Những giám đốc ‘bù nhìn’ trong vụ thiệt hại hơn 5.500 tỉ đồng tại DAB

11/01/2023 08:52 GMT+7

Một số giám đốc trong vụ thiệt hại hơn 5.500 tỉ đồng tại Ngân hàng Đông Á (DAB) khai rằng chỉ ký hồ sơ vay vốn theo chỉ đạo của người khác, không đọc hoặc không tìm hiểu kỹ mình ký gì.

Ở vụ án xảy ra tại DAB, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đề nghị truy tố 8 bị can về tội vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng và hoạt động khác liên quan đến ngân hàng.

Trong số này có ông Trần Phương Bình, cựu Tổng giám đốc DAB và Phùng Ngọc Khánh, Tổng giám đốc Công ty CP M&C.

Ông Trần Phương Bình (trái) và Phùng Ngọc Khánh

đậu tiến đạt

Vay tiền để trả tiền đã vay

Theo tài liệu vụ án, từ năm 2007, để có tiền đầu tư dự án, công ty của ông Khánh đã vay vốn tại DAB. Đến năm 2011, thời điểm các khoản vay tới hạn, Công ty CP M&C vướng khó khăn về tài chính, ông Khánh tìm gặp ông Bình nhằm bàn cách cơ cấu lại các khoản vay.

Hai bên thống nhất ông Khánh sẽ nhờ 5 cá nhân là bạn bè hoặc nhân viên đứng tên đại diện pháp luật 5 công ty gồm: Ngôi Sao, Liên Phát, Phát Vạn Hưng, Biển Bạc và Minh Quân.

Về phía mình, ông Bình phê duyệt cấp tín dụng cho 5 công ty trên vay tổng cộng 1.680 tỉ đồng. Trong đó, Công ty Ngôi Sao vay 400 tỉ đồng, Công ty Liên Phát vay 400 tỉ đồng, Công ty Phú Vạn Hưng vay 410 tỉ đồng, Công ty Biển Bạc vay 380 tỉ đồng và Công ty Minh Quân vay 90 tỉ đồng.

Số tiền cho vay lớn như vậy, nhưng tài sản đảm bảo của 5 công ty chỉ là một phần quyền sử dụng đất diện tích hơn 62.000 m2 (thuộc dự án 7,6 ha tại P.An Phú, TP.Thủ Đức, TP.HCM), với giá trị tại thời điểm thế chấp vỏn vẹn gần 80 tỉ đồng.

Khi làm hồ sơ vay vốn, các công ty đều đưa ra mục đích sẽ đầu tư vào dự án 7,6 ha. Nhưng trên thực tế, phần lớn số tiền vay được dùng để trả xoay vòng các khoản nợ đến hạn của nhóm công ty do ông Khánh điều hành.

Đến nay, cả 5 công ty đều đã ngừng hoạt động và không có khả năng hoàn trả cho DAB hơn 5.000 tỉ đồng; bao gồm 1.680 tỉ đồng tiền gốc và hơn 3.300 tỉ đồng tiền lãi.

Ngoài 5 khoản vay trên, DAB còn cho Công ty CP M&C vay 2 khoản tiền khác cũng trái quy định pháp luật, dư nợ không thể trả là hơn 462 tỉ đồng. Tính tổng thiệt hại mà DAB phải chịu trong vụ án là hơn 5.500 tỉ đồng.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đánh giá ông Bình giữ vai trò chính, ông Khánh đồng phạm trong chuỗi hành vi vi phạm dẫn tới thiệt hại như đã nêu.

Cựu tổng giám đốc DongA Bank Trần Phương Bình bị cáo buộc gây thiệt hại hơn 5.500 tỉ

Ký theo chỉ đạo, không đọc, không biết nội dung là gì

Vẫn theo tài liệu điều tra, quá trình vay vốn của 5 công ty “sân sau” đều do ông Phùng Ngọc Khánh chỉ đạo, từ việc lập phương án kinh doanh, hợp đồng hợp tác, ký hợp đồng thế chấp 3 bên, cho đến sử dụng tiền vào mục đích gì.

Lời khai của các cá nhân là đại diện tại 5 công ty cũng cho thấy, họ chỉ là những giám đốc “bù nhìn”, hoàn toàn nghe theo sắp xếp của ông Khánh.

Điển hình, ông Hoàng Đỗ Huy cho biết năm 2010 được ông Khánh nhờ đứng tên Giám đốc Công ty Liên Phát để ký hồ sơ vay vốn tại DAB. Khi thực hiện, ông Huy chỉ ký theo sự chỉ đạo của ông Khánh, không biết cụ thể nội dung hợp đồng như thế nào.

Ông Huy còn khai do chủ quan và quá tin tưởng ông Khánh là người làm ăn đàng hoàng, không có chuyện vi phạm pháp luật nên mới ký hồ sơ vay vốn giúp, khi ký không đọc hay tìm hiểu kỹ những giấy tờ mình đã ký.

Tương tự, ông Lê Tiến Dũng, nguyên cán bộ Công an TP.HCM, cho biết cuối năm 2010 (khi chờ nghỉ hưu) thành lập Công ty Phát Vạn Hưng với mục đích môi giới bất động sản. Từ khi thành lập, công ty không phát sinh doanh thu, không có đối tác, khách hàng.

Đến năm 2012, ông Dũng được ông Khánh nhờ đại diện Công ty Phát Vạn Hưng ký hồ sơ vay vốn tại DAB. Do không có chuyên môn về tài chính, cũng không rành về thủ tục đầu tư, ông Dũng chỉ ký các thủ tục giấy tờ hợp thức hồ sơ khoản vay theo đề nghị của ông Khánh, không tiếp xúc với cán bộ ngân hàng, cũng không tham gia đàm phán, thỏa thuận gì liên quan đến khoản vay.

Ông Dũng còn khai do tin tưởng ông Khánh và cho rằng khoản vay có tài sản đảm bảo, nhóm Công ty CP M&C có năng lực tài chính mạnh nên sẽ có khả năng trả nợ, vì thế mới ký hồ sơ vay vốn giúp…

Cơ quan điều tra nhận định, 5 cá nhân được ông Khánh nhờ đứng tên đã có hành vi sai phạm khi ký hồ sơ vay tổng số 1.680 tỉ đồng từ DAB để bị can sử dụng vốn vay sai mục đích.

Tuy nhiên, những người này chỉ làm công ăn lương, bị phụ thuộc, ký hồ sơ vay theo chỉ đạo của ông Khánh, không được bàn bạc, không biết tổng thể và không được hưởng lợi gì. Đồng thời, đến nay bị can Khánh đã nhận toàn bộ trách nhiệm liên quan đến 5 khoản vay. Do vậy, công an không xem xét trách nhiệm hình sự đối với các cá nhân này.

Đây là vụ án thứ 4 ông Trần Phương Bình bị truy cứu trách nhiệm hình sự liên quan đến sai phạm trong lĩnh vực ngân hàng.

Năm 2019, ông Bình bị TAND cấp cao tại TP.HCM tuyên chung thân về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản, trong vụ án gây thiệt hại hơn 3.600 tỉ đồng cho DAB.

Năm 2022, ông Bình tiếp tục bị TAND cấp cao tại TP.HCM tuyên chung thân về tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản và tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, trong vụ án gây thiệt hại hơn 8.000 tỉ đồng cho DAB.

Vẫn trong năm 2022, ông Bình bị TAND TP.Hà Nội tuyên 10 năm tù về tội vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến ngân hàng, trong vụ án gây thiệt hại 184 tỉ đồng cho DAB.

Đối với Phùng Ngọc Khánh, ở cùng vụ án gây thiệt hại 8.000 tỉ đồng cho DAB, ông này bị TAND cấp cao tại TP.HCM tuyên phạt 18 năm tù.

Ngoài ra, năm 2021, ông Khánh bị TAND cấp cao tại Hà Nội tuyên phạt 12 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.