Những đứa con nuôi...

22/02/2017 10:02 GMT+7

Lực lượng biên phòng Quảng Trị, đa số là đàn ông, đang đỡ đầu, chăm bẵm, nuôi 70 người con.

Con ruột vợ nuôi, con người mình nuôi !
Đó là câu nói vui của anh em Đồn biên phòng Cửa khẩu quốc tế La Lay (xã A Ngo, H.Đakrông, Quảng Trị) về việc làm nghĩa tình mà đơn vị đã phát động và thực hiện từ hơn 1 năm nay.
“Mình đi đồn biền biệt, con cái ở nhà mình không lo nổi, đã giao hết cho vợ, cho mẹ lo còn mấy “đứa con” của đồn vùng cao này, mình mà cũng ngó lơ thì... ai lo cho chúng?”, đại úy Nguyễn Duy Thánh, Chính trị viên phó của đồn, tâm sự.
Đại úy Thánh không nói ngoa bởi 3 “đứa con” của đồn vùng biên giáp Lào này đều có những hoàn cảnh đặc biệt. Nếu em Hồ Thị Thủy (đang học lớp 8) sinh ra trong gia đình nghèo bậc nhất xã A Ngo thì em Hồ Thị Bùi (đang học lớp 5) lại có quá đông anh em. Đứa con còn lại là Kăn Nghin sống tận ở bản La Lay Sói (H.Sa Muồi, tỉnh Salavan, Lào - người dân ở bản này đều là người gốc Việt). “Mỗi tháng đồn hỗ trợ cho mỗi em 500.000 đồng. Cũng chả to tát gì nhưng nếu không có khoản tiền này thì hoặc các em khó có thể đến trường một cách tươm tất với đầy đủ áo quần, sách vở hoặc đã bỏ học từ lâu”, đại úy Thánh nói.
Đồn biên phòng Cửa Việt (đóng quân trên địa bàn xã Triệu An, H.Triệu Phong) cũng đang nhận đỡ đầu 4 em (chu cấp cho mỗi em 400.000 đồng/tháng), mà mỗi em chỉ cần nói tên là bà con vùng biển bãi ngang này ứa nước mắt vì quá hiểu hoàn cảnh trớ trêu của chúng. Đó là em Dương Thị Bích (ở thôn Hà Tây, xã Triệu An, học lớp 6) có mẹ bị sét đánh chết, bố cũng lâm bệnh qua đời; em Trần Thị Hoài (ở thôn 8, xã Triệu Vân, học sinh lớp 8) có bố mất sớm, một mình mẹ tần tảo nuôi 2 chị em cùng bà nội; em Trần Nhật Tân (thôn 6, xã Triệu Lăng, học sinh lớp 10) bị cha không nhận, mẹ bỏ vào nam, phải sống với bà ngoại già yếu; em Lê Thị Thu Huyền (ở thôn Tường Vân, xã Triệu An, học sinh lớp 1) mồ côi cha, mẹ đi lấy chồng...
Để có tiền lo đều đặn cho... các “con”, những người lính mang quân hàm xanh ở Quảng Trị phải dành dụm những ngày lương. Chẳng hô hào nhưng cũng không một ai từ chối việc làm này, xem đó là một trách nhiệm hơn là nghĩa vụ, có người còn xung phong góp nhiều hơn. “Nhiều khi chúng tôi ước mình giàu có hơn, nhiều tiền hơn để chu cấp cho mấy đứa để các “con” không thua thiệt người ta, không bị mặc cảm thiệt thòi”, trung tá Hồ Văn Sơn, Chính trị viên phó Đồn biên phòng Cửa Việt, xúc động nói.

tin liên quan

Những đứa con bên kia đường biên
Ai đến các đồn biên phòng thuộc Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Tây Ninh dịp đầu tháng 12 đều thấy cán bộ chiến sĩ trong đồn quyên góp tiền bạc, quần áo, gạo, muối, thực phẩm mang sang bên kia biên giới. 
Là chỉ huy phải có nhiều “con”
Nói vậy không có nghĩa các vị chỉ huy ở Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Trị đều vi phạm chính sách về dân số - kế hoạch hóa gia đình vì thực ra nó mang ý nghĩa nhân văn hơn nhiều. Từ khi chương trình “Nâng bước em đến trường” được phát động trong toàn lực lượng từ năm 2015 thì cán bộ chiến sĩ thuộc các đồn, các phòng ban thuộc bộ chỉ huy thường “góp gạo” nuôi “con chung”, còn các vị chỉ huy thì phải nuôi... “con riêng”. Chính thế từ chỉ huy trưởng, chỉ huy phó, chính ủy, phó chính ủy... đều nhận nuôi mỗi người 2 “con” (mỗi tháng lo 500.000 đồng/em).
Đại tá Hoàng Hữu Chiến, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Trị, đang là cha đỡ đầu cho 2 em ở xã Triệu An (H.Triệu Phong). Ngoài việc chu cấp tiền bạc đều đặn, vài ba bữa ông lại điện thoại thăm hỏi tình hình các con, vài ba tháng ông lại sắp xếp công việc về động viên trực tiếp.
Hay như đại tá Hồ Ngọc Hoàng, Phó chính ủy Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Trị, hiện đang là “bố” của 2 em học sinh đồng bào Vân Kiều gặp khó khăn tại xã A Bung (H.Đakrông, Quảng Trị). Anh em ở Đồn biên phòng Cửa khẩu quốc tế La Lay gần đó kể rằng nhiều khi lo thủ trưởng đường xa, chưa gửi tiền hoặc lên thăm các con kịp thì họ đã lấy tiền của mình đi trao trước, lập tức bị đại tá Hoàng mắng té tát: “Con mình mình nuôi chứ không muốn ai nuôi giùm. Các cậu cứ dành tiền mà nuôi con của các cậu...”.
Biên phòng Quảng Trị ngày nay rất “đông con”, từ miền rẻo cao sâu hun hút đến miền biển bãi ngang, ra tận ngoài đảo xa Cồn Cỏ, thậm chí qua tận nước bạn Lào cũng có. Vậy nên, không lạ khi đại tá, Chỉ huy trưởng Hoàng Hữu Chiến bảo rằng, ông đang mơ về tương lai không xa, những “đứa con” bụi bặm ngày nào của biên phòng Quảng Trị sẽ lớn dậy, rũ bùn, để trở thành những con người chững chạc, xây dựng quê hương.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.