Nhưng tất cả những thứ mới mẻ, lạ lẫm về cái thuở ban đầu ấy sẽ trở thành kỷ niệm không thể nào quên trong quãng đời sinh viên.
Sinh viên ở trọ |
Phạm Hữu |
Anh Lê Quang Hưng (quê tỉnh Quảng Trị), cựu sinh viên của Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, chia sẻ thời sinh viên luôn có nhiều kỷ niệm, nhưng có lẽ những ngày đầu xa nhà, xa quê lên thành phố học tập là khoảng thời gian đáng nhớ nhất với mỗi người.
“Cuối tháng 8.1997, tôi từ quê vào TP.HCM kiếm nhà trọ chuẩn bị làm tân sinh viên. Lần đầu tiên đến thành phố, tôi không rành đường sá nên trên tay lúc nào cũng cầm cái bản đồ. Sau khi đến trường làm thủ tục nhập học, tôi và một người bạn tá túc ở nhà người quen vài bữa rồi mới đi kiếm phòng trọ”, anh Hưng, hiện đang làm việc tại Khu công nghiệp Việt Nam-Singapore (tỉnh Bình Dương), nhớ lại.
Anh Hưng kể thêm: “Một buổi sáng cuối tuần, tôi và một người bạn cùng quê, cùng trường đèo nhau trên chiếc xe đạp cũ để kiếm nhà trọ. Khổ nỗi còn lạ nước lạ cái, không rành đường nên hai thằng cứ chạy một đoạn thì dừng lại lấy bản đồ ra xem phương hướng rồi mới đi tiếp. Tôi nhớ hôm ấy đi từ sáng đến gần 12 giờ trưa mới tìm được phòng trọ. Đó là một khu nhà trọ như một ký túc xá tư nhân ẩn mình dưới một vườn dừa xanh trên đường Trần Kế Xương, P.7, Q.Phú Nhuận”.
Một khu nhà trọ sinh viên |
Phạm Hữu |
“Khu nhà trọ ấy không tiện nghi gì cả nhưng sở dĩ mình chọn là do có đông sinh viên ở và giá cả nơi này rẻ hơn rất nhiều so với những nơi khác. Mình nhớ hồi đó mỗi phòng trọ có 2 cái giường tầng, 4 người có thể ở chung. Mỗi người đóng 60.000 đồng/tháng (chủ đã bao điện nước). Do khu nhà trọ nằm gần bờ kênh Nhiêu Lộc lúc đó chưa được nạo vét nên dòng nước còn đen xì và bốc mùi hôi dữ lắm chứ không được sạch sẽ như bây giờ. Ở đó được 2 năm thì khu vực này bị giải tỏa nên cả trăm sinh viên phải đi tứ tán mỗi người mỗi hướng. Hôm chia tay, mọi người trong khu trọ hùn tiền lại nấu ăn liên hoan tưng bừng, rồi ai cũng ôm nhau khóc vì sắp xa nhau, buồn tựa như bị người yêu chia tay vậy đó”, anh Hưng chia sẻ.
Có những câu chuyện, hình ảnh, kỷ niệm đẹp về một thời sinh viên không bao giờ phai mờ trong tâm trí của nhiều người. Anh Trần Ngọc Thành, làm nghề kinh doanh bất động sản ở Bình Phước, cựu sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, chia sẻ: “Tôi từ vùng quê nghèo của huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi vào TP.HCM học tập những ngày đầu thời tân sinh viên niên khóa 1997 - 2001. Lúc đó, tôi cảm thấy mọi thứ đều lạ lẫm và hơi choáng ngợp trước một thành phố rộng lớn”.
Sinh viên ở trọ tại TP.Thủ Đức, TP.HCM |
TRÍ THIỆN |
Anh Thành kể: “Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, không dám ăn cơm tiệm nên mỗi ngày tôi phải đi chợ để tự nấu cơm ăn. Người ta thường hay nói 'rẻ như chợ chiều' nhưng với tôi chợ chiều cũng chưa rẻ mà phải là chợ tối. Vì vậy, để mua được đồ ăn rẻ thì ngày ấy tôi thường hay đi chợ Bà Chiểu, Q.Bình Thạnh lúc 18, 19 giờ. Mà hễ thấy đồ ăn rẻ là tôi hay mua nhiều để dành ăn mấy ngày liền. Đi chợ mua đồ nhiều là phải lục đục nấu thức ăn đến hơn 10 giờ tối mới xong, mà thời ấy sinh viên khó khăn thì làm gì có tiền mua bếp ga nấu, toàn nấu bằng bếp lò xô (bếp dầu)”.
Gần 25 năm, nhưng mỗi lần đến TP.HCM, anh Thành cho hay anh luôn tranh thủ thời gian chạy xe ngang con đường Đinh Tiên Hoàng (Q.1) để ngắm lại ngôi Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM mà mình gắn bó suốt 4 năm. "Nếu có thời gian thì tôi ghé qua chợ Cây Quéo trên đường Hoàng Hoa Thám, P.6, (Q.Bình Thạnh), khu vực tôi ở trọ những ngày đầu thời tân sinh viên bởi nó có quá nhiều kỷ niệm, mặc dù khung cảnh ở đây bây giờ đã khác ngày xưa”, anh Thành chia sẻ.
Bình luận (0)