Xe

Những đường cong người dân TP.HCM hỏi có cần bật xi nhan: Cầu vượt trạm 2

Bản chất xi nhan (đèn tín hiệu rẽ) là để báo hiệu cho người phía sau và đối diện biết người điều khiển xe chuẩn bị rẽ hướng nào. Nhưng ở đoạn đường cong một chiều riêng biệt thì có nhất thiết phải bật xi nhan và người dân có phải bị phạt hay không?

Mới đây, Phòng CSGT đường bộ - đường sắt (PC67, Công an TP.HCM) cũng cho biết những trường hợp người điều khiển xe đi theo hướng đường cong của đoạn đường bộ ở nơi đường không giao nhau cùng mức thì vẫn xem là đang đi trên một đoạn đường thẳng, theo một hướng, nếu trong trường hợp này người điều khiển phương tiện không có tín hiệu rẽ (không bật xi nhan) thì cũng không bị xử phạt.
VIDEO: Người dân nói gì về xi nhan đường cong Xa lộ Hà Nội
- Thực hiện: Vũ Phượng - Lê Nam
Vừa qua, Thanh Niên đăng tải bài viết CSGT có quyền phạt người chạy xe vào đường cong không bật xi nhan, bài viết thu hút hơn 160.000 lượt độc giả quan tâm.
Trong đó, rất nhiều bạn đọc gọi tới đường dây nóng Báo Thanh Niên 0906.645.777 để phản ánh từng bị CSGT thổi phạt lỗi không bật xi nhan ở những đoạn đường cong.
Nhiều ý kiến bình luận cũng cho rằng việc CSGT đứng ở đường cong để dừng xe vi phạm là rất nguy hiểm cho người tham gia giao thông.
Sáng 12.9, phóng viên Thanh Niên đã dùng camera hành trình để ghi lại hình ảnh khi điều khiển xe trên đoạn đường cong từ Xa lộ Hà Nội lên cầu vượt nút giao thông khu vực Thủ Đức (Cầu vượt trạm 2) hướng ra An Sương hoặc cầu Đồng Nai.
Theo ghi nhận, từ Xa lộ Hà Nội chạy hướng cầu Sài Gòn đi cầu Đồng Nai bằng xe hai bánh, khi vừa tới đèn tín hiệu tại Khu Công nghệ cao, xe hai bánh buộc phải đi vào 1 làn đường để lên cầu vượt có dải phân cách cứng với làn đường ô tô phía ngoài. Ảnh: Vũ Phượng
Đây cũng là hướng đi duy nhất để xe hai bánh đi lên cầu vượt nút giao thông khu vực Thủ Đức. Hơn nữa, đây còn là đường 1 chiều. Đoạn đường cong dẫn lên cầu ôm vòng bên hông Khu Công nghệ cao. Chị Trần Thị Lệ Châu (người thường chạy xe qua khu vực này) chia sẻ: "Xi nhan là để báo hiệu cho người phía sau biết mình rẽ hướng nào nhưng với đoạn chỉ có duy nhất 1 hướng đi mà cong như thế này thì bật xi nhan để làm gì?".  Ảnh: Vũ Phượng
Đoạn đường cong trên cầu vượt nút giao thông Thủ Đức rẽ phải xuống dốc để đi về cầu Sài Gòn. Nếu đang di chuyển trên cầu, rẽ phải vào đường này, người điều khiển phương tiện cần bật xi nhan rẽ phải để báo hiệu cho người phía sau. Sau đó khi đang di chuyển trên đoạn đường cong này thì không cần bật xi nhan. Tuy nhiên, nhiều bạn đọc phản ánh từng bị CSGT thổi phạt tại đoạn gần cuối đường cong vì lỗi không bật xi nhan. Ảnh: Vũ Phượng
Anh Trương Quốc Tuấn - người tham gia giao thông nêu ý kiến: "CSGT đứng ở đoạn đổ dốc cầu xuống mà còn là đường cong nữa thì rất nguy hiểm chứ. Cái đoạn này hầu như người ta đang chạy thẳng mà. Nhưng mà đâu được bắt người ta, đoạn này anh đứng bắt tốc độ người ta thì được chứ phạt xi nhan là không được" Ảnh: Vũ Phượng
Nếu đang lưu thông trên Xa lộ Hà Nội hướng từ Suối Tiên về cầu Sài Gòn, đến đoạn rẽ phải lên cầu vượt để về lại cầu Đồng Nai thì người tham gia giao thông phải bật xi nhan. Nhưng sau đó khi đang lưu thông trên đoạn đường cong này, vì không giao nhau với đường khác nên người tham gia giao thông có thể tắt xi nhan mà không bị CSGT thổi phạt. Ảnh: Vũ Phượng
Anh T. (người dân gần đó) chia sẻ rằng cách đây không lâu nhiều người lái xe phản ánh khi đi đường cong từ Xa lộ Hà Nội lên cầu vượt để về Suối Tiên hay bị phạt lỗi lấn làn hoặc không xi nhan. Nhưng gần đây thì CSGT đứng ở đoạn đổ dốc cầu vượt và đoạn vừa lên dốc hướng ngược lại. "CSGT đứng vậy là nguy hiểm lắm. Mấy nay báo chí đưa tin thì không thấy CSGT nào đứng ở khu này nữa nên chúng tôi cũng mừng", anh T. nói. Ảnh: Vũ Phượng
Sau khi Báo Thanh Niên đặt câu hỏi đoạn đường cong nào CSGT được đứng dừng xe vi phạm, đoạn nào không, Trưởng Phòng CSGT đường bộ - đường sắt TP.HCM cho biết sắp tới sẽ thành lập tổ công tác rồi sẽ thông tin đến bạn đọc và người dân.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.