|
Ngày 9.12, Tòa án Hồng Kông ra lệnh giải tán khu biểu tình tại Kim Chung (Admiralty). Việc dọn dẹp các khu phố bị chiếm đóng sẽ bắt đầu vào sáng mai 11.12. Người biểu tình được khuyến cáo “hãy xếp đồ và về nhà”, theo South China Morning Post.
Đáp lại, các thủ lĩnh sinh viên từ hai nhóm lãnh đạo biểu tình là Học dân Tư triều và Liên đoàn Sinh viên Hồng Kông nói rằng họ sẽ không kháng cự. Châu Vĩnh Khang, Tổng thư ký Liên đoàn Sinh viên Hồng Kông, cho biết các sinh viên sẽ biểu tình ngồi và đợi chờ cảnh sát tới thay vì chủ động “về nhà”.
|
The New York Times (NYT) ghi nhận không khí bao trùm Kim Chung sau khi lệnh tòa được ban ra là nỗi hoài niệm đối với phong trào đã kéo dài gần 3 tháng này. Hầu hết người biểu tình ở trong tâm thế chấp nhận cuộc giải tán sắp tới.
|
Vào tối 9.12, hàng ngàn người đã tụ tập lại địa điểm biểu tình để chụp ảnh và “níu kéo” quãng thời gian cuối cùng của phong trào chiếm đóng đường phố. Natalie Tsui, một y tá 40 tuổi, đã mặc lại bộ lễ phục tốt nghiệp cao học của cô đến Kim Chung để chụp ảnh.
Tsui nói rằng những bức ảnh sẽ giúp cô nhớ mãi những ngày này. “Tôi nghĩ rằng chúng tôi phải thử. Nếu bạn không gõ cửa, bạn không bao giờ biết được liệu mình có thể bước vào hay không”, nữ y tá cho biết.
|
Một loại dây chuyền màu vàng được một nhóm tình nguyện viên tặng cho những người biểu tình để kỷ niệm phong trào nay. NYT dẫn lời Alex Yung, một nhà phân tích tài chính và là người trong nhóm phân phát dây chuyền, nói rằng: “Chúng tôi muốn làm gì đó để nhắc mọi nhớ luôn nhớ về khoảnh khắc mà tất cả chúng ta đã chiến đấu cho niềm tin của mình”.
Yung ví món quà của mình là một “sự hối lỗi”. “Chúng tôi đều đã 30, 40 tuổi, một thế hệ chỉ quan tâm đến tiền bạc và sự nghiệp. Chúng tôi đã bỏ lại cho thế hệ trẻ cuộc đấu tranh vì những điều to lớn hơn, cuộc đấu tranh vì xã hội”, NYT dẫn lời người đàn ông này.
|
Trong khi đó, một vài nhóm hoạt động đã tìm cách bảo vệ, hoặc ghi hình lại những tác phẩm nghệ thuật được tạo ra trên đường phố trong suốt thời gian qua. Một số người khác, chẳng hạn như nghệ sĩ sắp đặt Miso Zo, phản đối việc này.
Zo nói rằng anh ta muốn thấy cảnh công trình của mình bị tháo dỡ. Nếu nó bị phát hủy, bản thân sự phá hủy đó đã là một tác phẩm nghệ thuật, với ý nghĩa của riêng nó, NYT dẫn lời Miso Zo.
Cũng tại Kim Chung, một biểu ngữ lớn màu vàng với dòng chữ “Chúng tôi sẽ quay trở lại” đã được người biểu tình dựng lên, Reuters cho biết.
|
Cuộc biểu tình yêu cầu Bắc Kinh rút lại quyết định ngày 31.8 về việc “kiểm duyệt” ứng viên cho cuộc bầu cử Đặc khu trưởng Hồng Kông vào năm 2017 nổ ra ngày 28.9. Bạo lực và xung đột nhiều lần nổ ra giữa cảnh sát và người biểu tình trong hơn 2 tháng qua.
Những ngày này, số lều trại tại Kim Chung, khu chiếm đóng chính, đã giảm đi rất nhiều, trong số đó có nhiều lều không có người ở, bản thân người biểu tình bị chia rẽ bởi quan điểm rút lui hay tiếp tục chiếm đóng đường phố.
Quyết định của Tòa án Hồng Kông ngày 9.12 có thể là dấu chấm hết cho Phong trào Dù – tên gọi lấy cảm hứng từ vật dụng người biểu tình sử dụng để cản hơi cay của cảnh sát.
|
Hà Chi
>> Tòa án Hồng Kông ra lệnh dẹp biểu tình
>> Thủ lĩnh biểu tình Hồng Kông Joshua Wong ngưng tuyệt thực
>> Hồng Kông càng biểu tình, Trung Quốc càng lợi
Bình luận (0)