Những điểm sáng hiếm hoi trong bức tranh lợi nhuận doanh nghiệp

Mai Phương
Mai Phương
01/08/2023 06:37 GMT+7

Hầu hết các doanh nghiệp niêm yết đã công bố báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm nay, qua đó cho thấy nhiều tương phản: một số doanh nghiệp lãi đột biến nhưng đa số vẫn khó khăn.

Xuất khẩu, bán lẻ "bốc hơi" lợi nhuận

Không kể nhiều công ty vẫn tiếp tục báo lỗ thì một số tập đoàn lớn trong nhiều lĩnh vực cũng lao dốc về lợi nhuận.

Những điểm sáng hiếm hoi trong bức tranh lợi nhuận doanh nghiệp - Ảnh 1.

Một số doanh nghiệp nỗ lực vượt khó khăn khi báo lãi trong 6 tháng đầu năm nay

NGỌC DƯƠNG

Chẳng hạn, Tập đoàn dệt may VN (Vinatex) công bố quý 2/2023 đạt doanh thu thuần gần 3.910 tỉ đồng tức giảm 17% so với cùng kỳ 2022, nhưng lãi sau thuế giảm tới 96% so với quý 2/2022, chỉ còn hơn 22,2 tỉ đồng. Tính chung 6 tháng đầu năm nay, Vinatex đạt tổng doanh thu gần 8.119 tỉ đồng - giảm 15,5%, lợi nhuận sau thuế đạt gần 115 tỉ đồng - giảm 87% so với cùng kỳ năm trước. Giải trình về kết quả kinh doanh ảm đạm, Vinatex cho hay các doanh nghiệp (DN) thuộc tập đoàn tiếp tục phải đối mặt với việc thiếu hụt đơn hàng cả về số lượng và đơn giá do cầu thấp. Đơn hàng thiếu hụt, người lao động thiếu việc làm song DN vẫn cố gắng đảm bảo mức lương cho người lao động bình quân ở mức hơn 8 triệu đồng/người/tháng (trong khi với mức giá của đơn hàng nhận được thì mức lương bình quân chỉ đạt dưới 6 triệu đồng/người/tháng).

Hay một DN hàng đầu trong ngành thủy sản là Công ty CP Vĩnh Hoàn báo cáo 6 tháng đầu năm nay đạt doanh thu 4.945 tỉ đồng, giảm 34% và lãi sau thuế gần 656 tỉ đồng, giảm 51% so với cùng kỳ năm trước. Công ty chỉ giải thích chung là do sản lượng bán hàng và giá bán đều sụt giảm. Còn theo thông báo vào tháng 6 trước đó, Vĩnh Hoàn cho biết doanh thu thị trường châu Âu giảm 32%; thị trường Mỹ giảm 25%; thị trường Trung Quốc giảm 24%; và các thị trường khác ghi nhận doanh thu giảm 36%. Tương tự, Công ty CP Nam Việt cũng báo lỗ trong quý 2 vừa qua với hơn 51 tỉ đồng. Tổng cộng sau 6 tháng, Nam Việt đạt doanh thu gần 2.230 tỉ đồng, giảm 11,3% và lợi nhuận sau thuế lao dốc gần 91% so với cùng kỳ năm trước, xuống còn 41,3 tỉ đồng.

Đến các công ty bán lẻ hàng đầu trong nước cũng có kết quả kinh doanh ảm đạm trong 6 tháng đầu năm. Chẳng hạn, Công ty CP Thế Giới Số (Digiworld) đạt doanh thu 8.556 tỉ đồng, giảm 28% và lãi sau thuế 162 tỉ đồng, giảm 53% so với cùng kỳ năm trước. Tương tự, Công ty CP đầu tư Thế Giới Di Động sau 6 tháng đạt doanh thu 56.570 tỉ đồng, giảm 20% nhưng lãi sau thuế bốc hơi xuống còn 39 tỉ đồng, giảm đến 98% so với con số 1.130 tỉ đồng của 6 tháng đầu năm 2022. Thậm chí, Công ty CP Bán lẻ Kỹ thuật số FPT dù vẫn đạt doanh thu gần 14.924 tỉ đồng, tăng gần 7% so với cùng kỳ năm trước, nhưng bị lỗ đến 212,6 tỉ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước vẫn lãi hơn 216 tỉ đồng…

Việc thực hiện các giải pháp đã đề ra vẫn cần phải quyết liệt. Trong đó việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trước mắt là chính sách tiền tệ linh hoạt, giúp cung tiền mở rộng để dòng vốn đi vào nền kinh tế.


TS Lê Đạt Chí

Bất ngờ bất động sản, mía đường lãi lớn

Ngược với kết quả ảm đạm của nhiều DN, vẫn có những đơn vị ghi nhận kinh doanh tăng tốc trở lại, nhất là những đơn vị lớn, đầu ngành. Có thể kể đến như Công ty CP Vinhomes, 6 tháng đầu năm nay đạt tổng doanh thu 62.100 tỉ đồng, tăng 364% so với cùng kỳ năm 2022, nhờ bàn giao 5.400 căn bất động sản thấp tầng tại dự án Vinhomes Ocean Park 2. Tổng doanh thu thuần hợp nhất quy đổi, bao gồm doanh thu từ các hoạt động của Vinhomes, các hợp đồng hợp tác kinh doanh (BCC) và chuyển nhượng bất động sản được ghi nhận vào thu nhập tài chính đạt 75.578 tỉ đồng, tăng 300% so với cùng kỳ năm 2022. Công ty đạt lợi nhuận sau thuế gần 21.600 tỉ đồng, tăng 295% so với cùng kỳ năm trước và hoàn thành 72% kế hoạch năm.

Kết quả của Vinhomes cũng đóng góp lớn vào hiệu quả hoạt động của cả Tập đoàn Vingroup. Tổng cộng Vingroup đạt doanh thu thuần hợp nhất (bao gồm cả doanh thu tài chính) đạt hơn 102.500 tỉ đồng, tăng 112% so với cùng kỳ năm trước. Ngoài kết quả bán hàng từ Vinhomes, các lĩnh vực kinh doanh bất động sản đầu tư, dịch vụ khách sạn, du lịch, vui chơi giải trí và sản xuất đều ghi nhận tăng trưởng. Đặc biệt, doanh thu mảng sản xuất trong nửa đầu năm tăng 55,2% so với cùng kỳ nhờ doanh số bán xe điện gấp 5 lần so với cùng kỳ trong khi doanh thu xe xăng còn không đáng kể do đã ngừng sản xuất.

Công ty CP đường Quảng Ngãi cũng gây bất ngờ khi công bố doanh thu 6 tháng đầu năm đạt gần 5.148 tỉ đồng, tăng 33% và lãi sau thuế đạt 1.196 tỉ đồng, tăng 76% so với cùng kỳ năm trước. Công ty cho hay trong bối cảnh kinh tế khó khăn nhưng một số sản phẩm của công ty vẫn duy trì tình hình sản xuất ổn định và ghi nhận mức tăng trưởng cao như sản lượng tiêu thụ đường tăng 133% trong quý 2 vừa qua, doanh thu tăng 151%; điện có sản lượng tiêu thụ tăng 35%, doanh thu tăng 39%...

Đáng chú ý, Công ty CP Mía đường Sơn La báo cáo cả niên độ 2022 - 2023 đạt doanh thu 1.676 tỉ đồng và lãi sau thuế 523 tỉ đồng, tăng lần lượt 93% và tăng 178% so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là mức lợi nhuận cao nhất từ trước đến nay của công ty. Hay Tập đoàn Lộc Trời đạt doanh thu trong 6 tháng đầu năm 2023 hơn 6.130 tỉ đồng, tăng 4% và lãi ròng hơn 343 tỉ đồng, gấp gần 2,5 lần cùng kỳ năm trước…

Theo TS Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế, bức tranh tài chính của các DN niêm yết vẫn đa số là màu xám khi kinh tế trong nước lẫn thế giới vẫn còn nhiều khó khăn. Sức mua trên thị trường thế giới hay trong nước vẫn sụt giảm khiến cho DN bán lẻ, xuất khẩu bị lao dốc về lợi nhuận là chuyện đã được dự báo trước.

Trong khi đó, với một số đơn vị lại có những yếu tố thuận lợi riêng như ngành gạo được hưởng lợi khi nhu cầu lẫn giá xuất khẩu liên tục tăng. Hay doanh nghiệp mía đường cũng ít bị tác động khi kinh tế khó khăn. Riêng một số DN bất động sản, xây dựng báo lãi tăng cao so với cùng kỳ năm trước chỉ là những câu chuyện cá biệt, là nỗ lực lớn của riêng từng công ty. Nhưng điều đó chưa thể khẳng định được ngành này đã có tín hiệu hồi phục. Bởi trên thực tế thị trường bất động sản nói riêng hay dịch vụ nói chung đều khó khăn.

Đồng tình, TS Lê Đạt Chí, Trưởng khoa Tài chính - Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, nhận định số lượng các công ty niêm yết trên sàn chứng khoán chưa phải là đại diện của một ngành nào (ngoại trừ ngân hàng do gần như tất cả các ngân hàng đều đang niêm yết trên sàn). Đối với những DN báo lãi tăng cao trong 6 tháng đầu năm nay cũng chỉ chiếm số ít so với thực tế hàng ngàn DN bị thua lỗ và lợi nhuận hầu như không còn. Vì vậy, với các giải pháp mà Chính phủ đưa ra để hỗ trợ DN, kích thích kinh tế tăng trưởng vẫn phải tập trung đẩy mạnh thực hiện.

"Việc thực hiện các giải pháp đã đề ra vẫn cần phải quyết liệt. Trong đó việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trước mắt là chính sách tiền tệ linh hoạt, giúp cung tiền mở rộng để dòng vốn đi vào nền kinh tế. Chỉ như vậy mới kỳ vọng trong 6 tháng cuối năm các DN sẽ hoạt động có lãi trở lại và tăng trưởng hơn, góp phần đưa kinh tế đi lên", TS Lê Đạt Chí chia sẻ thêm.

Theo Tổng cục Thống kê, tính chung từ tháng 1 - 7.2023, cả nước có 131.900 DN đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, giảm 1,4% so với cùng kỳ năm trước; bình quân một tháng có 18.800 DN thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Ngược lại, có 113.300 DN rút lui khỏi thị trường, tăng 19,8% so với cùng kỳ năm trước; bình quân một tháng có 16.200 DN rút lui khỏi thị trường.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.