Những hành động 'xấu xí' của người Việt khi ra nước ngoài

Thanh Tuyền
Thanh Tuyền
06/11/2018 09:40 GMT+7

Những hành động vô ý thức của một bộ phận người dân mỗi khi ra nước ngoài như: tiểu bậy, vẽ bẩn lên di tích, trộm cắp… vô tình khiến hình ảnh người Việt trở nên xấu xí, phản cảm trong mắt bạn bè quốc tế.

Hai người Việt trộm kính hàng hiệu ở Thụy Sĩ
Tháng 7.2015, cảnh sát thành phố Zurich (Thụy Sĩ) đã bắt giữ hai du khách người Việt do nghi ngờ về hành vi ăn cắp. Cụ thể, hai người này đã gỡ thẻ giá và thẻ thông tin sản phẩm của 3 chiếc kính hiệu Gucci và Louis Vuitton với trị giá hơn 300 USD mỗi chiếc sau đó đeo hai trong số 3 vật phẩm đánh cắp ra khỏi cửa hàng.
Hai du khách bị bảo vệ trung tâm bắt lại ngay sau khi sự việc xảy ra và bàn giao lại cho cảnh sát thành phố. Mỗi thủ phạm ăn cắp sau đó đã phải chịu phạt 1.000 franc Thụy Sĩ (hơn 23 triệu đồng) trước khi được thả tự do.
Du khách Việt đi tiểu xuống hồ nước nổi tiếng ở Đài Loan
Tháng 8.2017, tờ Apple Daily của Đài Loan cho đăng tải hình ảnh thu hút sự chú ý của dư luận. Theo đó, bức ảnh chụp lại cảnh hai vị khách người Việt đang đi tiểu xuống hồ Nhật Nguyệt, một điểm du lịch nổi tiếng ở Đài Loan trong khi nhà vệ sinh cách đó chỉ khoảng 200m. Được biết, nhóm du khách Việt Nam có khoảng 30 người, và nhiều nam giới trong nhóm đã thực hiện hành vi vô ý thức này.
Cộng đồng mạng xứ Đài sau đó đã tỏ ra phẫn nộ, bất bình trước hành động của du khách Việt và cho rằng đây là hành vi không thể chấp nhận được. Một số người còn bình luận rằng đi tiểu nơi công cộng là thói quen của người Việt Nam. Theo quy định của ban quản lý thắng cảnh hồ Nhật Nguyệt, du khách có hành vi làm bẩn nước hồ hay xả rác sẽ bị phạt từ 10.000-15.000 tệ (khoảng 7,5-12 triệu đồng).
Hình ảnh hai nam thanh niên người Việt vô tư tiểu xuống hồ Nhật Nguyệt bị bêu xấu trên báo Đài Loan Ảnh: Apple Daily
Ba người Việt bị bắt vì lấy cắp đồ ở Nhật
Đầu tháng 8.2018, cảnh sát Nhật Bản đã bắt giữ ba công dân Việt Nam sau khi phát hiện 1.700 vật phẩm bị đánh cắp trong một ngôi nhà ở tỉnh Saitama. Ba người bị bắt giữ đều trong tình trạng thất nghiệp và một trong số đó được xác định là Phạm Trọng Hà, 26 tuổi. Cơ quan chức năng đã phát hiện 1.700 mặt hàng ăn cắp với hơn 300 trong số đó là thuốc và mỹ phẩm tại nơi ở của Hà tại phố Kawaguchi, tỉnh Saitama. Tại cơ quan điểu tra, Hà thú nhận tất cả các vật phẩm trong nhà hầu hết là hàng hóa ăn cắp.
Câu chuyện người Việt ăn cắp ở Nhật phổ biến đến mức, nhiều cửa hàng, trung tâm thương mại đã phải dùng biển cảnh báo bằng tiếng Việt để nhắc nhở những người Việt có ý định trộm cắp tài sản. Theo tờ Kyodo news, cảnh sát đã ghi nhận hơn 5.000 tội phạm là người Việt Nam trong năm 2017, tăng gấp đôi so với năm 2016 và chiếm 30,2% trong số tội phạm là công dân nước ngoài.
Bốn người Việt phải hầu tòa vì ăn trộm hàng hiệu ở Singapore
Hình ảnh xấu xí của người Việt mỗi khi ra nước ngoài2
Những hàng hóa mà bốn công dân Việt Nam ăn cắp tại một cửa hàng mua sắm ở Singapore Ảnh: Straits Times
Giữa tháng 9.2018, tờ Straits Times đưa tin hai người đàn ông và hai phụ nữ Việt Nam đã bị cáo buộc ăn trộm gần 900 món đồ thuộc nhóm quần áo phụ nữ, bao gồm đồ lót, có tổng trị giá 26.000 SGD (gần 450 triệu đồng). Để qua mặt máy quét chống trộm tại cửa hàng, nhóm này đã bỏ các món đồ vào túi có lót giấy bạc. Trong cuộc họp báo ngày 17.9, cảnh sát nói đây là vụ trộm cửa hàng lớn nhất về giá trị và số lượng trong những năm gần đây.
Những người này nhanh chóng bị tạm giam và phải hầu tòa vào ngày 25.9. Theo nhiều trang báo địa phương, có thể những cá nhân phạm tội trên phải đối mặt với án tù kéo dài 7 năm. Hiện chưa có thêm thông tin về mức xử phạt đối với các công dân nói trên.
Những biển báo nhắc nhở bằng tiếng Việt như thế này khiến những du khách Việt cảm thấy xấu hổ Ảnh chụp màn hình
Những trường hợp trên chỉ chiếm số lượng không đáng kể trong số rất nhiều vụ việc liên quan đến ý thức của người Việt tại nước ngoài. Nhiều việc được nhắc đến đó là chuyện ăn buffet, ồn ào, thích vứt rác bừa bãi, chửi tục... Loạt hành vi phản cảm nêu trên không những khiến cộng đồng quốc tế có những đánh giá tiêu cực, ác ý về người Việt Nam mà còn là một trong những nguyên nhân khiến nhiều người Việt bị kỳ thị, xa lánh mỗi khi đi du lịch, du học hay sinh sống ở nước ngoài.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.