Giáo sư Klaus Schwab, người sáng lập, Chủ tịch điều hành Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), cha đẻ của khái niệm “cách mạng công nghiệp 4.0” và là người tiên phong nghiên cứu trào lưu này, nhận định về thực tế trên khi họp báo ra mắt cuốn sách “Cách mạng công nghiệp lần thứ tư” tại Việt Nam.
Đây là cuốn sách đã được dịch ra 29 thứ tiếng và bán hơn 1 triệu bản trên toàn thế giới.
Giáo sư Schwab cũng đã tặng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc một cuốn sách này, bản tiếng Anh.
“Cách mạng công nghiệp (CMCN) lần thứ nhất là phát minh ra động cơ hơi nước và tạo ra quyền lực cho nước Anh. CMCN lần thứ hai mang lại vị thế siêu cường cho nước Mỹ. CMCN lần thứ ba là công nghệ máy tính. CMCN lần thứ tư là trí tuệ nhân tạo, blockchain, xe hơi tự lái, y học hiện đại... Đây là một cuộc cách mạng hoàn toàn khác bởi 2 điểm: quy mô, sự toàn diện và tốc độ phát triển của nó. Các quốc gia trên thế giới bỏ lỡ chuyến tàu CMCN thứ tư này sẽ thất bại”, giáo sư Schwab nói.
Giáo sư Schwab cho biết mục tiêu của ông khi xuất bản cuốn sách bằng tiếng Việt là muốn thu hút sự quan tâm của mọi người về tầm quan trọng của cuộc cách mạng này, đảm bảo rằng chính phủ sẽ đưa ra được chính sách, tạo ra tinh thần doanh nghiệp để nắm bắt cơ hội mà cuộc cách mạng này mang lại.
Chủ tịch WEF cũng nhấn mạnh, để nhận thức được tiềm năng và thành công trong cạnh tranh quốc tế, làm chủ CMCN lần thứ 4, trước hết cần nhận thấy mối đe dọa của nó.
“Có rất nhiều công việc hiện nay sẽ biến mất, nhưng chúng ta không nên bi quan, bởi vì cũng có những công việc mới được tạo ra. Chính phủ phải chuẩn bị để chuyển đổi sang một kỷ nguyên mới. Tác động đến tư duy của các chính phủ, của mỗi người, chuẩn bị cho sự chuyển đổi là mong muốn của tôi”, giáo sư Schwab nói, và nhấn mạnh việc các quốc gia phải thích ứng rất nhanh, vì tốc độ khủng khiếp của CMCN lần thứ 4.
“Khi tôi đưa ra khái niệm CMCN lần thứ 4, nói về xe tự lái, blockchain... 3 năm trước đây, những điều này được coi như khoa học giả tưởng. Tuy nhiên, đến nay, tất cả các khái niệm đó đều trở thành sự thật. Cuộc cách mạng này không chỉ thay đổi mô hình kinh doanh, cách doanh nghiệp cạnh tranh, mà còn thay đổi các nền kinh tế, các xã hội. Những quốc gia thành công là những quốc gia nắm được ưu thế của cuộc cách mạng này mang lại", giáo sư Schwab nói.
Bên cạnh đó, ông Schwab nhấn mạnh: "Chúng ta không muốn trở thành nô lệ của trí tuệ nhân tạo, của robot. Muốn làm chủ công nghiệp hiện đại phải đảm bảo được những công nghệ đó phục vụ con người. CMCN lần 4 đưa chúng ta lên một tầm cao mới không có nghĩa là thế giới trở nên kỹ thuật hơn, mà cần cân đối giữa công nghệ với nhân bản”.
Nhấn mạnh một “đại xu thế” đang diễn ra trước mắt chúng ta, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho rằng, trong cuộc cách mạng này, Việt Nam có cơ hội để đẩy nhanh công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước.
Tại WEF ASEAN lần này, giáo sư Schwab cũng mang theo 1.000 cuốn Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 để tặng các bạn trẻ và khách tham gia diễn đàn.
Bình luận (0)