Lo cho dân trước, lo cho đồn sau
Một ngày đầu xuân, chúng tôi về Đồn biên phòng Cửa Việt (xã Triệu An, H.Triệu Phong, Quảng Trị). Đồn không quá lớn, khá cũ kỹ, nằm ở cửa sông lộng gió. Không khí tết ở đây thoạt trông khá lặng lẽ. Nếu không nhìn vào tấm biển “Chúc mừng năm mới” được treo giữa hội trường và dăm ba chiếc đèn nháy quấn quanh cây vạn tuế, thì thật khó để biết xuân đã về ở đồn biển này.
Thiếu tá Lê Đăng Hoàng, chính trị viên Đồn biên phòng Cửa Việt, gãi đầu rồi cười xòa: “Lính mà, chả phải phô trương làm gì. Đồn cũng chỉ "chấm phá" tí chút để cho anh em đón tết gọi là, còn theo chỉ đạo của trên và cũng theo tư tưởng chung, chúng tôi tập trung lo cho dân trước rồi mới lo cho đồn sau”. Dẫn chúng tôi đi qua những trảng cát, vòng quanh làng chài xã Triệu An, thiếu tá Hoàng cho hay năm nay ngư dân gặp khó khăn nên ăn tết không lớn như mọi khi.
“Biết vậy nên anh em trong đồn từ trước tết đến giờ lui tới nhà bà con thường xuyên, đôi khi chỉ cần tâm tình với nhau, uống với nhau ly rượu là đủ. Với những gia đình quá khó khăn, đồn chuẩn bị bánh mứt, gạo muối... để tặng. Ở đây mà có người dân nào đói ăn trong dịp tết thì chúng tôi tự thấy như đó là lỗi của mình”, thiếu tá Hoàng chia sẻ.
Thấm cái tình của những người lính đồn biển, lão ngư Trương Văn Giới tự tin: "Có quân, có dân, chắc chắn năm mới mọi thứ sẽ khởi sắc”. Không chỉ riêng tại nhà ông Giới, rất nhiều ngôi nhà khác mà đoàn “lính đồn biển” ghé thăm, ngư dân đều tự động viên nhau như vậy. Người bảo đã vay vốn đóng tàu lớn vươn khơi xa, người vừa sửa lại thuyền đánh bắt ven bờ, người khoe vừa sắm thêm tay lưới... Khí thế hừng hực tưởng như họ chỉ cần hết tết là có thể lao ra khơi đánh bắt ngay!
Chu đáo lắm nhưng Đồn biên phòng Cửa Việt cũng có sự “thiên vị” trong chuyện biếu quà tết cho dân. Các hộ dân ở trong dãy nhà “tập thể” sát bên hông của đồn dường như được ưu ái hơn. Từ trước năm 2014, có 8 hộ với 40 nhân khẩu dân vạn chài cứ rày đây mai đó, ăn ngủ trên 8 chiếc đò mỏng mảnh như lá tre. Xót xa, Đồn biên phòng Cửa Việt đã nhượng đất, cho tiền, thậm chí bỏ công sức ra xây dãy nhà tập thể 8 phòng này để kéo những người vạn chài lên bờ.
“Nhờ Đồn biên phòng Cửa Việt mà 3 cái tết rồi chúng tôi không phải đón xuân... trên đò nữa. Cảm giác được đón xuân trên bờ làm chúng tôi không thể quên, chúng tôi không bao giờ quên tấm lòng của anh em trên đồn”, ngư dân Lê Văn Toàn, một trong 8 hộ dân vạn chài cũ tâm sự. Nói đoạn, Toàn giục vợ mang bánh mứt, rượu ra mời khách và không quên giới thiệu, giọng đầy tự hào: “Mứt này, hạt dưa này, bánh chưng này, hành muối này... đều là của đồn biếu chúng tôi ăn tết đấy. Năm nào cũng vậy”.
Ông Hoàng Cộng Hòa, Bí thư Đảng ủy xã kiêm Chủ tịch UBND xã Triệu An, cho hay đối với người dân địa phương, hình ảnh người lính quân hàm xanh đã trở nên thân thuộc. “Khi anh cùng ăn, cùng ở, cùng chia sẻ thậm chí cùng ăn tết với nhân dân thì làm sao nhân dân quên anh được. Tình cảm keo sơn ấy dễ gì tách rời”, ông Hòa ví von.
"Không quên nhiệm vụ"
Tết của bộ đội luôn phải xa nhà. Nhiều người bảo họ quen rồi nhưng chúng tôi không nghĩ thế, chẳng ai có thể quen với sự thiếu thốn hơi ấm của gia đình, bè bạn trong những lúc xuân về. Có chăng, những người lính đón tết ở đồn vơi bớt nỗi nhớ quê hương, cha mẹ, vợ con là bởi tình đồng đội và nhân dân. Và trên hết, đó chính là nhiệm vụ.
Ở Đồn biên phòng Cửa Việt, những ngày tết, các anh lính vẫn phải lấy vũ khí ra lau chùi, kiểm tra định kỳ, sẵn sàng xuất kích ngay khi có lệnh. Chiều xuống, họ vẫn cùng với các tổ dân quân, tự vệ biển đi tuần dọc các xóm chài, âu thuyền, cảng cá... Tại trạm kiểm soát ngay cửa biển, những người lính vẫn trực 24/24 để kiểm soát và làm các thủ tục cho các loại tàu bè vào ra.
Thượng úy Lê Văn Minh, Trạm trưởng Trạm kiểm soát Phó Hội (Đồn biên phòng Cửa Việt), cho biết sự khác biệt lớn nhất khi tết đến đối với anh em của trạm là có thêm ít bánh trái và mứt gừng, chứ công việc thì vẫn như thường nhật.
Theo chính trị viên Lê Đăng Hoàng: "Lính "đồn biển" phải vừa ăn tết với dân vừa đảm bảo nhiệm vụ. Động viên nhân dân, vui với nhân dân nhưng ca trực vẫn đảm bảo, giữ vững an ninh trật tự tại địa phương. Người dân cần lính biên phòng, nhưng lính biên phòng cũng cần bà con lắm. Chúng tôi ăn tết xa nhà, thèm sự ấm cúng gia đình và chỉ tìm thấy cảm giác đó nếu thực sự... ăn tết cùng bà con”.
Bình luận (0)