm bảo an ninh thông qua trước.

Kyiv cũng cam kết không theo đuổi vũ khí hủy diệt hàng loạt, trong đó có vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, đổi lại Ukraine muốn Nga không phản đối việc sẽ có thể gia nhập EU trong tương lai.

Vấn đề Crimea, Donbass chưa được giải quyết

Theo ông Medinsky, Kyiv đề nghị tạm hoãn 15 năm đối với tình trạng của Crimea. Theo đó, số phận của khu vực này sẽ được thương lượng và 2 bên cam kết không sử dụng vũ lực quân sự để giải quyết vấn đề.

Tuy nhiên, Nga đang giữ quan điểm Crimea là một phần lãnh thổ của nước này và yêu cầu Kyiv cũng công nhận tương tự.

Phái đoàn Nga cho biết Ukraine muốn đưa nhiều phần ở khu vực Donetsk và Luhansk vào lãnh thổ Ukraine nhằm mục đích đảm bảo an ninh. Chỉ vài ngày trước khi tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine, Nga đã công nhận độc lập hai khu vực ly khai Donetsk và Luhansk ở Ukraine.

Donetsk và Luhansk: bạn biết gì về 2 vùng miền đông Ukraine?

Vấn đề biên giới còn bỏ ngỏ

Ông Medinsky cho biết Kyiv không nêu rõ liệu có từ bỏ yêu cầu về lãnh thổ đối với Donetskk và Luhansk hay không.

Còn ông Arakhamia nhấn mạnh Kyiv khẳng định chủ quyền đối với toàn bộ lãnh thổ mà Ukraine có được khi tuyên bố độc lập vào năm 1991, đồng thời khẳng định không thể thỏa hiệp về vấn đề này.

Điều kiện tổ chức thượng đỉnh Putin-Zelensky

Moscow đã đồng ý tổ chức cuộc họp giữa Tổng thống Putin và Tổng thống Zelensky trong khuôn khổ giai đoạn đàm phán cuối cùng về hiệp ước hòa bình trong tương lai.

Trước đó, Điện Kremlin cho rằng cuộc họp giữa 2 nhà lãnh đạo chỉ nên được cân nhắc sau khi tài liệu được các bộ trưởng ngoại giao hoàn thiện.

Tổng thống Zelensky nói Ukraine "không ngây thơ" sau vòng đàm phán mới
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.