Theo SciTechDaily hôm 15.9, thiên thể “lạ” đã lọt vào tầm ngắm của Kính thiên văn phía Bắc của Đài thiên văn Gemini. Sau khi phân tích, các nhà khoa học của Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) xác nhận đây là một sao chổi và đặt tên là C/2019 Q4.
Sao chổi C/2019 Q4 đã được nhà thiên văn học nghiệp dư người Nga Gennady Borisov phát hiện vào ngày 30.8 và lập tức thu hút sự chú ý của cộng đồng thiên văn học thế giới.
Đây là lần thứ hai trong nhiều năm một vật thể thuộc không gian liên vì sao “đi lạc” vào hệ mặt trời. “Vị khách” đầu tiên là Oumuamua 2.0 vào năm 2017.
|
Nhờ vào Đài thiên văn Gemini, các nhà nghiên cứu có thể nắm bắt thời gian quý giá để chụp được ảnh màu của sao chổi “lạ” xuất hiện trong thời gian cực ngắn trước khi đi vào khu vực khiến nó hầu như biến mất trước ống kính Trái đất.
Do tiểu hành tinh và sao chổi được cho là tàn dư còn sót lại trong quá trình hình thành một hệ mặt trời, việc tìm hiểu được cấu tạo của sao chổi trên có thể cho phép giới thiên văn học biết thêm nhiều điều về nguồn gốc của nó.
Đây là một trong các ưu điểm lớn khi nghiên cứu những thiên thể thuộc không gian liên vì sao, vì chúng ta không cần phải gửi tàu vũ trụ do thám nơi xa xôi mà vẫn có cái nhìn tổng quát về các hệ thống sao ngoài mặt trời.
Bình luận (0)