Những gương mặt V-League, ai còn ai mất?

17/04/2020 16:30 GMT+7

Kể từ khi ra đời vào năm 2000, đến nay giải đấu số 1 của bóng đá Việt Nam V-League đã bước sang tuổi 20. Nhìn lại 19 mùa giải đã qua, còn những ai từng tham gia tranh tài ở V-League.

*Chỉ có 3/10 gương mặt ở mùa đầu tiên còn hiện diện ở V-League 2020

Trong số 10 đội bóng góp mặt ở V-League đầu tiên, đến nay chỉ còn SLNA, Nam Định và Hải Phòng là 3 đội bóng hiếm hoi vẫn còn hiện diện ở V-League 2020. Trong đó SLNA là đội bóng duy nhất tham dự đầy đủ 19 mùa giải chuyên nghiệp đã qua. Nam Định đã từng phải xuống chơi ở giải hạng Nhất năm 2010, thậm chí còn phải xuống chơi ở giải hạng Nhì năm 2011 trước khi trở lại hạng Nhất năm 2015 và trở lại V-League năm 2018. Còn Hải Phòng cũng từng 2 lần phải xuống hạng Nhất (mùa giải 2001-2002 và 2006) để rồi trở lại V-League 2 năm sau đó (2004, 2008)

7 đội bóng còn lại thì 3 đội đang chơi ở giải hạng Nhất (Đồng Tháp, Khánh Hòa, Huế), 4 đội đã giải thể và không còn có tên trên bản đồ bóng đá Việt Nam (Thể Công, Cảng Sài Gòn, Công An TP.HCM, Công An Hà Nội).

SLNA vô địch mùa bóng 2011

Quang Minh

*1/3 số đội từng dự V-League đã “biến mất”

          Quy luật đào thải khắc nghiệt đã khiến cho nhiều đội bóng từng đứng vững ở thời kỳ bóng đá bao cấp, giờ đây không thể tồn tại trong môi trường bóng đá chuyên nghiệp.

Trong số 32 đội bóng từng tham gia tranh tài V-League, vì nhiều lý do khác nhau mà cho đến thời điểm này, có tới 1/3 số đội (chính xác là 11 đội) đã không còn hiện diện trên bản đồ bóng đá Việt Nam. Ngoài 4 đội từng góp mặt ở mùa giải chuyên nghiệp đầu tiên kể trên (Thể Công, Cảng Sài Gòn, Công An Thành phố Hồ Chí Minh, Công An Hà Nội), còn có 7 đội bóng khác là: Hà Nội.ACB, Hòa Phát Hà Nội, Navibank Sài Gòn, Ngân hàng Đông Á, Sài Gòn Xuân Thành, Quân khu 4, V.Ninh Bình.

Cảng Sài Gòn, đội bóng đã biến mất trên bản đồ bóng đá Việt Nam

*Đi tìm những đội bóng giàu truyền thống

Xét về “thâm niên”, không đội bóng nào có thể sánh được với SLNA. Đội bóng xứ Nghệ dù mới chỉ 2 lần vô địch V-League (mùa giải 2000-2001 và 2011) nhưng chưa hề vắng mặt ở bất kỳ mùa giải nào và là đội bóng duy nhất làm được điều này (thành tích khiêm tốn nhất là xếp thứ 9 ở V-League 2008, 2010 và 2016).

Xếp ngay sau SLNA là SHB.Đà Nẵng với 18 lần tham dự giải. Thăng hạng chuyên nghiệp ở mùa giải 2001-2002, đội bóng sông Hàn liên tiếp góp mặt kể từ đó đến nay với thành tích tốt nhất là vô địch V-League 2009 và 2012.

SHB Đà Nẵng vô địch năm 2009

Đông Nghi

 

Ngoài SLNA và SHB.Đà Nẵng, còn có những đội bóng giàu truyền thống khác chưa từng phải xuống hạng kể từ khi giành được quyền lên chơi ở V-League như HAGL (góp mặt từ V-League 2003), Bình Dương (góp mặt từ V-League 2004)…

Trong khi đó, theo chiều ngược lại, Quân khu 4, Tiền Giang, Hùng Vương An Giang và Kiên Giang là những đội bóng “ít” truyền thống nhất. Cả 4 đội bóng này đều chỉ góp mặt ở V-League đúng 1 lần (quay trở lại hạng Nhất sau đúng 1 năm thăng hạng chuyên nghiệp).

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.