Những học sinh chỉ học trực tuyến… trong giấc mơ

26/11/2021 06:11 GMT+7

Có những học sinh gần 1 học kỳ qua chỉ biết cố gắng tự học và làm bài tập theo tài liệu thầy cô giáo gửi về nhà. Có em cho biết nhiều hôm nằm mơ thấy mình được học trực tuyến như bạn bè…

“Con chưa một ngày được học trực tuyến như bạn bè, nhưng con cũng cố gắng tự học theo tài liệu thầy cô gửi. Nghe tin con được các cô chú tặng máy mà lúc đầu con không tin, cứ tưởng là đang nằm mơ vì bình thường con cũng mơ thấy mình có máy để học trực tuyến”, Liêu Quốc Nam, học sinh (HS) lớp 8 Trường THCS Cần Thạnh, H.Cần Giờ, TP.HCM, giọng nhỏ nhẹ chia sẻ.

Trong chương trình “Cùng em học trực tuyến” - Trao thiết bị hỗ trợ học tập cho HS có hoàn cảnh khó khăn, do T.Ư Đoàn, Báo Thanh Niên và FPT Shop tổ chức tại H.Cần Giờ vào ngày 25.11, chúng tôi đã chứng kiến những hoàn cảnh, câu chuyện mà nghe đến đâu khóe mắt lại cay đến đó.

Nhà báo Hải Thành, Phó tổng biên tập Báo Thanh Niên, hỏi thăm, động viên và chia sẻ với hoàn cảnh của em Liêu Quốc Nam (giữa)

Đến hàng xóm cũng không thể ngồi yên

Trong số rất nhiều HS được ba mẹ đưa đến nhận thiết bị hỗ trợ học tập, chỉ duy nhất anh Võ Hữu Thành (trú tại TT.Cần Thạnh) là người hàng xóm dẫn cậu học trò hiếu học đến nhận máy.

“Tôi ở gần nhà trọ của gia đình Nam, thấy gia cảnh của cháu quá bi đát, mẹ bị bệnh giai đoạn cuối, em gái bại liệt từ nhỏ, chỉ một mình ba đi làm lưới cá thuê cho người ta và lo cho cả gia đình. Nam rất sáng dạ, học hành lanh lợi nhưng từ khi học trực tuyến đến giờ, Nam không có cơ hội được học như bạn bè, chỉ ở nhà và học tài liệu của thầy cô gửi về. Gia đình không ai biết chữ, giờ chỉ trông cậy vào mình Nam mà khổ thế này nên tôi lo cháu không học được”, anh Thành trải lòng.

Vì quá thương cho sự hiếu học và hoàn cảnh khó khăn của Nam, nên anh Thành đã phải nghỉ làm để đưa cháu đi nhận máy tính.

“Chỉ cần bé có máy để học là tôi vui lắm rồi. Tôi không khá giả gì, dịch bệnh công việc cũng bị ảnh hưởng nên không có tiền để hỗ trợ cháu mua máy học. Chính vì thế, biết được ở đâu có hỗ trợ là tôi gọi điện đến xin, may nhận được sự quan tâm của chương trình, tôi vui mừng thay cho Nam”, anh Võ Hữu Thành hạnh phúc như chính đứa con ruột của mình được nhận máy.

Vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, Nam ngoài việc tự học, tối vẫn ra tàu cá mà ba làm để phụ rửa cá, quét dọn rồi chủ tàu thương trả cho được vài chục ngàn hoặc 100.000 đồng để có tiền phụ ba trang trải cuộc sống.

Ông Trần Quốc Huy, Giám đốc kinh doanh vùng FPT Shop, trao thiết bị hỗ trợ học tập cho học sinh H.Cần Giờ

Không ngủ được vì niềm vui có máy cho con học

Chương trình trao thiết bị hỗ trợ học tập cho các HS có hoàn cảnh khó khăn tại H.Cần Giờ bắt đầu lúc 10 giờ, nhưng tờ mờ sáng chị Huỳnh Thị Ngọc Mai (mẹ của em Nguyễn Phước Trung, HS Trường tiểu học An Phú Đông) đã lọ mọ đến.

Hỏi thì chị Mai tâm sự: “Nhà không có đồng hồ, tôi cũng không có điện thoại nên không biết mấy giờ. Cứ gà gáy là biết trời sáng và dậy để chuẩn bị đi nhận máy cho con. Nghe nói được tặng máy để con học trực tuyến, tôi mừng quá không ngủ được, cứ nằm thao thức chờ đến sáng là đi liền luôn”.

Chị Mai một mình nuôi 3 con ăn học, chồng bị bệnh tâm thần nằm điều trị ở bệnh viện. Hằng ngày chị đi mò cua bắt ốc để bán kiếm tiền sinh sống qua ngày, cuộc sống quá khó khăn, không có đủ tiền ăn hằng ngày nên chị Mai chưa bao giờ dám nghĩ đến chuyện có thể mua được máy cho con học trực tuyến.

Chiếc điện thoại cũ, màn hình vỡ, nguồn hư cứ tắt máy liên tục, nên Nguyễn Ngọc Liên, học sinh lớp 4 Trường tiểu học Bình Khánh, không thể học trực tuyến những ngày qua

Đào Ngọc Thạch

Cả đêm không ngủ vì háo hức, 5 giờ sáng, Trần Quỳnh Như, HS lớp 3 Trường tiểu học Bình Thạnh, đã đánh thức mẹ là chị Trần Thị Bé Cúc dậy chở đến trường cách nhà gần 40 km, nơi diễn ra chương trình để được nhận máy về học trực tuyến.

Ba bỏ đi, Trần Quỳnh Như sống một mình với mẹ từ khi mới một tháng tuổi. Cuộc sống của 2 mẹ con cứ lầm lũi qua ngày bằng nguồn thu nhập là tiền làm công cho vựa cá khô.

“Tiền ăn còn lo ngày được ngày mất, tôi không biết lấy gì để lo cho con học trên máy tính như các bé khác. May sao, người thân cho mượn chiếc điện thoại lúc rảnh rỗi, cháu học với cô được lúc nào hay lúc đó. Cô giáo cũng biết hoàn cảnh nên ngày nào không thấy Quỳnh Như vào lớp học học trực tuyến là biết con không mượn được máy. Cô không rầy la mà hết ngày là gửi bài để con tự học”, chị Bé Cúc xúc động.

Cũng một mình nuôi 3 đứa con, chị Nguyễn Thị Lớn (mẹ của em Nguyễn Trọng Nhân, HS Trường tiểu học Bình Khánh) như đứt từng đoạn ruột mỗi lần nghĩ đến việc học của con.

“Hai đứa lớn không có tiền nuôi nổi nên đã phải nghỉ học, giờ có bé nhỏ học lớp 4, tôi tự nhủ lòng phải cố để cho con học đến cùng. Nhưng từ ngày học trực tuyến, nhà có cái điện thoại cục gạch thôi nên chịu thua luôn. Tôi đi làm thuê, ai mướn gì làm nấy, nhưng dịch bệnh là thất nghiệp luôn, mấy tháng dịch bệnh không có đồng nào mà phải lo tiền trọ hằng tháng, tiền ăn cho con mỗi ngày, khổ quá nên không biết làm sao mua được máy cho con học”, chị Lớn nghẹn ngào.

Giúp học sinh thích ứng với những thay đổi trong học tập

Phát biểu tại chương trình, nhà báo Hải Thành, Phó tổng biên tập Báo Thanh Niên, cho biết khi cả nước đang phải chống chọi với dịch Covid-19, HS phải ngừng đến trường, chuyển sang học trực tuyến. Vì thế, HS ở vùng sâu, vùng xa điều kiện học tập, sinh hoạt, phát triển thể chất và tinh thần đều rất thiếu thốn và khó khăn.

“Với ý thức trách nhiệm với cộng đồng, hôm nay cùng với sự chung tay của FPT Shop, Báo Thanh Niên mang đến món quà cho HS để các em thêm cơ hội, thích ứng với những sự thay đổi trong học tập. Mong các em cố gắng vượt khó trong học tập, thích ứng với điều kiện bình thường mới. Mong phụ huynh quan tâm hơn nữa trong việc học của các em. Chỉ có học mới giúp cho con em mình thành công sau này”, nhà báo Hải Thành gửi gắm.

Còn bà Võ Thị Diễm Phượng, Trưởng phòng Giáo dục H.Cần Giờ, chia sẻ: “Dịch Covid-19 đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc dạy và học của giáo viên và HS. Hình thức học trực tuyến cũng tạo ra những khó khăn không nhỏ về thiết bị cho phụ huynh, HS. Vì vậy, với món quà mà Báo Thanh Niên và FPT Shop trao tặng hôm nay, không chỉ giúp các em tham gia vào hoạt động học tập một cách kịp thời mà đây sẽ là điều kiện để các em tiếp cận với chuyển đổi số, công nghệ hiện đại trong tình hình mới”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.