Những hãng hàng không Việt nào từng phá sản?

Mai Hà
Mai Hà
15/07/2023 17:34 GMT+7

Không có quá nhiều hãng hàng không hoạt động như nhiều nước trên thế giới, song thị trường hàng không Việt rất khắc nghiệt, đã từng có hãng phá sản sau thời gian ngắn hoạt động.

Những năm 2006 - 2007 từng đánh dấu sự sôi động của hàng không Việt Nam khi có hàng loạt hãng hàng không tư nhân gia nhập thị trường như Vietjet Air, Indochina Airlines, Trai Thien Air Cargo, Air Mekong, Blue Sky. 

Những hãng hàng không Việt nào từng phá sản? - Ảnh 1.

Indochina dừng bay, thua lỗ nặng nề dẫn đến mất vốn chỉ sau 1 năm hoạt động

INDOCHINA AIRLINES

Tuy nhiên, với đặc thù là ngành khắc nghiệt và "đốt tiền", tới nay chỉ còn Vietjet Air tiếp tục hoạt động và lớn mạnh, những cái tên còn lại lần lượt biến mất trên thị trường.

Indochina Airlines

Indochina Airlines được thành lập vào tháng 5.2008 với tên gọi ban đầu là Công ty cổ phần Hàng không Tăng Tốc, tên giao dịch quốc tế AirSpeedUp JSC, vốn điều lệ 200 tỉ đồng. Đến tháng 10.2008, hãng đổi tên thành Công ty cổ phần Hàng không Đông Dương - Indochina Airlines.

Từng có rất nhiều kỳ vọng khi bay chuyến đầu tiên vào tháng 11.2008, song hãng hàng không của đại gia Hà Dũng đã nhanh chóng chìm sâu vào khủng hoảng. Chỉ sau gần 1 năm, đến tháng 9.2009, hãng bay này phải bỏ đường bay TP.HCM - Đà Nẵng và chỉ còn duy trì chặng bay TP.HCM - Hà Nội.

Khó khăn về tài chính, Indochina Airlines rơi vào cảnh nợ tiền xăng của Skypec (khi đó là Công ty Xăng dầu hàng không Việt Nam - Vinapco, do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ). Vinapco không đòi được nợ, cũng không thể ngừng cung cấp xăng dầu vì lo bị quy vào lỗi làm gián đoạn hoạt động vận tải hàng không.

Trước nguy cơ mất vốn nhà nước, cuối năm 2010, Vinapco đã khởi kiện Indochina Airlines ra Tòa án Kinh tế Hà Nội. Ngoài ra, Indochina Airlines còn nợ lương nhân viên và có thời điểm chỉ duy trì thuê được 1 chiếc máy bay. Đến cuối năm 2011, hãng bay này xin ngừng cất cánh. Tới tháng 12.2011, Bộ GTVT chính thức rút giấy phép của hãng hàng không Indochina Airlines.

Trai Thien Air Cargo

Trai Thien Air Cargo là hãng hàng không tư nhân đầu tiên của Việt Nam được cấp phép chuyên vận chuyển hàng hóa, bưu phẩm, bưu kiện, được thành lập vào tháng 6.2008. Trãi Thiên được cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không trong nước từ tháng 10.2009 với vốn điều lệ 500 tỉ đồng, nhưng chưa hề cất cánh. 

Dù chi phí cho thời gian khởi động ước tính cũng mất hàng trăm tỉ đồng, song sau 1 năm được cấp phép, hãng bay này vẫn không công bố kế hoạch sắm máy bay, lên lịch bay. Nhân viên hãng liên tục gửi đơn tố cáo về chuyện nợ lương.

Tháng 12.2011, hãng bay này bị rút giấy phép kinh doanh với lý do không có hoạt động khai thác.

Blue Sky

Công ty cổ phần Hàng không Bầu Trời Xanh (Blue Sky) đã được Cục Hàng không Việt Nam (Bộ GTVT) cấp giấy phép kinh doanh hàng không chung vào ngày 8.6.2010.

Tuy nhiên, sau 10 năm được cấp phép, Blue Sky vẫn chưa được cấp Chứng chỉ nhà khai thác tàu bay (AOC) và chưa có hoạt động khai thác bay.

Tháng 10.2020, Bộ GTVT đã hủy bỏ giấy phép kinh doanh hàng không chung số 01/GP-CHK của Cục Hàng không Việt Nam cấp cho Blue Sky. Lý do, Blue Sky đã quá hạn mà chưa được cấp AOC và chưa có hoạt động khai thác bay.

Trong khi đó, theo quy định của Nghị định 89/2019/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh hàng không, giấy phép kinh doanh hàng không chung bị hủy bỏ nếu không được cấp AOC trong vòng 3 năm kể từ ngày được cấp giấy phép này.

Những hãng hàng không Việt nào từng phá sản? - Ảnh 2.

Air Mekong từng sở hữu 4 máy bay thân hẹp Bombardier với 8 đường bay, song nhiều yếu tố khiến hãng bay này phải dừng hoạt động sau gần 3 năm

AIR MEKONG

Air Mekong

Công ty cổ phần Hàng không Mê Kông (Air Mekong) được thành lập với vốn điều lệ ban đầu 200 tỉ đồng. Đây là hãng hàng không tư nhân thứ ba được cấp phép tại Việt Nam, sau Indochina Airlines và Vietjet Air. 

Hãng này có chuyến bay đầu tiên vào tháng 10.2010, tập trung khai thác các đường bay từ TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng đến Phú Quốc, Đà Lạt. Điểm khác biệt trong chiến lược kinh doanh của Air Mekong là chọn dòng máy bay thân hẹp Bombardier CRJ900 có dưới 90 chỗ ngồi, khai thác các tuyến du lịch biển và đặt căn cứ tại sân bay Phú Quốc.

Tuy nhiên, tháng 3.2013, hãng ngừng bay do nhiều yếu tố như khó khăn về tài chính, chi phí khai thác tăng cao, dù theo công bố thông tin hệ số khai thác ghế vẫn lên đến 82% và đã chiếm hơn 6% thị phần nội địa. 

Air Mekong cũng biến thành "con nợ" do chưa thanh toán khoản nợ gần 26 tỉ đồng với Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV). Số nợ này phát sinh từ hợp đồng cung cấp dịch vụ cất/hạ cánh, bãi đỗ… 

Air Mekong xin tạm ngừng khai thác từ ngày 1.3.2013 với lý do là tái cơ cấu đội máy bay. Tuy nhiên, sau 1 tháng xin tạm ngừng bay, AOC của Air Mekong hết hiệu lực. Sau hơn 1 năm tạm ngừng bay, hãng vẫn không đưa ra được kế hoạch bay trở lại và không đủ các điều kiện để duy trì giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không theo quy định.

Đầu năm 2015, Bộ GTVT đã quyết định hủy bỏ giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không của Air Mekong.

Tại Mỹ, nhiều hãng bay lớn của nước này như American Airlines, United hay Delta đều có thời điểm nộp đơn xin phá sản. Theo luật pháp Mỹ, bảo hộ phá sản (bankruptcy protection) cho phép doanh nghiệp trì hoãn việc trả nợ trong quá trình lên kế hoạch và thực hiện tái cơ cấu, phục hồi hoạt động kinh doanh.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.