Không chỉ là giải trí
Qua các chương trình, những câu chuyện có thể đã từng xuất hiện và gây xúc động trên các phương tiện truyền thông hoặc chưa từng được khán giả biết đến đã truyền tải những thông điệp tích cực, khi không dừng lại ở khoảnh khắc thay đổi cuộc đời một cá nhân, mà còn góp phần thay đổi quan điểm, thái độ và tạo nên niềm tin để thay đổi cuộc đời của nhiều người khác. Theo MC Phước Lập, một trong những người dẫn dắt chương trình, đồng hành cùng những “khoảnh khắc cuộc đời”, anh đã nhận đủ 3 giá trị nền tảng mình yêu thích: đức tin, niềm hy vọng và tình yêu thương.
Nếu theo dõi thời sự thời gian qua, khán giả - nhất là những ai đã hay sắp làm mẹ, hẳn sẽ khó kiềm chế sự xúc động khi đọc bài viết về cuộc vượt cạn đầy nghị lực của người mẹ Nguyễn Thị Liên mắc bệnh ung thư giai đoạn cuối vẫn quyết tâm sinh con ra đời. Câu chuyện đầy thương cảm về tình mẫu tử thiêng liêng này đã được chương trình truyền hình thực tế Điều ước thứ 7 thực hiện và phát sóng đầu tháng 6 - Mong Bình An nhé cả nhà, nhận được hơn 98.000 lượt bày tỏ cảm xúc và hơn 28.000 lượt chia sẻ từ fanpage của chương trình. Hay trước đó, câu chuyện về bác bảo vệ nghèo bị kẻ gian dàn cảnh cướp xe SH cùng sự sẻ chia giúp đỡ từ cộng đồng, cũng như tấm lòng “lá rách đùm lá rách hơn” của bác khi nhận được số tiền vượt mức đền bù chiếc xe cũng đã lan tỏa nhiều hơn sau khi lên sóng Điều ước thứ 7. Nói như cảm nhận của những khán giả để lại trên fanpage chương trình: “Tình người luôn ấm áp khi con người biết sẻ chia cho nhau”.
Sự cộng hưởng và trách nhiệm xã hội của nghệ sĩ
Ngoài những chương trình trên, có thể kể đến những show thực tế giàu tính nhân văn và hướng đến cộng đồng, với sức sống lâu bền khác như: Cùng xây ước mơ - phiên bản mới của Ngôi nhà mơ ước, Hát mãi ước mơ (HTV), Vì bạn xứng đáng (VTV), Thần tài gõ cửa (THVL)... Theo NSƯT Vũ Thành Vinh - Tổng giám đốc Công ty truyền thông Khang: “Những chương trình truyền hình nhân ái có sức hút trước tiên phải “chạm” đến số đông; và quan trọng hơn, chính là sự chân thật, phải là người thật việc thật, nhưng không theo hướng ủy mị, giật gân, cũng tuyệt đối không kêu gọi chia sẻ đóng góp về mặt vật chất”.
NSƯT Vũ Thành Vinh cho rằng: “Điều quan trọng là câu chuyện của bạn kể mọi người phải tin để từ đó họ đồng cảm, sẻ chia”. Do đó, có thể không phải lúc nào cũng có người nổi tiếng tham gia, nhưng chương trình nhân văn, hướng về cộng đồng nếu biết cách làm vẫn được đón nhận.
Dù vậy, theo quan điểm của bà Nguyễn Bảo Trâm, Giám đốc điều hành VietcomFilm: “Tuy các show mang tính nhân văn luôn là điều mơ ước của chúng tôi, song để các chương trình này lan tỏa lâu dài thì vấn đề đặt ra còn phải có thêm nguồn kinh phí hỗ trợ rất lớn (ví như: tiền xây nhà cho người khó khăn, tạo vốn cho người nghèo vượt khó...). Hầu hết các chương trình nhân văn đều xuất phát từ nhà đài, sau đó chuyển sang đơn vị tư nhân sản xuất. Do vậy, nếu doanh nghiệp tài trợ gặp khó khăn hay ngưng tài trợ thì chương trình cũng sẽ phải ngừng sản xuất”.
Về vấn đề này, nghệ sĩ Quyền Linh, người được khán giả gọi là “MC của người nghèo”, chia sẻ: “Một cá nhân, một nghệ sĩ hay một đơn vị truyền thông thì không đủ sức, nhưng khi nhiều cánh tay kết nối thì những điều thiện, việc tốt, cũng là ước mơ của những mảnh đời cơ cực, khốn khó sẽ có cơ hội thành hiện thực”. Với Quyền Linh (đang dẫn chương trình Vì bạn xứng đáng, Tiếp sức hồi sinh, Mở cửa tương lai), không phải có tiền hay nhiều tiền mới làm từ thiện được, mà có khi chỉ cần có tấm lòng, sự đồng hành của nghệ sĩ cũng góp phần vào hành trình gieo mầm tin yêu trong cuộc sống.
Bình luận (0)