(TNO) 12 doanh nhân trẻ châu Phi từ 17 - 22 tuổi vừa được Anzisha Prize, giải thưởng dành cho các doanh nhân trẻ châu Phi, vinh danh vì những dự án khởi nghiệp ấn tượng.
Châu Phi là châu lục có lượng dân số trẻ nhất và tăng nhanh nhất trên thế giới.
Theo đó là sự xuất hiện của nhiều dự án khởi nghiệp ấn tượng của người trẻ - Ảnh minh họa: Reuters |
Châu Phi là châu lục có lượng dân số trẻ nhất và tăng nhanh nhất trên thế giới. Hiện nay, lục địa này có khoảng 200 triệu thanh niên từ 15 - 24 tuổi với trình độ học vấn được cải thiện từng ngày, theo CNN ngày 6.10.
Những người trẻ với trình độ học vấn cao và sức sáng tạo không ngừng đã tự lập ra các dự án khởi nghiệp cho riêng mình, đồng thời mang đến giải pháp về kinh tế, xã hội cho châu Phi.
Tổ chức Anzisha Prize đã chọn ra 12 gương mặt tiêu biểu có đóng góp to lớn cho các vấn đề xã hội ở đất nước của chính họ.
Sau đây là một số dự án ấn tượng:
Giải quyết khủng hoảng năng lượng vùng nông thôn: George Mtemahanji (22 tuổi), ở Tanzania, là chủ của Công ty Sun Sweet Solar chuyên nhập khẩu các sản phẩm pin mặt trời từ châu Âu và xây dựng các mảnh đất năng lượng cho nhà ở hoặc doanh nghiệp, với mức giá vừa túi tiền.
Giáo dục trực tuyến: Chris Kwekowe (22 tuổi), ở Nigeria, thành lập cổng thông tin học tập trực tuyến mang tên Slatecube vào năm 2014. Trang web bao gồm các khóa học trả tiền và miễn phí. Công ty của anh cũng đã lọt vào top 50 doanh nghiệp trẻ được dự Triển lãm Khởi nghiệp Toàn cầu ở Viện Công nghệ Massachusett (Mỹ).
Dịch vụ chuyển hàng bằng xe máy: Nhận thấy xu hướng kinh doanh trực tuyến đang ngày một phát triển ở Uganda, anh Daniel Mukisa (21 tuổi) đã thành lập hãng vận chuyển Transpoter Corporation để giao hàng với giá cả hợp lý.
Giúp đỡ nạn nhân diệt chủng: Cô Chantal Butare (21 tuổi) thành lập Công ty Kinazi Dairy vào năm 2012 nhằm giúp đỡ những người còn sống sau nạn diệt chủng ở Rwanda. Những người này được chính phủ tài trợ trâu bò nhưng không biết cách bán sản phẩm của gia súc, như sữa, thịt... ra thị trường.
Hiệp hội Cải thiện Chất lượng Giáo dục: Nhận thấy hệ thống và chất lượng giáo dục của nước nhà còn nhiều bất cập, Hidaya Ibrahim (22 tuổi), ở Ethiopia đã thành lập Hiệp hội Cải thiện Chất lượng Giáo dục (QAPEC). Tổ chức làm việc với các chính phủ, các trường học tư nhân và học sinh để thảo luận về vấn đề phát triển giáo dục.
Bệnh xá cho người nghèo: Xuất thân từ một gia đình nghèo ở vùng nông thôn Nigeria, cô sinh viên ngành y Fortune Kwomo (20 tuổi) đã thành lập bệnh xá cho người dân quê hương mình, cung cấp những dịch vụ y tế vừa túi tiền cho người dân, đồng thời thực hiện sơ cứu cho bệnh nhân trước khi vào bệnh viện.
Bình luận (0)