Những khám phá kỳ thú về không gian và vũ trụ năm 2020

26/12/2020 20:23 GMT+7

Động đất trên sao Hỏa, phát hiện nước trên các thiên thể ngoài Trái đất và cuộc săn đuổi tiểu hành tinh là những điểm sáng trong nỗ lực khám phá không gian và vũ trụ của nhân loại trong năm 2020.

Những khám phá trong năm 2020 thiết lập nền tảng cho những bước tiến đầy thách thức trong năm mới, một năm mà Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) hy vọng sẽ bay trực thăng trên sao Hỏa và triển khai chuyến bay thử nghiệm đầu tiên của chương trình Artemis, đưa con người quay lại mặt trăng, theo UPI hôm 25.12.

Bức ảnh ‘nóng nhất’

Trong lúc các nhà khoa học nắm được cơ chế hoạt động bên trong của mặt trời, vẫn còn nhiều điều chúng ta vẫn chưa hiểu hết về ngôi sao mang đến sự sống cho nhân loại, chẳng hạn như tại sao khí quyển mặt trời lại nóng hơn bề mặt của nó, hoặc chính xác là cái gì thúc đẩy sự phóng thích năng lượng ở vành nhật hoa.

Ảnh tổ hợp về mặt trời

NASA

Năm 2020, các nhà khoa học đã có cơ hội khám phá một số trong những hiện tượng kỳ diệu nhất của mặt trời, nhờ vào bộ đôi kính viễn vọng Hi-C của NASA và phi thuyền không gian Solar Orbiter, do NASA hợp tác với Cơ quan Không gian châu Âu (ESA).
Vào mùa xuân, các nhà khoa học đã chia sẻ những bức ảnh sắc nét nhất về mặt trời, hé lộ sự tồn tại của những dải plasma siêu nóng làm nên lớp ngoài cùng của ngôi sao trung tâm của chúng ta. Còn các chuyên gia đằng sau sứ mệnh Solar Orbiter cũng trình làng những hình ảnh chụp gần mặt trời nhất từ trước đến nay.
Thông qua các sứ mệnh trên, chúng ta có thể tìm hiểu cơ chế tạo ra thời tiết không gian gần Trái đất và xuyên suốt hệ mặt trời.

Động đất trên sao Hỏa

Năm 2020, các nhà nghiên cứu công bố các báo cáo khoa học đầu tiên dựa trên dữ liệu do thiết bị đổ bộ InSight của NASA thu thập được trên bề mặt sao Hỏa. Kể từ khi con tàu bắt đầu sứ mệnh vào cuối năm 2018, các thiết bị đo địa chấn của nó đã phát hiện hàng trăm trận động đất trên hành tinh đỏ.
Tần suất của sóng địa chấn lọt vào tầm quan sát của InSight cho thấy thiết bị đổ bộ của NASA đã đáp lên một dải cát rộng và có độ dày gần 1 m.
Theo kết quả phân tích của NASA và Viện Công nghệ Liên bang Thụy Sĩ ở Zurich, thành phần bên dưới lớp cát của sao Hỏa rất giống với lớp vỏ kết tinh của Trái đất, nhưng có nhiều đứt gẫy hơn.

Những thiên thể nước

Cuộc tìm kiếm sự sống tiếp tục thống trị lĩnh vực khoa học hành tinh và trong thời gian qua các chuyên gia Trái đất đang tập trung tìm kiếm một trong những manh mối về sự sống ngoài Trái đất, đó là nước trên các hành tinh.

Mặt trăng Enceladus

ESA

Mùa hè năm nay, các nhà khoa học NASA đã sử dụng những mô hình toán học vô cùng phức tạp để dự đoán phải chăng những hành tinh giống như Trái đất gần hệ mặt trời cũng chứa nước.
Nhà khoa học hành tinh Lynnae Quick của Trung tâm các chuyến bay không gian Goddard (Mỹ) đã phát hiện đến ¼ trong số 53 hành tinh mà nhóm ông nghiên cứu nhiều khả năng là các thế giới nước. Điều này có nghĩa là chúng chứa những đại dương bên dưới các lớp băng, giống như mặt trăng Enceladus của sao Thổ và Europa của sao Mộc.
“Những sứ mệnh kế tiếp sẽ mang cho chúng ta cơ hội khám phá liệu các mặt trăng trong hệ mặt trời cũng có thể dung dưỡng cho sự sống sinh sôi hay không”, theo chuyên gia Quick.

Đá mặt trăng

Năm ngoái, Trung Quốc trở thành quốc gia đầu tiên đáp phi thuyền lên phần tối của mặt trăng. Năm nay, cơ quan không gian Trung Quốc đã thu thập đá mặt trăng và đưa về Trái đất.
Vào đầu tháng 12, tàu Hằng Nga 5 của Trung Quốc đã cho tàu đổ bộ đáp xuống Mons Rumker, một đồng bằng hình thành từ dung nham núi lửa 1,2 tỉ năm tuổi.
Sau khi thu thập được 2 kg đá, tàu đổ bộ quay về tàu mẹ. Đến ngày 17.12, khoang chứa đá mặt trăng của tàu Hằng Nga 5 đã quay về Trái đất, và Trung Quốc trở thành quốc gia đầu tiên sau nhiều thập niên thu hồi thành công đá mặt trăng.

Săn đuổi tiểu hành tinh

Năm nay, Mỹ trở thành quốc gia thứ hai thu thập đá và bụi từ bề mặt của một tiểu hành tinh.

Thời điểm tàu OSIRIS-Rex chạm xuống bề mặt tiểu hành tinh Bennu

NASA

Vào đầu tháng 10, tàu du hành OSIRIS-REx của NASA đã thực hiện thành công động tác chạm xuống tiểu hành tinh Bennu trước khi rời khỏi và lấy theo mẫu vật từ bề mặt.
Mẫu vật đã được khóa chặt bên trong khoang chứa và sẵn sàng cho chuyến “hồi hương”. Cuộc hành trình quay về Trái đất sẽ bắt đầu vào năm sau, nhưng phải chờ đến năm 2030 khoang chứa mới đổ bộ xuống địa cầu.
Các nhà khoa học hy vọng những mẫu vật này có thể giúp giải mã lịch sử ban đầu của hệ mặt trời, cũng như mang đến những thông tin hữu ích cho phép xây dựng hệ thống phòng thủ, bảo vệ Trái đất trước nguy cơ tấn công từ các tiểu hành tinh “sát thủ”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.